Những cựu nữ pháo binh kể chuyện thời chiến

Là những nữ pháo binh năm xưa, cùng nhau cầm súng ra trận chiến đấu với quân thù trên vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng, tình cảm họ dành cho nhau là tình đồng chí, đồng đội và họ trân quý, yêu thương nhau như ruột thịt. Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây những nữ pháo binh năm ấy đang ở tuổi 'xế chiều', khi có thời gian, họ cùng nhau ôn lại những ký ức một thời chinh chiến gian khổ mà hào hùng.

Tượng Bác Hồ, món quà vô giá và ý nghĩa gắn liền với cả cuộc đời của cựu nữ pháo binh Lưu Thị Thanh An, được bà lưu giữ từ năm 1976 đến nay

Tượng Bác Hồ, món quà vô giá và ý nghĩa gắn liền với cả cuộc đời của cựu nữ pháo binh Lưu Thị Thanh An, được bà lưu giữ từ năm 1976 đến nay

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những ký ức về một thời khói lửa hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngụy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những nữ pháo binh trên vùng đất B’Lao năm xưa. Hình ảnh những người chị, người mẹ Việt Nam cầm súng đã hóa thành biểu tượng bất tử về đội quân “tóc dài” huyền thoại. Góp phần làm nên huyền thoại đó là những tấm gương quả cảm của các chiến sĩ trong đơn vị Nữ pháo binh mang phiên hiệu 8/3 trên vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng.

Bà Lưu Thị Thanh An và bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng là đồng chí, đồng đội đơn vị Nữ pháo binh 8/3 luôn kề vai, sát cánh bên nhau cả trong thời chiến lẫn thời bình

Bà Lưu Thị Thanh An và bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng là đồng chí, đồng đội đơn vị Nữ pháo binh 8/3 luôn kề vai, sát cánh bên nhau cả trong thời chiến lẫn thời bình

Gặp chúng tôi đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, bà Lưu Thị Thanh An (80 tuổi), nguyên Chỉ huy phó Đội Nữ pháo binh 8/3, nguyên Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, bồi hồi xúc động: Đội Nữ pháo binh được thành lập vào ngày 22/12/1968 tại suối Cheo (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm ngày nay), ban đầu với 42 đồng chí, có lúc lên tới 60 đồng chí, hoàn toàn là nữ. Trong đó, các nữ pháo binh người đồng bào K’Ho, Mạ luôn có từ 15 đến 20 đồng chí. Rất nhiều chiến công được lập nên từ những người nữ anh hùng ấy. Đã có những đồng đội phải hy sinh, có người phải tù đày, có người với những mảnh đạn găm vào cơ thể trong thời điểm sục sôi ấy. Với mỗi chúng tôi, ngoài tình đồng đội, đồng chí thì tất cả luôn hòa quyện tình chị em son sắt không có gì có thể tách rời.

Bà Nguyễn Bùi Thị Minh Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc tặng hoa tri ân các nữ pháo binh 8/3

Bà Nguyễn Bùi Thị Minh Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bảo Lộc tặng hoa tri ân các nữ pháo binh 8/3

Cùng ngồi trò chuyện bên nhau, 2 người đồng đội là bà Lưu Thị Thanh An và bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - nguyên chiến sĩ T29 (bị địch bắt tù đày) cùng ôn lại những tháng ngày lịch sử. Rồi cùng bồi hồi kể về những trận đánh mà có lẽ trong cuộc đời 2 bà và những đồng đội của mình không bao giờ quên.

Bà Lưu Thị Thanh An kể: Sau khi thành lập, Đội Nữ pháo binh thường xuyên có những trận kích pháo yểm trợ cho bộ đội chủ lực hành quân lên trận tuyến. Trận mở màn diễn ra vào đầu tháng 1/1969, khi đó 20 nữ pháo thủ phối hợp với Ðại đội 215 công binh của Tỉnh đội Lâm Ðồng đánh giao thông thuộc địa bàn K4 (huyện Ðạ Huoai ngày nay) đã diệt 17 tên lính bảo an. Tiếp đó, chỉ với 2 khẩu pháo 82 mm và 100 viên đạn, các nữ pháo thủ đã phối hợp với Ðại đội 715 đặc công đánh tập kích vào hậu cứ Lữ đoàn 173 của Mỹ và đã diệt 40 tên Mỹ, ngụy; đồng thời, phá hủy 3 máy bay trực thăng và 11 xe cơ giới cùng 4 kho quân trang, quân dụng của địch. Ðêm 15/5/1969, một khẩu đội của đơn vị chỉ với 50 viên đạn pháo đã độc lập đánh vào tiểu khu Tòa hành chính Mỹ ở Di Linh, diệt 25 tên địch, phá hủy một trực thăng. Tiếp đó, ngày 17/5, chỉ với một khẩu đội và 12 viên đạn pháo, đơn vị đã phá hủy 30 xe quân sự và bắn cháy một kho xăng của khu công binh Mỹ đóng ở buôn Ðạ Nghịch, xã Lộc Châu, Bảo Lộc.

Sau 55 năm, giờ đây những thiếu nữ pháo binh ngày nào đều đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm", nhưng họ vẫn luôn yêu thương, trân quý nhau như này nào

Sau 55 năm, giờ đây những thiếu nữ pháo binh ngày nào đều đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm", nhưng họ vẫn luôn yêu thương, trân quý nhau như này nào

Đỉnh cao trong tất cả các trận đánh của nữ pháo binh 8/3 đó là trận đánh hiệp đồng cùng đơn vị bộ binh C200 kiềm chế trung đoàn 53 quân ngụy tại Di Linh ngày 7/9/1969.

Những ngày đầu tháng 9 mùa thu năm 1969, toàn đội được giao vào chiến trường ở huyện Di Linh, hỗ trợ các đơn vị đánh vào E bộ E 53. Trước khi xuất phát, các chị nghe tin Bác Hồ kính yêu vừa vĩnh viễn ra đi. “Nghe tin Bác Hồ mất, chúng tôi ai nấy khóc như mưa vì nhớ thương, chưa bao giờ được gặp Bác. Nhưng tất cả cùng lau nước mắt và đứng dậy chiến đấu, bởi lúc ấy, lòng căm thù giặc dâng cao hơn, như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để chiến đấu và thắng quân thù để lập công đền ơn Bác”, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng nhớ lại.

Vào thời điểm đó, sau khi các đồng đội trinh sát trận địa trở về, nữ Anh hùng Lê Thị Pha (người con đất thép Củ Chi) ôm lấy mọi người òa khóc nức nở khi báo tin Bác Hồ mất, chị em nghẹn ngào không ai nói nên lời. Mấy ngày sau đó, mọi người ai lo việc nấy cho trận đánh sắp tới. Trước giờ xung trận, đơn vị tổ chức lễ truy điệu và tuyên thệ trước anh linh Bác Hồ. Ðúng 1 giờ sáng ngày 7/9/1969, 2 khẩu súng cối bắn liên tiếp 40 quả đạn, sau đó bắn cầm chừng 80 quả nữa vào sở chỉ huy địch, làm cho chúng không thể chi viện cho đồng bọn đang bị bao vây tiêu diệt ở đồi Paxtơ.

“Ðến 4 giờ 30 phút sáng, đơn vị Nữ pháo binh chúng tôi đã trút 120 quả đạn pháo lên đầu quân thù và rút về nơi đóng quân an toàn. Trong trận này, chúng tôi đã tiêu diệt 80 tên địch, phá hủy nhiều lô cốt, kho tàng quân trang, quân dụng. Trận đánh đã làm tê liệt hoàn toàn sức đề kháng của ngụy quân, ngụy quyền vùng chiến trường Di Linh (Lâm Đồng) vào thời điểm bấy giờ. Ðây là trận đánh được chị em chúng tôi thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong đợt ra quân lập công đền ơn Bác Hồ”, bà Lưu Thị Thanh An nhớ lại.

Suốt sáu năm sát cánh bên nhau, những nữ pháo binh 8/3 đã đánh hơn 50 trận, diệt và làm bị thương gần 300 tên lính Mỹ, ngụy; bắn cháy 4 máy bay, phá hủy 50 xe quân sự các loại, thu và hủy nhiều khí tài, quân trang, quân dụng, nhiên liệu của địch. Tuổi thanh xuân hòa vào những trận địa pháo hào hùng, đơn vị Nữ pháo binh 8/3 đã nhận 40 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng; 60 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và sáu Huân chương chiến công được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Ðặc biệt, hình ảnh hy sinh của đồng chí Lê Thị Pha - người nữ anh hùng quê đất thép Củ Chi, Chính trị viên của đơn vị 8/3 cho đến nay vẫn khiến hàng nghìn người dân Bảo Lộc xúc động mỗi khi nhắc đến. Tên của nữ anh hùng - liệt sĩ Lê Thị Pha hiện đã được đặt cho một trường THPT và một con đường trên vùng đất Nam Tây Nguyên đầy tự hào và kiêu hãnh.

Nhắc về nữ anh hùng Lê Thị Pha, bà Lưu Thị Thanh An, bùi ngùi nhớ lại: “Tất cả đồng chí, đồng đội nhớ mãi hình ảnh hy sinh dũng cảm của chị. Bọn địch sau khi bắn chết chị Pha thì đốt xác và kéo lê chị Pha trên đường 20. Sau 26 năm mới tìm được hài cốt chị Pha đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi. Tình chị em gắn bó lâu dài, dù chị Pha không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi. Để tưởng nhớ công ơn của chị Pha, tôi đã lập bàn thờ chị, mong là tình chị em luôn mãi bên nhau”.

Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng tự hào: “Đội Nữ pháo binh 8/3 là một trong những minh chứng hùng hồn về thế hệ phụ nữ anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước, vì độc lập dân tộc. Đã 55 năm kể từ ngày thành lập nhưng đơn vị Nữ pháo binh duy nhất trên chiến trường Lâm Đồng vẫn ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc với nhiều chiến công vang dội. Đi liền với chiến công là lòng quả cảm, là ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của các cô trong hơn 6 năm gắn bó với nhau ở chiến trường. Tất cả các đồng chí luôn là tấm gương sáng chói về lòng dũng cảm, tự hào dân tộc để thế hệ hôm nay và mãi về sau khắc cốt, ghi tâm học tập, noi theo”.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202409/nhung-cuu-nu-phao-binh-ke-chuyen-thoi-chien-2781a11/