Những 'cửu vạn' phi thường dãy High Tatras
High Tatras là dãy núi hiểm trở chạy dọc biên giới phía Bắc giáp Ba Lan của Slovakia (một phần Tiệp Khắc cũ).
Bất chấp những con đường mòn dốc ngược, phải bám dây xích để leo, các sherpas - phu khuân vác hay còn gọi là “cửu vạn”, cõng cả 100kg hành lý trên lưng, đưa lên và gùi xuống núi an toàn.
Tiền chỉ xếp thứ 2
Slovakia là quốc gia nhỏ, có diện tích chỉ 49.000 km2 và dân số khoảng 5 triệu người. Tuy vậy, họ thuộc tốp những nền kinh tế phát triển nhất châu Âu, với tổng GDP năm 2020 lên tới 102 tỷ USD. Thu nhập bình quân của người dân Slovakia năm 2020 là gần 18.700 USD/năm (tương đương 429 triệu đồng).
High Tatras là dãy núi tuyệt đẹp, đậm sắc cảnh quan châu Âu. Nơi đây có tổng cộng 29 đỉnh cao hơn 2.500m và hồ trên núi Morskie Oko (Mắt biếc). Hồ này cực kỳ sạch, nước trong xanh, tọa lạc trên độ cao 1.395m, tứ bề đều có núi cao bao quanh.
Mùa xuân, High Tatras hút du khách bởi quang cảnh hồi sinh tràn trề sức sống. Mùa hè, nó là nơi thanh mát, trong lành. Mùa thu, High Tatras phô bày dáng vẻ hoang tàn huyền hoặc. Mùa đông, nó bị tuyết phủ trắng, đẹp lộng lẫy như vương quốc băng giá trong hoạt họa của Disney.
High Tatras chỉ cho phép leo bộ. Các phương tiện vận chuyển phải dừng lại ở chân núi, nơi có một số ngôi nhà gỗ được dựng với mục đích làm trạm dừng chân. Trên các đường mòn của High Tatras luôn có nhà gỗ hoặc túp lều. Mỗi túp lều lại có 1 người quản lý và tối đa 8 sherpas. Trung bình, High Tatras có khoảng 60 sherpas vào mùa hè và chỉ 30 sherpas vào mùa đông.
Vật bất li thân của một sherpas ở High Tatras là khung chất đồ có dây đeo. Nó được thiết kế như một chiếc ghế tựa không chân, đóng bằng gỗ, nặng chừng 8kg. Với khung chất đồ này, người khuân vác thuận tiện xếp chất cả 100kg hành lý. Họ cõng nó trên vai như đeo ba lô, leo núi đến vị trí khách yêu cầu.
Mọi con đường mòn của High Tatras đều dốc, lắm đoạn còn dốc đứng. Người ta phải đóng chốt vào vách đá và móc dây xích, làm dây bám cho người đi lên đi xuống. Bất chấp mùa hè nắng cháy da hay mùa đông lạnh thấu xương, các sherpas High Tatras tận tình phục vụ khách.
“Đối với chúng tôi, khuân vác không chỉ là công việc, mà còn là cách sống” - Peter Petras (75 tuổi) cho biết - “Tất nhiên là chúng tôi được trả công nhưng, trong mắt một sherpas thực thụ, tiền chỉ xếp thứ 2 thôi. Thứ được xếp số 1 trong trái tim chúng tôi là High Tatras”.
Tiến sĩ cũng muốn làm cửu vạn
Mặc dù đã 75 tuổi, Petras vẫn làm phu khuân vác dãy High Tatras. Mỗi tuần, ông nhận mang 60 – 70kg vài lần. Đáng ngạc nhiên hơn, Petras vẫn chưa phải là sherpas già nhất.
“Tôi có hứng thú với làm phu khuân vác từ năm mới lên 10”, Petras nói. Người truyền cảm hứng này cho Petras là Jožo và Ivan, 2 anh trai của ông. Jožo từng nổi danh là sherpas khỏe nhất, vác được cả chiếc lò nướng nặng 137kg đến lều Zbojnička ở độ cao 1.960m.
Ngay khi tốt nghiệp THPT, Petras háo hức theo 2 anh làm người khuân vác. Tuy nhiên, chưa được mấy buổi thì ông đã phải đi nghĩa vụ quân sự, sau đó vào đại học và sau đại học, lấy bằng tiến sĩ.
Mặc dù bận bịu làm giảng viên, Petras vẫn dành thời gian đến High Tatras. “Buổi sáng, tôi đứng trên giảng đường dạy học còn buổi chiều, tôi làm sherpas cõng hành lý thuê” - Petras tự hào - “Với tôi, đó là cuộc sống cân bằng hoàn hảo. Khi kết thúc giờ dạy, tôi quên đi vai trò là một giảng viên và hòa mình vào thiên nhiên. Nhờ vậy, tinh thần của tôi được nghỉ ngơi. Ngược lại khi ở trường, thể chất của tôi được thả lỏng”.
Sau khi nghỉ hưu, Petras tiếp tục nghề sherpas. Ông cũng lãnh trách nhiệm sửa sang và quản lý lều Rainerova, túp lều lâu đời nhất trong dãy High Tatras. Nó được dựng từ năm 1863, làm nơi trú ẩn cho du khách và các sherpas khi gặp thời tiết xấu.
Hiện, danh hiệu sherpas High Tatras khỏe nhất nằm trong tay Viktor Beranek, đồng nghiệp đã 69 tuổi của Petras. Danh hiệu sherpas High Tatras lão làng nhất thì thuộc về Laco Chudík (79 tuổi).
Chudík vẫn mỗi tuần 1 - 2 lần nhận mang vác hành lý. “Ông ấy quá yêu công việc và dãy núi này” - Petras giải thích - “Thế nên trừ khi về với đất mẹ, không thì ông ấy chẳng dừng lại đâu”.
Những sherpas cuối cùng
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử của Slovakia, du lịch tham quan High Tatras bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX. Ngay từ khi ngành nghề này bắt đầu, các sherpas cũng xuất hiện. Họ được du khách thuê khuân vác đồ ăn, thức uống, dụng cụ dựng trại… Lâu dài, những con đường mòn hình thành. Bên các con đường này, người ta dựng lều, nhà gỗ làm nơi nghỉ ngơi, trữ đồ, ăn uống, tiếp tế nhiên liệu...
Thực tế, sherpas từng là nghề phổ biến khắp châu Âu. Nơi nào có du lịch leo núi, nơi đó có phu khuân vác. Tuy nhiên, đường sá và cáp treo cũng sớm xuất hiện. Nó thuận tiện cho việc dùng phương tiện vận chuyển đồ đạc, dẫn tới không cần người khuân vác. Ví dụ như ở dãy Alps, sherpas đã biến mất hoàn toàn.
Riêng tại High Tatras, vì lý do bảo tồn thiên nhiên và an toàn sinh thái, người ta hạn chế tối đa máy móc, vật liệu nhân tạo. Do vậy, du khách vẫn cần các sherpas giúp họ vận chuyển hành lý đến các điểm dừng chân.
“Sherpas là công việc nguy hiểm” - Petras chia sẻ - “20 năm trước, có 2 phu khuân vác đã bị thiệt mạng vì thời tiết. Một người bị tuyết lở vùi chết, còn 1 người thì không kịp tới lều trú ẩn, bị lạnh đến đóng băng mà chết”.
High Tatras có 2 kiểu sherpas: Chuyên nghiệp và bán thời gian. Cho dù thuộc kiểu nào, một phu khuân vác cũng cần thể chất khỏe mạnh, sức bền hơn người và ý chí vững vàng. Ngoài ra, họ còn cần cả khả năng dự đoán thời tiết và kinh nghiệm vác đồ leo núi.
Petras nhớ có lần suýt chết cóng vì chủ quan. Ông sơ ý để nước đổ ướt người khi đang ở trên núi giữa mùa đông, rồi xui xẻo gặp luôn một trận mưa tuyết. “Các ngón tay của tôi cứng như đá. Vừa bò về được đến lều, tôi cấp tốc chạy ngay vào bếp vồ lấy ấm trà nóng, nhờ nó rã đông cho 2 bàn tay”, Petras nhớ lại.
Ngoài cảnh quan đẹp mê hồn, High Tatras còn là khu bảo tồn tự nhiên rộng lớn. Nơi đây cấm cả xe trượt tuyết lẫn xe đạp (trừ lực lượng cứu hộ), nên các động vật khá dạn dĩ. Nếu may mắn, du khách và cả sherpas có thể bắt gặp linh miêu, chó sói, cáo, chồn hương… thậm chí là cả sơn dương Tatra, loài động vật nằm trong danh sách đỏ.