Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng là 5 đại lộ đầu tiên của Sài thành. Theo đồ án quy hoạch Sài thành của người Pháp, đường rộng 40 m, vỉa hè 4 m, mỗi bên có 2 hàng cây được gọi là đại lộ (boulevard). Ảnh: Flickr.
Đại lộ là một đường lớn, có 4 làn xe trở lên, trên dải phân cách thường trồng cây, hoa. Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, đại lộ đặt các công trình, biểu tượng quan trọng như đài kỷ niệm, tác phẩm điêu khắc, nhà hát, trung tâm thương mại... Ảnh: Chí Hùng.
Trước đây, phố đi bộ Nguyễn Huệ còn gọi là đại lộ Charner, mang đậm dấu ấn phong cách Pháp. Được xây dựng vào năm 1790, đại lộ Charner từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động mua bán sầm uất của hòn ngọc Viễn Đông. Từ năm 1955 đến nay, con đường này mang tên đại lộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Chí Hùng.
Chợ Bến Thành, nhà hát TP.HCM là những công trình kiến trúc Sài thành nổi bật nằm trên đại lộ Lê Lợi. Ngày 29/4, rào chắn metro số 1 trên đường Lê Lợi, đoạn từ Pasteur đến Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), chính thức được tháo dỡ. Nơi đây trở thành điểm check-in mới hút giới trẻ TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.
Đai lộ Lê Duẩn, dài khoảng 2 km, nối Thảo Cầm Viên với Dinh Độc Lập. Đây là một trong những con đường lâu đời nhất Sài thành. Trải qua 4 lần đổi tên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XXI, đại lộ mang nhiều tên gọi khác nhau như Chính Phủ, Norodom, Thống Nhất, Đường 30 tháng 4, Lê Duẩn. Ảnh: Duy Hiệu.
Bến Bạch Đằng nằm trên đại lộ Tôn Đức Thắng. Du khách có thể đến đây trải nghiệm xe buýt đường sông hay ăn tối trên du thuyền, ngắm thành phố chuyển mình lúc hoàng hôn, lung linh khi về đêm. Ảnh: Lê Quân.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được biết nhiều hơn với tên gọi đại lộ Đông Tây. Đây được xem là con đường di sản bởi nó xuyên qua nhiều vùng đất, chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm của thành phố. Ảnh: Lê Quân.
Theo Hải Nhi/Zing