Những cựu Thanh niên xung phong góp sức làm nên đường Trường Sơn huyền thoại

Đã hàng chục năm qua đi nhưng những khó khăn, gian khổ và cả hy sinh... của đồng đội, của mình vẫn còn hiện hữu trong ký ức những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Trường Sơn năm xưa. Họ là những người đã góp công làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Cựu TNXP Nguyễn Đức Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh ôn lại kỷ niệm.

Là Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng C5 Đội 25 Đường 20 Quyết Thắng với 2 nhiệm kỳ TNXP đóng quân trên tuyến đường này, ông Nguyễn Đức Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh có rất nhiều kỷ niệm. Trong ký ức của mình, mỗi dịp nhắc đến con đường huyền thoại Trường Sơn làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, ông Lâm lại bồi hồi nhớ đồng đội, nhớ những ngày mưa dầm, bom đạn vẫn còn vẹn nguyên.

Ông tâm sự: “Từ năm 1965 đến 1975, Thanh Hóa có 3 nhiệm kỳ TNXP, trong đó 22 vạn TNXP Thanh Hóa/hơn 52 vạn TNXP được điều động vào tuyến lửa Quảng Bình, gồm các đội N21, 263, 23, 25, 72, 73, 74, 75, 79... thuộc Đoàn 559 (sau đổi thành Ban xây dựng 67). Ngày đó, bộ đội và TNXP khổ lắm, làm đường trong rừng sâu núi thẳm, thường xuyên bị sốt rét, thời tiết rất khắc nghiệt, máy bay bắn phá ngày đêm... nhưng chúng tôi vẫn bám đường, thông tuyến, tham gia cứu thương... Nhớ nhất là đêm 26, rạng ngày 27-10-1967, Binh đoàn pháo của bộ đội ta hành quân vào miền Nam nhưng gặp pháo sáng của địch nên phải dừng lại nấp vào khe núi, sườn đồi, ngụy trang. Đơn vị C5 Đội 25 của chúng tôi làm nhiệm vụ bảo quản tuyến đường có 2 trọng điểm ác liệt là đỉnh đèo 41 và ngầm Kroong. Bị máy bay địch phát hiện, 3 giờ chiều chúng thả bom bắn phá ác liệt. Phía ta có 3 trận địa pháo của bộ đội bảo vệ đã nổ súng đánh trả quyết liệt, trong trận này có 29 đồng chí cả bộ đội và TNXP hy sinh, trong đó có 11 đồng chí là TNXP. Một số người bị thương được cáng vào hầm. Đến 5 giờ chiều, giặc lại tiếp tục thả bom đánh trúng hầm. Rất nhiều đồng chí bị thương vừa đưa vào hầm chưa kịp sơ cứu đã bị trúng bom tiếp. C5 Đội 25 của tôi lúc đó có 7 đồng chí làm nhiệm vụ cứu thương trong hầm cũng bị trúng bom, 6 đồng chí hy sinh, duy nhất còn tôi sống sót, nhưng bị ảnh hưởng của sức ép bom mìn, bị thương ở đùi và được đồng đội đưa về Bệnh viện NH K14 (Binh trạm 14) điều trị”.

Trận thứ 2 là ngày 21-11-1968. Địch đánh ngầm Kroong có 2 phi công nhảy dù về hai hướng phía Nam và phía Bắc ngầm Kroong đều bị bộ đội và TNXP ta khống chế nên chúng cho máy bay thả bom uy hiếp để cứu 2 phi công. Có 1 tên bị gãy chân phải dìu nhưng vì địch thả mưa bom nên chúng tôi phải xuống hầm trú ẩn. 2 tên phi công không thạo địa hình nên đã bị trúng bom chết. Trận này diễn ra ác liệt nhưng may thay TNXP chúng tôi và một bộ phận pháo thủ vây bắt, chống trả địch đã không ai bị thương”.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, ông Lâm vẫn đau đáu nhớ đến đồng đội. Ông Lâm đã từng trải qua nhiều vị trí công việc ở địa phương và nghỉ bảo hiểm xã hội với chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thịnh (Quảng Xương – nay là phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) rồi làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quảng Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh. Ở vị trí nào, ông cũng luôn tâm huyết với công việc và làm nhiều việc tri ân đồng đội. Ông đã cùng đoàn công tác 4 lần vào chiến trường tìm được 4 hài cốt đồng đội mang về; 2 lần cùng cơ quan Mia của Bộ Quốc phòng chuyên tìm hài cốt Mỹ chỉ cho họ nơi chôn cốt 2 phi công Mỹ năm xưa và nhiều lần trở về thắp hương cho đồng đội.

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng cô Hoàng Thị Chén đã có thời gian công tác ở đơn vị C893, Đội 89 thuộc Đoàn 559 làm nhiệm vụ tuyên truyền tại đường 12 (sang nước bạn Lào) để tiếp thêm động lực cho đồng đội và các đoàn xe bộ đội đi qua. Thời gian 3 năm công tác ở tuyến đường gian khó, ác liệt này, những vất vả, hiểm nguy không thể nào kể hết. Cô Chén tâm sự: “Tuổi đôi mươi xa nhà, chị em chúng tôi phải dựa vào nhau để sống. Chị em mỗi người một quê nhưng thương nhau như ruột thịt. Những lần chúng tôi làm nhiệm vụ đi nhặt xác đồng đội bị trúng bom hy sinh, máu thịt vương khắp nơi, nước mắt nhòe nhưng vẫn dùng đôi bàn tay bốc từng miếng thịt đồng đội chôn cất mà không rợn, bởi máu thịt đồng đội cũng là máu thịt của mình. Nhiều lần trở về nguồn tri ân đồng đội, tôi cũng như nhiều anh chị em TNXP khác lặng người nhớ thương vô cùng!

Với TNXP Thanh Hóa, nhiệm vụ chủ yếu là mở đường. Nhiều tuyến lửa, như đường 20 Quyết Thắng, đường 12, đường mòn Hồ Chí Minh... là những con đường quân dân ta đã trộn lẫn biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt.

Cựu TNXP Lê Mạnh Dũng - đơn vị C211, nhớ rõ: “Những địa danh như cua chữ A, dốc Ta Lê, dốc Ba Thang, đường 20 Quyết Thắng... là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm không nghỉ, khiến cho hàng trăm chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Khốc liệt nhất, tại Km16 + 200, ngày 14-11-1972, trong trận ném bom của giặc Mỹ đã làm sập cửa một hang đá khiến 8 TNXP cùng 5 chiến sĩ binh chủng pháo binh đã anh dũng hy sinh (nay là Di tích lịch sử Hang 8 Cô)”. “Ngày làm đường, đêm ứng cứu giao thông, chỉ cần nghe tiếng súng bắn báo hiệu của bộ đội là biết có xe đi qua vùng sạt lở, anh em chúng tôi lại cuốc, xẻng lên đường trắng đêm. Thế nhưng những khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”... đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh làm nên những chiến thắng huyền thoại”.

Hòa bình đã lâu, thế nhưng cựu TNXP Nguyễn Đức Lâm, Hoàng Thị Chén, Lê Mạnh Dũng... vẫn không nguôi nhớ về những kỷ niệm trên những tuyến đường làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn. Con đường làm nên chính là kỳ công, kỳ tích của lực lượng bộ đội và TNXP.

Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn với quân số khoảng 120.000 người đã làm nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống ngầm. Có thể khẳng định, với sự đóng góp vĩ đại ấy, con đường “huyền thoại” Trường Sơn - hay “Đường Hồ Chí Minh” đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nhung-cuu-thanh-nien-xung-phong-gop-suc-lam-nen-duong-truong-son-huyen-thoai/135581.htm