Những cuộc hạ cánh... không an toàn

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa bị cơ quan tố tụng kết luận là chịu trách nhiệm chính đối với những sai phạm trong vụ 'đất vàng' ở TP. Hồ Chí Minh. Con số thất thoát do hành vi cố ý làm trái của ông gây ra lên đến 2.700 tỷ đồng.

Trước đó, tại kỳ họp 48 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9 đến 11-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật một số đồng chí nguyên lãnh đạo Binh đoàn 15 và Tổng Công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) vì đã có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang-thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai của đơn vị.

Cụ thể, cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010-2015 đối với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ-nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Binh đoàn 15 và Đại tá Hà Sơn Hải-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Thu...

Điều này một lần nữa cho thấy, tham nhũng dường như xảy ra khắp nơi. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có khả năng xảy ra tham nhũng nhiều nhất. Vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng không thể một phút lơ là, càng không thể chủ quan, tự mãn.

Khu "đất vàng" ở TP. Hồ Chí Minh mà cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã bắt tay để chuyển đổi sai pháp luật từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân (Ảnh: Internet)

Khu "đất vàng" ở TP. Hồ Chí Minh mà cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã bắt tay để chuyển đổi sai pháp luật từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân (Ảnh: Internet)

Cũng trong ngày đầu tuần, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng năm 2020 với những con số thật đáng giật mình. Cụ thể, vi phạm về kinh tế hơn 64.550 tỷ đồng, gần 7.080 ha đất; ngành Công an thụ lý điều tra hơn 500 vụ án, gần 1.200 bị can phạm tội về tham nhũng, thiệt hại gây ra trên 9.000 tỷ đồng và 45.500 m2 đất, hiện đã thu hồi trên 10.000 tỷ đồng. Ngành Kiểm sát đã khởi tố 294 vụ với 856 bị can. Tuy giảm 13 vụ nhưng lại tăng hơn 100 bị can so với năm 2019.

Trong báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, những cái tên như: Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Vĩnh Tuyến, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Xuân Sang… đã gây chú ý với dư luận. Gây chú ý bởi đây là những cái tên một thời được người dân ngưỡng mộ. Họ vốn có quyền chức, có thành tích và có những phát ngôn rất mạnh mẽ trên cương vị công tác của mình như biểu tượng của sự năng động, đổi mới, lập lại trật tự trong quản lý đô thị, phòng-chống tội phạm…

Ông Vũ Huy Hoàng trước khi ngồi ghế Bộ trưởng đã kinh qua nhiều chức vụ từ Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn… nên không thể nói là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm điều hành dẫn đến sai sót trong công tác nhân sự, quản lý đất đai, công sản.

Ông Nguyễn Thành Tài-cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng không kém cạnh. Những chữ ký của ông Tài đã gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến 2.000 tỷ đồng. Số tiền lớn hơn rất nhiều so với số thu ngân sách một năm của tỉnh Tuyên Quang, nó nhiều hơn 3 lần số tiền của mà hơn 30 vạn dân tỉnh Bắc Kạn miệt mài lao động trong một năm.

Vì tình riêng hay vì lý do gì mà những quan chức của TP. Hồ Chí Minh, những Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng ở Bộ Công thương đã hạ bút ký những chữ ký gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng như vậy. Câu trả lời rồi sẽ có ở những phiên tòa đang chờ đợi họ trong nay mai.

Trong báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Nếu kiểm soát tốt sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.

Đúng là nếu chúng ta có cơ chế kiểm tra, giám sát tốt thì chắc sẽ không xảy ra những vụ án tham nhũng lớn như thế này, vừa mất tiền của vừa mất người. Dĩ nhiên, chúng ta cũng biết rằng, nếu cán bộ thanh liêm, làm việc có trách nhiệm thì không ai tự dưng làm điều sai phạm, không ai đưa còng số 8 tra vào tay mình.

Nhưng đã không ngăn chặn được thì buộc phải xử lý nghiêm minh. Những kẻ tham nhũng, cố ý làm trái gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân ắt phải trả giá. Người dân càng tin tưởng hơn vào quyết tâm chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng và Chính phủ-cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt và không có vùng cấm.

Cuộc đấu tranh ấy không cho phép những kẻ tham lam được “hạ cánh an toàn”.

ĐÌNH CƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202009/nhung-cuoc-ha-canh-khong-an-toan-5700177/