Những đại dịch kỳ lạ chưa lời giải đáp
Tháng 11/2019, ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Một năm sau, cả nhân loại vẫn đang miệt mài đi tìm phương thức hạ gục đại dịch nguy hiểm này, coi đây là thách thức chưa từng có trong lịch sử loài người. Nhưng, trước khi COVID-19 xuất hiện, loài người đã từng đối diện những điều kỳ lạ hơn thế, với những căn bệnh thậm chí không thể tìm ra lời giải đáp.
Dịch bệnh nhảy múa
Vào năm 1518, theo First Post, một dịch bệnh kỳ lạ đã càn quét gần như toàn bộ thành phố Strasbourg của Pháp, khiến hàng trăm người nhảy múa cuồng loạn cho đến khi gục ngã. Theo tài liệu y khoa viết năm 1530 bởi bác sĩ Paracelsus, dịch bệnh này bắt đầu vào giữa tháng 7/1518, khi một người phụ nữ có tên Frau Troffea vô thức bước ra đường phố và bắt đầu nhảy múa trong nhiều ngày liên tiếp. Chỉ trong vòng 4 ngày, 33 người khác xuất hiện những biểu hiện tương tự như Troffea. Một tháng sau, hơn 400 người đã đổ ra đường phố và cùng Troffea nhảy múa không ngừng nghỉ. Trong cái nắng oi ả của ngày hè, những người dân bất kể già trẻ, gái trai đều say mê khiêu vũ cho tới khi lưng áo ướt đẫm mồ hôi, còn đôi chân thì bầm tím.
Cuộc khiêu vũ cứ tiếp tục cho đến khi - trước sự kinh hãi của đám đông đứng xem - một số nạn nhân gục xuống và chết vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc kiệt sức. Giới chức thành phố ban đầu cho rằng, việc người dân khiêu vũ là hệ quả của tăng thân nhiệt ác tính. Họ quyết định cho người dân nhảy múa nhiều hơn, với niềm tin rằng việc duy trì chuyển động liên tục sẽ giúp khỏi bệnh.
Thế nhưng, điều này lại mang về kết quả ngược. Britannica trích dẫn một tài liệu lịch sử kể lại: "Trong cơn điên loạn, mọi người vẫn tiếp tục nhảy múa cho đến khi họ bất tỉnh, và nhiều người đã chết". Chỉ trong hơn một tháng, hơn 400 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh kỳ quái này. Giới chức thành phố tiếp tục cho rằng những người dân nhảy múa điên cuồng là do hứng chịu cơn thịnh nộ của thần thánh. Họ lựa chọn cách "đền tội" bằng việc cấm âm nhạc và khiêu vũ nơi công cộng. Những người mắc bệnh được đưa đến ngôi đền thờ Thánh Vitus nằm trên ngọn đồi thuộc thị trấn Saverne gần đó, nơi đôi chân đẫm máu của các bệnh nhân được đặt vào những chiếc giày đỏ, và họ được dắt đi quanh một bức tượng nhỏ bằng gỗ của vị thánh. Trong những tuần tiếp theo, các hoạt động nhảy múa đã dần dừng lại, và dịch bệnh kết thúc một cách lạ kỳ.
Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng nguyên nhân của đại dịch này vẫn là một ẩn số, thách thức nền khoa học hiện đại. Nhà xã hội học người Mỹ Robert Bartholomew cho rằng các nạn nhân là tín đồ của giáo phái dị giáo nên buộc phải khiêu vũ để thu hút sự ưu ái của thần thánh. Giả thuyết khác lại cho rằng, những tín đồ địa phương nếu không ủng hộ hay không tin vào Thánh Vitus sẽ bị nguyền rủa và buộc phải nhảy múa cho đến chết. Một trong những giả thuyết được cho là hợp lý nhất do nhà nghiên cứu John Waller đưa ra, nói rằng các nạn nhân của bệnh nhảy múa mắc chứng rối loạn tâm thần hàng loạt. Cụ thể, những đợt bùng phát tương tự diễn ra trong hoàn cảnh căng thẳng tột độ và thường hình thành dựa trên nỗi sợ hãi. Trong trường hợp của bệnh nhảy múa năm 1518, Waller đã viện dẫn hoàn cảnh lịch sử, khi nạn đói đang hoành hành ở một số nơi, và sự lây lan của bệnh đậu mùa và bệnh giang mai đã tác động tiêu cực đến tinh thần của cư dân Strasbourg.
Đồng tình với quan điểm này, nghiên cứu Hetherington và Munro mô tả chứng cuồng khiêu vũ là kết quả của "sự căng thẳng chung", với việc người dân nhảy múa vô thức để giảm bớt căng thẳng, quên đi cái đói và bệnh tật bủa vây. Gần đây nhất, các nghiên cứu do The Guardian thu thập cho thấy, dịch bệnh là hệ quả của việc ăn bánh mì làm từ bột lúa mạch đen bị nhiễm nấm mốc có chứa chất thức thần gây ảo giác, khiến người nhiễm độc có thể bị co giật, tồn tại những tưởng tượng không có thật, kéo họ vào thế giới dị biệt với những màn khiêu vũ không thể kết thúc.
Đại dịch "bọ tháng Sáu"
Nghiên cứu được thực hiện bởi Alan C. Kerckhoff, Kurt W. Back đăng trên tạp chí ACP nhắc đến một dịch bệnh lạ được gọi tên là "Bọ tháng sáu" (June Bug). Cụ thể, vào tháng 6/1962, một người phụ nữ làm việc tại nhà máy dệt ở South Carolina miền Nam nước Mỹ đột nhiên phát ban và sốt, nghi do bị một loại bọ lạ cắn. Chỉ trong vài ngày, hàng chục người khác trong nhà máy cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự, nhiều người phải nhập viện dù họ thực tế không có vết bọ cắn nào. Trang Mental Floss thống kê rằng đã có 62 công nhân mắc bệnh, với các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và sốt cao.
Giả thuyết ban đầu cho rằng số công nhân này bị nhiễm virus lây truyền qua một loại bọ lạ xuất hiện trong nhà máy. Toàn bộ nhà máy đã được sơ tán để phục vụ cho công tác kiểm dịch, truy gốc bệnh. Nhưng, chỉ có hai loài côn trùng được tìm thấy và không có bất cứ hóa chất độc hại nào được phát hiện trong cả hai loài, bao gồm cả những loại hóa chất có thể gây ra các phản ứng bệnh kể trên. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ cũng được điều đến nhà máy, nhưng không tìm thấy bất cứ thứ gì liên quan đến loài bọ tháng sáu như tin đồn. Các cơ quan y tế và các nhà côn trùng học cũng vào cuộc, và đưa ra cùng một kết luận rằng không có cơ sở thực tế chứng minh côn trùng đã gây ra căn bệnh hàng loạt trên.
Sau nhiều tháng nghiên cứu, tất cả các đoàn y tế đều đưa ra một kết luận như nhau, đó là các công nhân đã mắc căn bệnh được gọi là "chứng rối loạn phân ly hàng loạt" (Mass Hysteria). Việc xuất hiện tin đồn về virus "bọ tháng sáu", kết hợp cùng những áp lực tại nhà máy, và không có một nguyên nhân cụ thể nào lý giải cho bệnh dịch này, đã khiến sự lo lắng bao trùm lấy các công nhân và làm họ đổ bệnh. Kết quả phỏng vấn những người lao động bị bệnh và phân tích dữ liệu khảo sát do Lawrence R. Murphy & Michael J. Colligan thực hiện cũng chỉ ra rằng, những người lao động mắc bệnh đều không hài lòng hơn với môi trường làm việc, đồng thời luôn gặp căng thẳng về thể chất và gánh chịu áp lực tài chính quá lớn từ gia đình. Nhiều trong số các công nhân bị bệnh đều chịu cảnh làm việc tăng ca liên tục tại nhà máy dẫn đến suy nhược. Tình trạng vệ sinh không được đảm bảo và điều kiện làm việc tệ cũng đã tác động tới tâm lý chung của số công nhân này, khiến căn bệnh "bọ tháng Sáu" lây lan khó kiểm soát.
Dịch cười Tanganyika
Ngày 30/1/1962 là một ngày dị thường tại Tanganyika. Ba học sinh thuộc trường nữ sinh Kashasha, Tanzania khi đang đi chơi cùng nhau bất chợt cười rồi khóc liên tục không thể kiểm soát. Những tiếng cười ngày càng lớn và không thể dừng lại, sau đó lan rộng đến các lớp học khác, khiến số học sinh mắc chứng cười trong vô thức liên tục tăng lên.
Theo số liệu do nghiên cứu của Tiến sĩ Christian F. Hempelmann từ Đại học Texas A&M công bố trên tạp chí quốc tế Humor Research, cho đến ngày 18/3 cùng năm, 95 trong tổng số 159 học sinh nhà trường đã mắc căn bệnh này, buộc nhà trường phải tạm thời đóng cửa. Sau khi trường bị đóng cửa và các học sinh đã được đưa về nhà, dịch cười vẫn tiếp tục lan rộng đến Nshamba, ngôi làng mà nhiều nữ sinh của trường sinh sống. Chỉ trong 2 tháng, có 217 người trong làng đã mắc dịch cười, hầu hết là trẻ em độ tuổi đi học và thanh thiếu niên. Đáng chú ý, tháng 5, khi ngôi trường này mở cửa trở lại, 57 học sinh tiếp tục mắc chứng cười không kiểm soát, buộc nhà trường phải đóng cửa một lần nữa vào tháng 6.
Các nghiên cứu cho thấy, không giống như dịch bệnh nhảy múa xảy ra tại Pháp, tình trạng cười không kiểm soát tại Tanganyika kéo dài trung bình khoảng 7 ngày, với một số trường hợp có thể lên tới 16 ngày mà không có triệu chứng bệnh lý nào cụ thể. Chỉ trong vòng nửa năm, dịch cười đã lây lan sang các trường trung học khác, buộc 14 trường học tại Tanzania phải đóng cửa. Bệnh "cười" thậm chí còn lan sang nước láng giềng Uganda, với báo cáo từ Central African Medical Journal cho thấy có tới hơn 1.000 nạn nhân của dịch cười này với mọi lứa tuổi, giới tính. Sau 18 tháng kể từ khi 3 ca bệnh đầu tiên được phát hiện, dịch bệnh cười mới hoàn toàn kết thúc.
Mặc dù được gọi dịch bệnh cười, Tiến sĩ Christian F. Hempelmann đã giải thích rằng, tình trạng bệnh có thể không chỉ là về tiếng cười mà còn là những cảm xúc cực đoan, được coi là trường hợp biến thể vận động của "chứng rối loạn phân ly hàng loạt" (Mass Hysteria), tương tự như dịch bệnh "bọ tháng Sáu". Nhưng, thay vì tình trạng sốt phát ban, cười là triệu chứng phổ biến. Dựa trên những phân tích về lịch sử, ông Hempelmann cho rằng, các học sinh của trường Kashasha đã phải trải qua những sang chấn tâm lý nghiêm trọng do sự thay đổi môi trường sống, cùng những quy định quản thúc nghiêm ngặt và khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng tại ngôi trường mới. Tuy nhiên, khoa học hiện đại vẫn chưa đưa ra kết luận cụ thể về dịch bệnh này, khiến nụ cười ma mị ở Tanganyika cho đến nay vẫn là ẩn số.