Những 'đại sứ áo xanh' tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 - một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam, là đội hình duy nhất có đồng phục với màu xanh thanh niên. Họ là một trong những đại sứ góp phần kết nối các đại biểu, nghị sĩ quốc tế với Việt Nam.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 năm 2023 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều điểm nhấn nổi bật về quy mô sự kiện, số lượng đại biểu tham dự, nội dung hoạt động phong phú... và ra Tuyên bố hội nghị.
Tham gia phục vụ Hội nghị có 200 tình nguyện viên, liên lạc viên - nổi bật với đồng phục màu áo xanh thanh niên gắn logo của Hội nghị. Trong chương trình gặp các tình nguyện viên, liên lạc viên ra quân phục vụ hội nghị, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lưu ý, những tình nguyện viên tham gia tháp tùng đoàn đại biểu quốc tế luôn phải ý thức "mình như một đại sứ văn hóa" để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được.
Hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ghi dấu ấn trong các đại biểu quốc tế phần nào được ghi nhận thông qua mỗi liên lạc viên, tình nguyện viên phục vụ hội nghị. Các liên lạc viên, tình nguyện viên cần nêu cao tinh thần tình nguyện trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh; giữ thái độ vui vẻ, nhiệt tình, chuyên nghiệp", anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh.
Thành thạo ngoại ngữ, năng động
200 tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ hội nghị là những gương mặt nổi bật trong số hơn 2.000 hồ sơ ứng tuyển. Đây là những bạn trẻ đáp ứng nhiều tiêu chí, từ hình thức, phẩm chất chính trị, đạo đức đến thành tích học tập tốt, trình độ ngoại ngữ giỏi và có kinh nghiệm tham gia phục vụ hội nghị, sự kiện quốc tế tổ chức ở Việt Nam.
Nguyễn Tố Bảo Châu (SN 2003) sinh viên năm 3 lớp Quan hệ quốc tế - khoa Chính trị Quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công việc của các Tiểu ban, trong đó có hoạt động Triển lãm giới thiệu các sản phẩm đổi mới sáng tạo và sản phẩm OCOP.
Bảo Châu đã có kinh nghiệm hơn một năm dạy IELTS ở trung tâm tiếng Anh, làm phiên dịch tại nhiều hội thảo du học; đại biểu tham gia chương trình giao lưu sinh viên quốc tế với tên gọi "ASEAN trong thế giới ngày nay - ASEAN in Today's World" diễn ra vào tháng 3/2023 tại Thái Lan; cũng như các chương trình giao lưu văn hóa, ngoại giao trong khu vực... Ngoài ra, cô có thể giao tiếp bằng tiếng Trung quốc.
Là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng luôn cần cập nhật kiến thức, thông tin mới đã thôi thúc tôi đăng ký ứng tuyển làm tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ Hội nghị.
"Việc có thể tham gia ở những sự kiện quy mô này sẽ giúp tôi và những người trẻ đón nhận được những thông tin phong phú, chính thống và kịp thời nhất; đồng thời tiếp cận những góc nhìn mới, kiến thức để nhìn nhận, hoàn thiện bản thân", Bảo Châu nói.
"Năm 2015, khi Việt Nam được Liên minh Nghị viện Thế giới lựa chọn là nước chủ nhà kỳ Đại hội đồng lần thứ 132, chúng tôi vẫn còn là những cô bé cậu bé nhỏ tuổi, còn chưa hiểu hết những gì mà thời sự đưa tin. Tám năm trôi qua, một lần nữa tại thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ chín. Và giờ đây, chúng tôi đã trưởng thành, khắc ghi lời Bác dặn: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ngay khi Trung tâm Tình nguyện Quốc gia thông báo tuyển tình nguyện viên, liên lạc viên cho Hội nghị, hàng nghìn lá đơn đăng ký gửi về từ mọi miền Tổ quốc, từ cả những bạn người Việt Nam làm việc ở nước ngoài lẫn những bạn người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.
Là một trong hai trăm tình nguyện viên, liên lạc viên được tuyển chọn kỹ lưỡng qua hai vòng đơn và vòng phỏng vấn, tôi nhận thức được vinh dự càng cao, trách nhiệm càng lớn", Nguyễn Vũ Hà My - sinh viên ĐH Ngoại thương.
Tình nguyện viên đặc biệt đến từ nước bạn Lào
Phoyphallinh Vilaysouk (SN 2002, Lào) là một trong hai du học sinh nước ngoài trong đội hình tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ hội nghị.
Vilaysouk đang học năm 3 ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Đại học Hạ Long (Quảng Ninh). Cơ duyên để cô gái Lào Vilaysouk sang Việt Nam học tập từ chương trình học bổng gắn liền với tình hữu nghị, kết nghĩa giữa giữa hai tỉnh Luông-pha-băng (Lào) và Quảng Ninh (Việt Nam).
Bằng âm sắc tiếng Việt mềm mại, Vilaysouk cho biết, tốt nghiệp phổ thông sang Việt Nam học đại học là lần đầu tiên cô rời xa gia đình. Tiếng Việt chưa biết, nhưng cô tự tin và háo hức được khám phá, trải nghiệm ở đất nước Việt Nam anh em. "Những ngày đầu có phần bỡ ngỡ, nhưng tôi đã nhận được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô và bạn bè người Việt, cùng anh chị sinh viên Lào khóa trước để nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường mới, học tiếng Việt", Vilaysouk nói.
"Tôi vốn là người ít nói, nhưng chính việc học tiếng đòi hỏi giao tiếp, và niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa của Việt Nam đã giúp thay đổi bản thân, hòa đồng hơn", cô bộc bạch.
Cô cho hay, ngữ pháp vốn không dễ, nhưng vấn đề lớn nhất là tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa nhưng được dùng trong những hoàn cảnh khác nhau; cũng như phải phân biệt được những từ đồng âm có nghĩa khác nhau. Để học tiếng, ngoài thời gian luyện những nội dung, bài tập trong giáo trình, Vilaysouk chịu khó đọc thêm sách, truyện, xem phim hoạt hình... và nghe nhiều ca khúc nhạc trẻ để làm giàu vốn từ ngữ, cải thiện kỹ năng nghe - nói. Cô còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp...
Trong hai năm học tại Việt Nam, cô đã có dịp tham quan nhiều di tích, thắng cảnh và có dịp ăn Tết Nguyên đán, để hiểu thêm về phong tục, văn hóa của người Việt; hiểu thêm về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Đồng thời, cô còn trở thành hướng dẫn viên, phiên dịch cho nhiều đoàn đại biểu của tỉnh Luông-pha-băng sang thăm Quảng Ninh, Việt Nam.
Đây là một trong những động lực để Vilaysouk đăng ký tham gia tình nguyện viên, liên lạc viên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 khi biết thông tin. Cô đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về hội nghị, vào trang website của hội nghị đọc để biết thêm hoạt động, chủ đề của hội nghị.
"Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam và đặt những vấn đề, thách thức chung của người trẻ của khu vực, toàn cầu. Trở thành tình nguyện viên, liên lạc viên hội nghị giúp tôi thu nạp thêm nhiều thông tin, sự định hướng; hiểu thêm về các hoạt động của nghị viện, IPU và công việc của các nghị sĩ... Đặc biệt là kỷ niệm đẹp của tôi trong thời gian học tập ở Việt Nam", Vilaysouk bộc bạch.
Cầu nối Việt Nam và Ả rập
Trần Hà Anh (SN 2003) sinh viên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Ả rập, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, là một trong số những tình nguyện viên, liên lạc viên của các đoàn đại biểu các quốc gia khối Ả-rập. Hà Anh bắt đầu làm quen với tiếng Ả rập khi bước chân vào đại học, đến nay đã có hai năm học tập trong nước và một năm du học tại Ai Cập theo chương trình học bổng của nhà trường.
Hà Anh chia sẻ, một trong những nét đặc trưng của ngôn ngữ Ả rập là chữ viết. "Ngay khi học tiếng, tôi và nhiều sinh viên khá sốc, phải học bảng chữ cái, số đếm từ đầu, nhưng ngữ pháp có phần dễ hơn so với tiếng Anh. Thách thức lớn nhất với sinh viên Việt Nam là sự khác biệt về văn hóa", cô nói.
Thời gian du học ở Ai Cập, nữ sinh Việt Nam có dịp đến gần hơn và hiểu hơn về thế giới Ả rập nói chung, Ai Cập nói riêng và đạo Hồi. Cô được chiêm ngưỡng kiến trúc của nhiều thánh đường, hiểu hơn nghi thức và việc người theo đạo Hồi cầu nguyện nhiều lần trong ngày; quy định chế biến thực phẩm tuân theo tiêu chuẩn, quy định "Halal" (trong tiếng Ả rập có ý nghĩa là sự cho phép, hợp pháp); tham gia lễ chào mừng tháng Ramadan.
Cô cho biết, đã được thưởng thức nhiều món ăn, hoạt động văn hóa truyền thống của người bản xứ; cũng như giao lưu văn hóa với các bạn trẻ Ai Cập, nhiều nước Ả rập... và có dịp giới thiệu một số nét văn hóa, món ăn của Việt Nam.
"Việc đăng ký và trở thành tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ hội nghị, giúp tôi có thêm cơ hội trang bị thêm nhiều kỹ năng, cũng như được sử dụng kiến thức chuyên ngành của mình để đóng góp vào sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng của đất nước; quảng bá hình ảnh, vai trò của thanh niên Việt Nam năng động, thân thiện và hiện đại với bạn bè quốc tế. Đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm của người trẻ", Hà Anh bày tỏ.
"Nhiệm vụ này đòi hỏi các liên lạc viên túc trực và phải kiểm tra tin nhắn liên tục 24/24. Tôi đã có thêm những trải nghiệm quý giá, được làm việc và tiếp xúc với những đại biểu và nghị sĩ cấp cao - những người mà trước giờ tôi chỉ biết qua truyền hình, báo chí; được rèn luyện thêm các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống", cô nói.
Hà Anh cho hay, công việc chính của liên lạc viên là phụ trách đón tiếp, thông tin đầy đủ các chương trình, hoạt động từ Ban Tổ chức tới các thành viên trong đoàn được phân công phụ trách. Hỗ trợ xử lý và báo cáo thông tin hai chiều giữa đại biểu với Ban Tổ chức.
Hà Anh bày tỏ ấn tượng với Tuyên bố chung của Hội nghị khi đặt người trẻ là trung tâm chuyển đổi số; kiến nghị "Khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chú trọng thanh niên, sinh viên đặc biệt là phụ nữ, tăng cường lồng ghép giới gắn với SDGs; xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới sáng tạo số và khởi nghiệp số". Cô chia sẻ, đang cùng cộng sự làm nghiên cứu, xây dựng trang website kết nối việc làm giữa người Việt với các doanh nghiệp Ả rập.
Thế hệ gen Z chúng tôi kỳ vọng sau Tuyên bố của Hội nghị, việc đổi mới sáng tạo ở sinh viên được quan tâm tạo điều kiện và đầu tư nhiều hơn để có thể có thêm nhiều những sản phẩm khoa học công nghệ mới xuất hiện", Trần Hà Anh bày tỏ.
Phiên dịch cho lãnh đạo Quốc hội Cuba - Malawi
Nguyễn Hoài Thu (SN 2003) sinh viên năm 2 khoa tiếng Tây Ban Nha, Trường ĐH Hà Nội. Từ niềm yêu thích thể thao, bóng đá và ấn tượng với lối đá "Tiki-taka" của đội tuyển đến từ xứ sở bò tót, Thu đã lựa chọn học tiếng Tây Ban Nha. Ngôn ngữ này đã trở thành chìa khóa giúp cô tìm hiểu về văn hóa - nghệ thuật, thể thao của Tây Ban Nha và nhiều nước Mỹ La tinh.
Hoài Thu từng là tình nguyện viên hỗ trợ các vận động viên, trọng tài môn Bắn cung trong kỳ SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam năm 2022; tham gia hoạt động văn hóa của Mexico tại Việt Nam... Cô cho biết, "khi biết thông tin tuyển chọn tình nguyện viên, liên lạc viên phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và cần người biết tiếng Tây Ban Nha, tôi đã đăng ký liền. Đây là cơ hội lớn để đánh giá, hoàn thiện bản thân".
Tham gia phục vụ Hội nghị, Hoài Thu được phân công làm liên lạc viên, tháp tùng đoàn đại biểu Cuba. Để thực hiện nhiệm vụ, cô đã củng cố và tìm hiểu thêm nhiều thông tin chung về đất nước Cuba; chuẩn bị những thông tin về Hội nghị, Việt Nam và bộ máy hành chính, lãnh đạo của Việt Nam, cũng như một số khái niệm trong ngoại giao... bằng tiếng Tây Ban Nha.
Hoài Thu chia sẻ, trải nghiệm ấn tượng nhất là làm liên lạc viên riêng của bà Ana Maria Mari Machado - Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba. "Khi di chuyển từ Hà Nội - Hạ Long, bà Ana Maria Mari Machado đi cùng xe với bà Catherine Gotani Hara - Chủ tịch Quốc hội Malawi, tôi đã có cơ hội làm phiên dịch tập sự tiếng Tây Ban Nha - tiếng Anh, hỗ trợ hai bà trao đổi một số vấn đề quan hệ giữa hai nước. Phần dịch chưa được hoàn hảo, nhưng tôi cảm thấy rất vui khi góp phần để hai bên có thể hiểu nhau mà không phải sử dụng phần mềm dịch", Hoài Thu nói.
Nữ sinh ĐH Hà Nội bày tỏ thêm, trải nghiệm trong các hoạt động tại Hội nghị giúp cô có dịp cảm nhận sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, tình cảm của nhân dân, lãnh đạo đất nước Cuba đối với Việt Nam; đồng thời yêu thêm đất nước, con người Cuba.
"Trong khoảng thời gian được làm liên lạc viên, tháp tùng tôi cảm nhận sự thân thiết, gần gũi và mộc mạc của các thành viên trong đoàn đại biểu Cuba. Bà Ana Maria Mari Machado cũng dành thời gian hỏi thăm tôi về kinh nghiệm học tập, những trải nghiệm trong sự kiện; chia sẻ nhiều lời khuyên khi biết tôi muốn trở thành phiên dịch viên", Hoài Thu xúc động.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà - Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị nêu rõ, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng ban Tổ chức Hội nghị, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần từ sớm, từ xa.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 300 nghị sĩ trẻ toàn cầu; ghi dấu ấn bằng việc lần đầu tiên ra Tuyên bố Hội nghị, nhằm thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Hà Nội mang chủ đề “Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU 132 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2015..
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khẳng định công tác tổ chức Hội nghị của Quốc hội Việt Nam rất chu đáo. Ông bày tỏ, cách đây 8 năm khi tham dự Đại hội đồng IPU 132 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức và đến nay, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, trải nghiệm của ông tại Việt Nam "đều rất tuyệt vời".
Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho biết thêm, hội nghị lần này đã ghi nhận số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất trong các kỳ hội nghị. Đó chính là do sự hiếu khách, mến khách, sự đón tiếp nồng hậu của đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng.