Những cuộc gọi nhắc tết

Trời chớm lập xuân. Gió xộc vào cánh mũi, tê buốt như thể vừa hít phải làn hơi phả ra từ tủ lạnh. Cái không khí se lạnh hiếm hoi này của thành phố chỉ xuất hiện khi gần tết.

Nhìn phố phường tấp nập chờ tết, tôi bồi hồi nhớ lại ngày xưa. Hồi đó, tầm này là ba hay gọi điện thoại vào, hỏi mãi chuyện đặt vé mà ba sớm biết rõ ngày giờ, bến bãi. Ba gọi nhắc từ đầu tháng mười, khi người ta vừa mở bán vé tết. Rồi từ đó cứ cách hai hôm, ba lại hỏi tiếp, xác nhận đã đặt vé xong chưa? Nhiều khi biết ba trông quá nên tôi cũng vờ đáp lại như thể đây là lần hỏi đầu. Ba xem lời đáp như liều thuốc an thần, cười nhăn nheo mớ chân chim quanh mắt: “Ừ ừ, ngày giờ nào, để ba đón bây...”. Riết, những cuộc gọi nhắc đặt vé của ba trở thành hương vị tết đặc trưng trong trí nhớ tôi.

Bước xuống cửa xe, lần nào tôi cũng thấy ba đợi tự lúc nào, cười hiền dang tay ra đón. Hai vai áo ba ướt sũng vì sương lạnh, còn quanh ghế chờ, gạt tàn thuốc rải đầy. Ba hồ hởi đỡ túi đồ trên lưng tôi xuống, đặt gọn trên phía sườn trước của chiếc honda. Chiếc xe đời cũ màu trắng xám ấy năm nào ba cũng mượn của chú Tiến hàng xóm, rong ruổi trên cung đường đón con về đoàn tụ. Đến khi tôi đủ tiền để mua cho ba một chiếc xe, thì ba không dùng được bao lâu, người đã đi xa bên kia dãy núi.

Mẹ thường kéo tay tôi, vừa tức vừa buồn cười, mách nhỏ: “Ổng biết bây về nên lọ mọ dậy từ lúc 2 giờ sáng. Lên sân trước hút mấy điếu thuốc, mò mẫm chẳng dám bật đèn để mọi người còn ngủ, rồi lại lò dò đi xuống nhà sau lấy sẵn 2 cái mũ bảo hiểm đặt trên đùi, chốc chốc nhìn đồng hồ nhẩm đếm. Gà vừa gáy 5 giờ là chạy ù qua nhà chú Tiến vừa mượn xe vừa ngại ngùng xin lỗi vì đã làm phiền người ta. Nhưng mẹ nghe nói, tới trưa bây mới về nhà…”.

Tôi nghe thế chỉ biết bật cười, cười xong lại thấy vừa thương vừa rưng rưng trong lòng. Mấy chục năm cày cuốc nuôi con, lớn lên đứa nào cũng như chim sổ lồng bay đi tứ phía. Hai vợ chồng già cứ lầm lũi mong xuân đến để các con trở về…

Những cái tết đoàn viên đã chẳng còn đúng nghĩa, khi năm nay không còn cuộc gọi nhắc tôi đặt vé. Ba mất trên chiếc ghe viền xanh, lúc đang lênh đênh đánh cá ngoài biển. Người ta bảo ba bị đột quỵ, chẳng kịp chở vào bờ… Những ân hận, day dứt của hơn hai mươi năm trong đời tôi, chắc đều dồn vào thời khắc ấy. Tôi chẳng nhớ nổi mình vượt qua cơn đau đó bằng cách nào…

Sáng nay thức dậy, chẳng hiểu sao tôi nhớ ba tới lạ.

Bước ra sân trước, tôi ngó thấy chú Tư ở nhà bên cạnh đang lúi húi làm mâm cơm cúng. Vợ chú mất vì mắc Covid-19 trong đợt dịch năm 2021. Chú cúi đầu khấn, thấy mắt chú đỏ hoe. Tự nhiên nghĩ lại về bao gia đình đã chẳng thể đón một cái tết đoàn viên đúng nghĩa, lòng tôi cảm thấy xốn xang đồng cảm, chua xót lạ lùng. Có những yêu thương, chẳng bao giờ đứng yên để chờ chúng ta nhận ra, rồi học cách trân trọng...

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguyễn Trúc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/167945/nhung-cuoc-goi-nhac-tet