Những đám cưới bi đát trong văn học hiện đại
Phong tục cưới hỏi của người Việt theo từng thời điểm khác nhau đã được các tác giả tái hiện từ bao quát đến cụ thể trong những sáng tác văn chương.
“Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh về sửa soạn mua heo nạp tài”.
(Ca dao)
Trong văn xuôi, đám cưới truyền thống với đầy đủ lễ lạt, nghi thức hay hiện đại với sự tối giản cho phù hợp thời đại được các tác giả miêu tả tỉ mỉ, chi tiết hơn. Dù ít hay nhiều, là không gian nghệ thuật chủ đạo hay một chi tiết nghệ thuật thoáng qua thì những đám cưới trong văn học cũng mang đậm màu sắc văn hóa.
Không khí chủ đạo của đám cưới là hân hoan, vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có một số đám cưới trong văn chương hiện ra u ám, buồn tẻ, bi đát, trái ngược với hình ảnh và không khí của đám cưới truyền thống.
Nó trở thành một chi tiết đặc biệt, một sự kiện quan trọng hay thậm chí là tình huống của câu chuyện có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời nhân vật, chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Từ những đám cưới bi đát đó, hiện thực đáng buồn của cái xã hội nghèo đói, tồi tàn, giả dối dần hiện ra.
Tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách là sự cụ thể hóa cho triết lý “Tu là cội phúc, tình là dây oan” trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du). Tác phẩm xoay quanh mối tình trái ngang của Tố Tâm và Đạm Thủy, tuy họ yêu nhau sâu đậm nhưng không thể thành đôi.
Để Đạm Thủy yên tâm làm tròn bổn phận của người con, thực hiện hôn ước mà song thân đã sắp đặt trước đó, Tố Tâm chấp nhận lấy chồng trong đau thương, xót xa. Hình ảnh đám cưới Tố Tâm tuy giàu sang, đủ lễ nghi, huyên náo nhưng trong lòng Tố Tâm mang một nỗi buồn sâu thẳm.
Cảnh và tâm trạng Tố Tâm đối lập hoàn toàn, nàng nhận ra: “Phàm cảnh vợ chồng, hợp thì vui, không hợp thì thực khổ, như đày trong cái bể thảm, không biết đâu bờ bến mà kêu ai”.
Việc từ bỏ tình yêu đẹp để lấy một người không yêu đã đẩy Tố Tâm vào tình cảnh khốn khổ, sinh ra tâm bệnh và chết. Cái bi đát của cuộc hôn nhân này là minh chứng cho tàn dư của những quan niệm phong kiến lỗi thời, cổ hủ áp đặt lên con người, khiến cho nam nữ không thể tự do yêu đương. Những quan niệm ấy như “lưỡi dao” vô hình giết chết chẳng những tâm hồn mà cả thể xác.
Trong truyện ngắn “Một đám cưới” của Nam Cao, đám cưới trở thành phông nền để nhà văn lột tả hiện thực bi thảm của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) và sự “thui chột” những phẩm chất tốt đẹp của con người vì hoàn cảnh khốn cùng.
Vì nghèo không thể nuôi thêm một miệng ăn, vì nạn đói ngày càng khốc liệt hơn, bố Dần đã quyết định ép gả Dần cho người ta. Đám cưới của Dần được xem là một trong những đám cưới túng thiếu và thê thảm nhất trong văn học Việt Nam khi cảnh rước dâu diễn ra trong đêm tối, “vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”.
Cô dâu Dần cũng “không chịu mặc áo dài” mà “mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt đến gần nách”.
Tuy là đám cưới truyền thống và cả hai gia đình đã nỗ lực để thực hiện những nghi thức, thủ tục cơ bản nhất như “lễ gia tiên”, “lễ bác nhà ta” (lạy mẹ Dần), “lễ sống ông” (lạy bố Dần), có trầu cau, nước chè mời khách…, song nó thiếu thốn tất cả mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần, kể cả thứ quan trọng nhất là niềm hạnh phúc của đôi trẻ.
Bởi lẽ, gả thực chất là một cách để tống khứ Dần đi cho bớt một miệng ăn. Thông qua tình huống này, Nam Cao đã bộc lộ niềm day dứt, băn khoăn về thân phận con người. Cái đói và miếng ăn đã làm xói mòn nhân cách, thui chột tình thương bên trong những con người cùng đường, tuyệt lộ.
Cùng viết về đề tài nạn đói và thân phận con người trong nạn đói khủng khiếp, truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân lại có những dấu ấn riêng đặc sắc. Ở truyện ngắn này, Kim Lân đi vào khẳng định giá trị của con người, có niềm tin vững chắc vào phẩm chất tốt đẹp và khát vọng sống mãnh liệt của những người khốn khổ.
Kim Lân không xây dựng một đám cưới với những chi tiết cụ thể trong “Vợ nhặt”, song việc Tràng đón người đàn bà xa lạ về để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình chẳng khác nào là một đám cưới tối giản. Nhà văn đã xây dựng tình huống truyện éo le, oái oăm, bi đát.
Tràng - một người đàn ông xấu xí, thô kệch, quê mùa, dân ngụ cư giữa lúc nạn đói khủng khiếp diễn ra “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người” lại nhặt được vợ giữa đường giữa chợ chỉ với bốn bát bánh đúc và vài câu nói đùa.
Bốn bát bánh đúc, cái thúng con trở thành sính lễ, thể hiện sự hào hiệp, trượng nghĩa của Tràng, vài câu nói đùa trở thành lời cầu hôn. Cảnh Tràng dẫn người đàn bà xa lạ mà anh “nhặt” được về nhà chẳng khác nào cảnh rước dâu.
Mặc dù, nó diễn ra trong buổi chiều ảm đạm, trong sự gièm pha và lo lắng của những người trong xóm ngụ cư, nhưng trên hết “thị” và Tràng đều bằng lòng chấp nhận và có những thay đổi nhất định trong nhận thức và hành động.
“Đám cưới” khiến Tràng trưởng thành và thêm yêu gia đình hơn: “Bỗng dưng hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình”; trả về cho thị sự biết điều, ý tứ, lễ phép (biết e thẹn, “ngồi mớm ở mép giường”, “tay vân vê tà áo đã rách bợt” trước mặt mẹ chồng), đặc biệt là danh dự của một người phụ nữ.
Làm nên điều này là do khi viết “Vợ nhặt”, Kim Lân đã ý thức: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra người”. Đó là thông điệp tích cực toát lên từ tác phẩm này.
Đám cưới mà lại buồn thương, bi đát, cũng như “tang gia” mà lại “hạnh phúc” như một chương đặc sắc và trào phúng trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.
Cuộc sống đôi lúc có những điều trái khoáy, đối nghịch và đầy bất ngờ như thế! Mặc dù cùng là những đám cưới bi đát, u ám trong văn chương, song khi thể hiện, các tác giả vẫn chú trọng yếu tố văn hóa, vẫn giữ lấy một nét cốt yếu trong đám cưới truyền thống của người Việt.
Đó chính là tinh thần dân tộc, là khát vọng giữ gìn những nét đẹp văn hóa cưới xin được sinh thành từ ngàn đời trên đất nước ta.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-dam-cuoi-bi-dat-trong-van-hoc-hien-dai-post633760.html