Những cuốn sách Việt nổi bật năm 2019
Từ Dụ thái hậu, Đà Lạt bên dưới sương mù, Gần như là nhà... là những cuốn sách hay, truyền cảm hứng tới cộng đồng trong năm qua.
Năm 2019, nhiều đầu sách hay của tác giả Việt được xuất bản, mang tới độc giả những tri thức mới, những tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị. Nhóm phóng viên chuyên mục Xuất bản đề xuất những cuốn sách hay nhất ở mỗi hạng mục trong năm.
Sách văn học: Từ Dụ thái hậu
Bộ tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh triều Nguyễn với nhân vật chính là bà Phạm Thị Hằng - chính thất của hoàng đế Thiệu trị, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ.
Gần một nghìn trang sách lấy điểm nhìn hậu cung để mở ra cánh cửa soi vào chính trường, lịch sử triều Nguyễn qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Tác phẩm là câu chuyện về Phạm Thị Hằng từ cô tiểu thư vùng đất phương Nam tới kinh đô, trải bao éo le, thăng trầm dâu bể, trở thành người phụ nữ quan trọng bậc nhất triều Nguyễn.
Tác phẩm có sự hấp dẫn của những câu chuyện cấm cung, những phận đời, những bi kịch chốn cung đình. Mưu mô, thủ đoạn tàn độc trong hậu cung đôi khi làm khuynh đảo cả triều chính. Giữa những rối ren ấy, Phạm tiểu thư vẫn đứng thẳng bằng trí thông minh, lòng nhân hậu.
Nhà văn Trần Thùy Mai với ngòi bút tinh tế, khéo léo đã khắc họa tài tình các nhân vật lịch sử. Đó là một Gia Long thâm trầm, khôn khéo, Minh Mạng thông minh, quyết đoán, Thiệu Trị giàu tình cảm, Trần Thị Đang mưu cơ xảo quyệt, Trăng Đăng Quế điềm đạm, cương nghị, Phạm Thị Hằng dịu dàng, lấy nhân ái đối đầu cường bạo.
Không chỉ kể câu chuyện tình chốn cung đình, những đấu đá hậu cung hay các biến chuyển lịch sử, Từ Dụ thái hậu còn tái hiện sinh động bức tranh lịch sử, văn hóa Việt một thời. Lựa chọn ngôn từ thuần Việt, với thế mạnh nhiều năm làm việc và nghiên cứu về cung đình Huế, nhà văn Trần Thùy Mai khắc họa để bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, phong tục, lễ nghị chốn kinh thành nước ta một thời.
Sách khảo cứu: Đà Lạt bên dưới sương mù
Sau rất nhiều tác phẩm về Đà Lạt của nhiều người và của chính mình, ngỡ rằng Nguyễn Vĩnh Nguyên khó có thể mang tới điều gì mới mẻ về thành phố này. Nhưng năm 2019, nhà văn giới thiệu một tập sách dầy dặn Đà Lạt bên dưới sương mù. Sách là một biên khảo lịch sử văn hóa đô thị Đà Lạt giai đoạn 1950-1975.
Từ hàng nghìn trang bản thảo có trang cháy góc, những bó tài liệu ẩm mốc, và cả những trang văn bản vương máu… Nguyễn Vĩnh Nguyên dựng nên bề sâu Đà Lạt.
Trên những trang sách ăm ắp tư liệu và văn phong mềm mại, tác giả dựng lại Đà Lạt với những khoảng lạnh, khô cứng, tàn nhẫn của lịch sử khi đã bóc tách mọi sương khói bên trên.
Cái nhìn của con người lúc này không còn mờ ảo nữa mà chỉ có năm tháng, sự kiện chính xác diễn ra. Đó là khoảng thời gian khi Đà Lạt được chọn làm thủ phủ của Hoàng triều cương thổ (một năm sau khi Bảo Đại được Pháp đưa về nước năm 1949, lập chính phủ mới và làm quốc trưởng của “Quốc gia Việt Nam”).
Đà Lạt ở đây còn hiện lên từ điểm nhìn của một thế hệ xây dựng mới, Đà Lạt với những công trình kiến trúc tân kỳ như chợ Đà lạt, nhà bà Nhu, chuyện nạo vét hồ Xuân Hương…
Sách cho giới trẻ: Gần như là nhà
Gần như là nhà tập hợp hơn 30 bài viết chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của 30 tác giả trẻ từng là du học sinh, nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Có những người chỉ muốn chối bỏ quốc tịch Việt Nam hay đơn giản là cái tên Việt của mình, những người khác lại hoài nghi giữa việc ở lại hay trở về nước, hoài nghi giữa Đông và Tây, giữa ta và người, có người lại thấy nhớ nhung từng cốc trà đá, từng bát phở ở quê hương mình khi mới đặt chân đến sân bay xứ người.
Họ bày tỏ nỗi băn khoăn về vấn đề danh tính bản thân khi trải qua sự đa dạng văn hóa ở khắp các quốc gia nơi họ theo học và đang sinh sống. Họ truyền cảm hứng cho lớp người trẻ Việt tiếp theo về việc bước ra thế giới và sẵn sàng đón nhận cả thành công lẫn thất bại.
Đến nay, khoảng một nửa số tác giả đã trở về Viêt Nam và làm việc, cống hiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuốn sách Gần như là nhà cũng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong Hội sách công viên Thống Nhất và được nhiều thế hệ độc giả đón nhận, yêu mến.
Sách lịch sử: Quốc sử di biên
Sử thời Nguyễn ngoài sử nhà nước do Quốc sử quán biên soạn ra còn nhiều sách có giá trị tham khảo khác do tư nhân viết. Trong đó có Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (1808-1852). Sách viết về nhà Nguyễn qua ba thời vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị, tương ứng mốc thời gian 1802-1847.
Là người trực tiếp sống, phục vụ vương triều và chứng kiến những đổi thay của lịch sử buổi đầu triều đại, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực vì thế bao quát nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật… Bên cạnh đó là những ghi chép khá tường tận về các nhân vật lịch sử như Lê Quý Kiệt (con Bảng nhãn Lê Quý Đôn), Lê Quýnh… Những ghi chép ấy rất chi tiết, có cả dật sự, giai thoại tạo nên sự hấp dẫn, sống động của dữ kiện.
Ngoài những ghi chép chính yếu, chi tiết, tác phẩm còn có phần tham bổ với những chiếu dụ và bia ký, tấu biểu hay thơ văn liên quan có giá trị lịch sử khi tìm hiểu về thời Nguyễn. Là ghi chép của cá nhân, do đó tác phẩm không lệ vào lối chép sử biên niên của Đại Nam thực lục. Qua Quốc sử di biên, độc giả ngoài việc được thông tin về sử nhà Nguyễn một cách sinh động, cũng có thể tìm được những ghi chép riêng có của tác giả mà sử do Quốc sử quán nhà Nguyễn viết không có hoặc đề cập không chi tiết.
Sách tranh: Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức
Khởi đi từ niềm say mê vẽ ký họa và tình yêu với Hà Nội, cuốn sách Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức là một art book đẹp, chất lượng, tràn đầy cảm hứng. Sách tập hợp 200 bức tranh ký họa bằng nhiều chất liệu của nhóm Urban Sketchers Hanoi.
Nhóm ký họa đô thị Hà Nội là sân chơi của những người chuyên và không chuyên yêu thích vẽ. Nhóm đã ghi lại những hình ảnh đẹp của Hà Nội, những góc phố thân quen, nếp sống bình dị thanh tao của người Hà Nội, những công trình cũ, nét sinh hoạt văn hóa, lịch sử đang dần mất đi trong quá trình đô thị hóa.
Bên cạnh tranh, cuốn sách còn là câu chuyện về Hà Nội được viết nên qua dòng hồi ức, sự quan sát tinh tế, những hiểu biết về chiều sâu của các nhà văn, họa sĩ, nhà báo, kiến trúc sư, những người yêu và gắn bó với Hà Nội.
Từ một tuyển tập manh tính ngẫu nhiên của nhiều tác giả, mỗi người một phong cách vẽ, một lối viết, một cảm nhận riêng, sách Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức tạo nên bức tranh tổng thể về khu phố cổ. Ở đó có dấu ấn thời gian, những phong tục ngàn năm phảng phất trong đời sống sôi động không ngừng thay đổi.
Sách văn học dịch: Khó mà tìm được một người tốt
Sự xuất hiện của bản dịch Khó mà tìm được một người tốt (tên gốc: A good man is hard to find) của Flannery O’Connor (1925 - 1964) trong năm 2019 là một sự muộn màng. Tuy muộn màng, cuốn sách cũng đã phác họa bức chân dung về một trong những nhà văn Mỹ đáng chú ý nhất thế kỷ 20, với những truyện ngắn được đánh giá là xuất sắc, ám ảnh, gây tranh cãi.
Khó mà tìm được một người tốt gồm 10 truyện ngắn, 10 mảnh ghép hoàn hảo tạo nên bức tranh miền Nam nước Mỹ vào những năm 1950. Các truyện đều phủ bóng đen tối, đầy nhóc những tên tội phạm, đức tin bị lung lạc, phân biệt chủng tộc… ở mọi ngóc ngách, từ điền trang hiu hắt sang đô thị tấp nập.
Qua tập truyện, độc giả Việt Nam ít nhiều hình dung được tài năng của Flannery O’Connor. Bà đã chứng tỏ tài năng “thiết kế” ngôn từ qua tập truyện này, tỉa gọt những chi tiết bất ngờ, nhào nặn những xung đột tài tình, làm chủ mọi sự lố bịch và luôn hài hước nhất có thể cùng một lúc.
Qua bản dịch của nhà văn, dịch giả Nguyễn Nguyên Phước, khó mà tìm được cuốn văn học dịch hay như Khó mà tìm được một người tốt. Được biết, Toàn tập truyện ngắn của O’Connor đang được tiến hành chuyển ngữ và sẽ được phát hành trong thời gian tới
Sách thiếu nhi: Gõ cửa nhà trời
Thơ thiếu nhi là một thể loại ít được quan tâm. Khi nhắc đến các tập thơ dành cho thiếu nhi, các bạn nhỏ và phụ huynh thường gặp những cái tên quen thuộc như: Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh), Ai dậy sớm (Võ Quảng). Tập thơ Gõ cửa nhà trời của Bảo Ngọc mang lại một hơi thở đầy mới mẻ cho thể loại đã nguội lạnh khá lâu.
Tác giả tái hiện một tuổi thơ hồn nhiên ở làng quê, nơi có đồng ruộng, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ. Bờ đê, cái ao làng là một thế giới kỳ diệu, nơi những bạn côn trùng cư trú. Ở đó, các bạn nhỏ đã học được biết bao điều hay.
Nhà thơ Bảo Ngọc đã rất thành công khi nhập vai một cách tròn trịa thành một cô bé nhí nhảnh vui tươi để kể chuyện cho bạn bè. Tác giả liên tục sử sụng phép nhân hóa, so sánh, liên tưởng để tạo nên những tứ thơ thú vị. Là một người đã nhiều năm công tác ở báo Thiếu niên tiền phong, nên chị hiểu rất rõ thế giới nội tâm phong phú của các bạn nhỏ.
Việc sử dụng nhiều từ láy, từ tượng thanh, tượng hình làm cho ngôn ngữ thơ sống động, giàu sức gợi hình. Bên cạnh đó, tác phẩm còn hấp dẫn bởi phần minh họa đẹp mắt của họa sĩ Kim Duẩn.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-cuon-sach-viet-noi-bat-nam-2019-post1025872.html