Những 'đại điền' nghĩ xa, làm lớn: (Kỳ II) - Những rào cản cần tháo gỡ
Việc hình thành lớp nông dân mới-những 'đại điền' đang giúp hiện thực hóa chủ trương sản xuất lớn, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng bỏ vụ, bỏ ruộng, sản xuất manh mún. Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chính sách đột phá của Nhà nước cho những nông dân này để họ có thêm điều kiện phát triển.

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Đồng Hướng (Kim Sơn).
Anh Phạm Văn Hướng, Chủ tịch CLB Đại điền Ninh Bình cho biết: Sau nửa năm đi vào hoạt động, số thành viên của CLB đã tăng gấp 3, quy tụ tổng diện tích sản xuất hơn 800 ha, với 25 máy bay không người lái, 45 máy làm đất cỡ lớn, hơn 40 máy gặt, 10 giàn máy gieo mạ, máy cấy... Giờ đây, một nửa diện tích sản xuất của các thành viên là những cánh đồng “không dấu chân” và cũng từng đó diện tích là sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Trong suốt quá trình phát triển, bên cạnh những thuận lợi như: CLB nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trong việc giúp các thành viên tiếp cận với các chính sách hỗ trợ máy móc của tỉnh; được tham dự các buổi tập huấn về công nghệ sản xuất mới, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra… thì các thành viên vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên của những “đại điền” cũng là khó khăn chung của sản xuất nông nghiệp đó là thời tiết, sâu bệnh hại diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khiến hoạt động sản xuất thêm nhiều chi phí.
Như trong vụ Mùa 2024 vừa qua, mưa lớn đầu vụ, bão cuối vụ đã khiến nhiều diện tích lúa mới gieo cấy của các thành viên bị ngập úng, chết, sụt giảm năng suất. Đã có thành viên CLB mất tới 200 triệu đồng tiền giống, phân bón cho việc gieo cấy lại.
Bên cạnh đó, hộ “đại điền” là những người yêu nông nghiệp và gắn bó với ruộng đồng nhưng không ít trong số họ xuất phát điểm là những nông dân thuần túy, điều kiện cơ sở vật chất, vốn liếng còn khó khăn. Hơn nữa, họ chưa có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thiếu kiến thức trong quản lý, tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn, về sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, theo các “đại điền” khó khăn lớn nhất của họ hiện nay vẫn là đất đai. Việc thuê đất để mở rộng sản xuất ở nhiều địa phương không hề đơn giản. Một số người mặc dù đã có việc làm ổn định từ các lĩnh vực khác, không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và thậm chí có người sẵn sàng bỏ ruộng hoang nhưng cũng không muốn chuyển nhượng, cho người khác thuê lại đất. Một số hộ khác không chịu đổi ruộng, thậm chí cho thuê rồi nhưng khi thấy người khác làm ăn hiệu quả lại muốn lấy về...
Anh Vũ Văn Bắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) chia sẻ: Ruộng đất đi thuê vốn manh mún, tích tụ mất rất nhiều công sức, đã vậy thời gian thuê lại thường chỉ 3-5 năm. Thời gian ngắn như vậy chúng tôi rất khó làm vì không thể mạo hiểm đầu tư lớn để san mặt ruộng hay làm thủy lợi được. Một khó khăn khác mà nhiều “đại điền” cũng nhắc tới, đó là thiếu đất để làm kho, do vướng quy định không được dựng nhà tạm trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy họ rất vất vả trong việc phơi sấy, bảo quản nông sản, vận chuyển máy móc. Do sản xuất với quy mô lớn, sản lượng lúa thu hoạch của các “đại điền” lên tới hàng trăm tấn nhưng hầu hết không có đất để làm kho chứa, hay đặt máy sấy.
Để tháo gỡ “nút thắt” trong việc thuê, mượn đất của các cá nhân, các “đại điền” rất mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Trước hết là liên quan đến trình tự, thủ tục cho thuê đất, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm thúc đẩy tích tụ đất đai. Thứ đến là sự hỗ trợ trực tiếp liên quan đến máy móc, cơ giới hóa, tín dụng, đào tạo và giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đặc biệt, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, các HTX trong việc tổng hợp, đánh giá nhu cầu sử dụng đất của các hộ dân, vận động, thuyết phục bà con không có nhu cầu canh tác dồn đổi ruộng, cho thuê ruộng cho các “đại điền”...
Có thể thấy rằng, cái hay của việc tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua các “đại điền” là không làm thay đổi quyền sở hữu về sử dụng đất của nông dân nhưng vẫn hiện thực hóa được giấc mơ sản xuất hàng hóa lớn. Hơn nữa, nếu mô hình này phát triển sẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, các cơ chế, chính sách của Nhà nước tập trung vào đối tượng này sẽ cụ thể và hiệu quả hơn.
Như vậy, phát triển các “đại điền” chính là xu thế tất yếu đảm bảo cho tương lai của nông nghiệp. “Đại điền” chính là lớp nông dân mới sẽ góp phần khai mở con đường mới, tạo nên một cuộc cách mạng, thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía chính quyền, chính các “đại điền” cũng cần tiếp tục đổi mới tư duy trong sản xuất, hướng tới nền sản xuất hữu cơ, tuần hoàn; trồng lúa phát thải thấp để bán tín chỉ các bon.
Bên cạnh đó, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Ninh Bình, tích hợp yếu tố lịch sử, văn hóa của mảnh đất nơi mình sản xuất vào hạt gạo, không chỉ bán hạt gạo mà còn bán câu chuyện văn hóa để gia tăng giá trị...
Đây là hướng đi rất tiềm năng khi tỉnh ta đang định hướng lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với di sản làm mũi nhọn. Điều này sẽ mở cánh cửa lớn để nền nông nghiệp Ninh Bình phát triển bền vững, hiệu quả.