Những đại dịch nguy hiểm từng đe dọa loài người
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (2019-nCoV) đang khiến thế giới lo ngại trước sự lây lan nhanh chóng khi chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 30.000 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên thế giới chứng kiến những đại dịch nguy hiểm như vậy.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919
Được biết đến là dịch cúm nguy hiểm khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử, virus cúm Tây Ban Nha từng là nỗi ám ảnh đối với thế giới trong những năm 1918-1919 bởi tốc độ lây lan nhanh chóng và mức độ nguy hiểm mà nó gây ra. Chỉ trong 18 tháng, 1/3 dân số thế giới được báo cáo là dương tính với virus cúm Tây Ban Nha, trong đó số ca tử vong cũng cao kỷ lục, ước tính có khoảng 50-100 triệu người đã chết trong đại dịch này. Bên cạnh đó, phạm vi lây lan của virus cúm Tây Ban Nha cũng vô cùng rộng tới cả Ấn Độ, Australia và các đảo xa ngoài Thái Bình Dương.
Chủng cúm Tây Ban Nha giết chết bệnh nhân một cách nhanh chóng chưa từng thấy với các triệu chứng khủng khiếp như sốt và khó thở, nhiều người còn tái xanh mặt mũi do thiếu oxy nghiêm trọng. Không chỉ vậy, cúm Tây Ban Nha còn gây xuất huyết đầy phổi và gây nôn mửa, chảy máu cam. Người bệnh sẽ bị chết ngộp bởi các triệu chứng này. Khác với các bệnh cúm trước đó, đối tượng lây lan của cúm Tây Ban Nha không chỉ là người già hay trẻ nhỏ mà cả những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Đến nay, nguồn gốc và sự xuất hiện của virus cúm Tây Ban Nha vẫn đang gây tranh cãi trong giới khoa học. Bản thân dịch bệnh này vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong lịch sử nhân loại. Thời điểm ấy, nhiều người còn cho rằng dịch cúm Tây Ban Nha còn có khả năng dẫn đến sự diệt vong của loài người.
Đại dịch SARS năm 2003
Cách đây 17 năm, đại dịch Sars cũng từng khiến thế giới lo ngại trước sự lây lan và tỷ lệ tử vong của dịch bệnh này (lên đến khoảng 10% số người nhiễm bệnh). SARS được biết đến là hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2002. Cụ thể, giữa tháng 11-2002 và tháng 7-2003, dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông (Trung Quốc) và lan tỏa toàn cầu với 8.422 trường hợp mắc bệnh và 916 trường hợp tử vong. Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông đã phải trả giá nặng nhất với số người thiệt mạng lần lượt là 349 và 299. Virus SARS lây nhiễm giữa người với người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Các triệu chứng của SARS ban đầu giống như bệnh cúm thông thường như: sốt, ho, đau cơ, đau họng... sau đó có thể khiến người bệnh khó thở. Trường hợp tử vong của SARS tùy thuộc vào độ tuổi bệnh nhân. Đối với người dưới 25 tuổi, tỷ lệ tử vong ít hơn 1%; dưới 25-44 tuổi thì tỷ lệ tăng lên thành 6%; dưới 45-64 là 15%; và hơn 65 tuổi là 50% hoặc hơn nữa. Không như bệnh đậu mùa đã bị dứt hẳn, SARS vẫn tồn tại, tiềm ẩn trong khối trữ thiên nhiên (quần thể động vật) và có khả năng tái phát.
Đây được biết đến là đại dịch đầu tiên của nhân loại trong thế kỷ 21, bởi vậy việc ứng phó và phòng bệnh của các quốc gia trên thế giới còn nhiều lúng túng và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đại dịch SARS, nhiều quốc gia trên thế giới đã tích lũy kinh nghiệm và cách ứng phó trước đại dịch và có biệp pháp phòng tránh và kiểm soát các dịch cúm sau đó như dịch MERS, dịch H5N1…
Dịch cúm A/H1N1
Năm 2009, sự bùng phát của dịch cúm lớn H1N1 cũng đã trở thành mối lo toàn cầu. Trường hợp nhiễm virus cúm H1N1 đầu tiên được công bố vào ngày 21-4-2009 tại San Diego, California, Mỹ. Khi ấy, dịch cúm này là một sự kết hợp gene chưa từng thấy ở người hay lợn. Nhanh chóng, dịch cúm H1N1 đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Vào ngày 11-6-2009, WHO đã lần đầu đưa ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu trước sự bùng phát của đại dịch này. Vào ngày này, virus H1N1 được ghi nhận lan ra 74 quốc gia, khiến 28.774 người nhiễm bệnh, trong đó có ít nhất 144 trường hợp tử vong.
Các triệu chứng của căn bệnh này giống như cúm gồm: sốt trên 37,8 độ C, đau nhức cơ thể, đau họng, ho, sung huyết đường hô hấp và trong một số trường hợp là nôn ói, tiêu chảy. Loại virus này thường lây do trực tiếp tiếp xúc với lợn, tuy nhiên, chúng cũng có thể lây trực tiếp từ người sang người. Đại dịch này cũng đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng do mức độ nguy hiểm.
Dịch Ebola
Năm 2014, dịch Ebola lây lan rộng ở Tây Phi với tỷ lệ chết người cao chưa từng thấy cũng là một đại dịch gây sốc toàn cầu. Chỉ trong 8 tháng kể từ khi công bố dịch, thế giới ghi nhận trên 1.600 trường hợp mắc virus Ebola với tỷ lệ tử vong chiếm quá một nửa. Tính chung toàn thế giới, dịch Ebola đã cướp đi mạng sống của ít nhất 7.708 người.
Thời gian ủ bệnh của virus Ebola thường kéo dài từ 2-21 ngày. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy thận và suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Dịch sốt do Ebola lần đầu tiên bùng phát vào năm 1976 tại một ngôi làng ven sông Ebola thuộc Cộng hòa dân chủ Congo. Khi đó có tới 318 người đã mắc bệnh với 280 ca tử vong. Dịch bệnh này sau đó đã nhiều lần tái xuất hiện tại Tây Phi, nhưng năm 2014 ghi nhận sự bùng phát của đại dịch Ebola cả về số ca nhiễm bệnh lẫn số người tử vong.
Thời điểm ấy, thi thể người chết la liệt tại các quốc gia Tây Phi từng khiến thế giới lo ngại. WHO cũng phải vào cuộc ban hành tình trạng y tế khẩn cấp trước chủng virus nguy hiểm này. Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Margaret Chan, đã phải họp khẩn với Tổng thống các nước Tây Phi và nhận định rằng đây là đợt dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập niên.