Những dấu ấn của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới: Đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân

Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với nhan đề 'Những dấu ấn của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới: Đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân'.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn công tác đối ngoại “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Thực hiện lời dạy của Người, trong 35 năm đổi mới, công tác đối ngoại Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Trong từng bước ngoặt của thời cuộc, ngành đối ngoại kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chiêm nghiệm, đúc kết, “giải mã” trúng và đúng tình hình quốc tế, khu vực, từ đó đổi mới tư duy và có hành động phù hợp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Giai đoạn 1986-1995: Phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng

Nhìn lại những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Ở trong nước, tình hình rất khó khăn, khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Trước các sóng gió, Đảng đã đánh giá lại cục diện thế giới để xác định đường lối, chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Tại Đại hội VI (12/1986), chúng ta đã có nhận thức mới về xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế, xã hội khác nhau. Tư duy của Đảng ta có bước chuyển quan trọng tại Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988).

Theo đó, Đảng nêu rõ trạng thái “đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình” và nhận định “với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn”.

Tình hình khó khăn và bức bách đầu những năm 1990 tiếp tục đặt ra vấn đề đổi mới tư duy về thời đại. Đảng khẳng định thế giới vẫn trong thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời chỉ rõ những xu thế lớn như quốc tế hóa, dân chủ hóa, xu thế hòa bình, hợp tác trong quan hệ quốc tế. Chủ trương đối ngoại của Việt Nam được khẳng định tại Đại hội VII (1991), theo đó Việt Nam muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại.

Thế giới quan mới về thời đại và cục diện thế giới đã mở đường, tạo điều kiện để Việt Nam phá thế bao vây cô lập, phát triển rộng rãi quan hệ đối ngoại. Việt Nam đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước quan trọng trên thế giới và gia nhập ASEAN năm 1995.

Giai đoạn 1996-2010: Mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế

Bước vào giữa thập niên 1990, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các xu thế hòa bình, toàn cầu hóa, dân chủ hóa của thời đại ngày càng được củng cố và tăng cường. Các nước lớn, nhỏ, có chế độ chính trị-xã hội khác nhau tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và cạnh tranh, vào các liên kết khu vực và quốc tế.

Đất nước có không gian phát triển thuận lợi do nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động với tốc độ cao. Các đặc điểm và xu thế nêu trên đã làm thúc đẩy thêm tính chất đa phương, đa dạng trong quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các nước.

Trong sự chuyển biến của thế giới và khu vực đó, Đại hội VIII (1996) đã khẳng định tính đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Tư duy đối ngoại tiếp tục được đổi mới với quan điểm mới về đối tác - đối tượng, về hợp tác và đấu tranh trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (2003). Đây là cơ sở để Việt Nam hóa giải điểm bất đồng, gia tăng điểm song trùng lợi ích trong trong quan hệ quốc tế. Một hướng đột phá mới trong giai đoạn này là chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế tại Đại hội VIII, Đại hội IX (2001) và Đại hội X (2006).

Chúng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) và ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2001.

Việt Nam gia nhập một loạt các cơ chế đa phương quan trọng như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Việt Nam đã đăng cai các hội nghị cấp cao của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (1997), ASEAN (1998), ASEM (2005), APEC (2006) và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) khóa 2008-2009.

Giai đoạn 2011-nay: Đưa quan hệ đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tuy nhiên đứng trước nhiều thách thức từ cạnh tranh nước lớn gia tăng, kinh tế thế giới khủng hoảng và phục hồi chưa bền vững. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt tạo ra động lực mới cho tăng trưởng sáng tạo, chuyển đổi số, mặt khác gia tăng nguy cơ tụt hậu nếu không bước được lên “con thuyền” của kỷ nguyên số. Thế và lực của đất nước được nâng lên đáng kể sau hơn hai thập kỷ đổi mới. Vị thế địa chiến lược của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong chính sách của các nước lớn với khu vực.

Trong bối cảnh đó, Đại hội XI (2011) đã nâng tầm từ hội nhập kinh tế sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện. Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị năm 2013 đã thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đại hội XII (2016) có quyết sách chính trị quan trọng về tiếp tục mở rộng phạm vi, lĩnh vực và mức độ hội nhập. Các nội dung này đã được cụ thể hóa và kế hoạch hóa trong Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030. Tư duy đối ngoại đa phương có bước chuyển quan trọng với Chỉ thị 25 của Ban Bí thư năm 2018 chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” và phát huy vai trò “nòng cốt”, dẫn dắt của Việt Nam.

Công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ giữa các binh chủng đối ngoại với các định hướng công tác, phối hợp trong Chỉ thị số 04 của Bộ Chính trị năm 2011 về đối ngoại nhân dân và Chỉ thị số 32 của Bộ Chính trị năm 2019 về quan hệ đối ngoại Đảng.

Kết quả là chúng ta đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 thành viên G-20, toàn bộ các nước ASEAN. Việt Nam chủ động đàm phán nhiều FTA, trong đó có 2 FTA thế thệ mới là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và ký Hiệp định RCEP.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN, thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình (PKO). Chúng ta cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021. Từ 2016 tới nay, các địa phương đã rất chủ động triển khai hội nhập quốc tế, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng. Kết quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ… được thúc đẩy mạnh mẽ và có những kết quả thực sự tích cực.

Các thành tựu và bài học đối ngoại

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trước hết, công tác đối ngoại đã xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác.

Thứ hai, trong tâm thế và khát vọng phát triển, vươn lên của dân tộc, đối ngoại Việt Nam đã sáng tạo, linh hoạt, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Trong đó người dân, doanh nghiệp địa phương trở thành trung tâm.

Thứ ba, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc, góp phần “giữ nước sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”.

Thứ tư, công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại đa phương, đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các thành tựu trên có được nhờ đường lối, chủ trương đối ngoại đúng đắn của Đảng qua các thời kỳ, trên cơ sở đánh giá đúng thời cuộc và sự tiếp thu, đúc rút các bài học của đối ngoại Việt Nam. Trước hết đó là kiên định và phát huy cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Tiếp theo là bài học kinh nghiệm về đối ngoại luôn xuất phát từ đối nội, phục vụ đối nội và dựa vào đối nội, là tầm quan trọng của sự phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa Đối ngoại - Quốc phòng - An ninh. Các mục tiêu đối ngoại luôn bám sát mục tiêu phát triển của đất nước. Đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội, là công cụ hiệu quả để hiện thực hóa các khát vọng phát triển.

Hơn nữa, hiệu quả hoạt động đối ngoại dựa rất lớn vào tiềm lực và uy tín của đất nước mà sự đánh giá rất cao của quốc tế đối với nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, chúng ta có bài học quan trọng về chuyển hóa thế thành lực, tranh thủ mạng lưới quan hệ đối ngoại, đòn bẩy chính trị, vị thế của đất nước để đạt được những kết quả vượt ra khỏi giới hạn sức mạnh cứng của quốc gia.

Công tác đối ngoại giai đoạn tới

Thời gian tới, bối cảnh quốc tế và khu vực sẽ tiếp tục biến chuyển nhanh chóng với nhiều yếu tố bất định. Hòa bình, hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập vẫn là xu thế lớn nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức từ cạnh tranh chiến lược nước lớn và dịch Covid-19. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí trọng yếu trên thế giới, là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu. Song khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, trong đó có tình hình Biển Đông và Mekong. Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh. Chính trị - xã hội ổn định, đồng thời quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.

Chúng ta sẽ đặt ra các mục tiêu phát triển dài hạn, đầy tham vọng tới năm 2030 và 2045 nhưng trong bối cảnh quốc tế phức tạp nhất từ trước tới nay. Do đó, sứ mệnh của đối ngoại thời gian tới là hết sức nặng nề với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là toàn tâm, toàn lực hiện thực hóa khát vọng phát triển, xây dựng Việt Nam trở thành đất nước hạnh phúc, phồn vinh.

Dự thảo báo cáo cáo chính trị tại Đại hội XIII đã thể hiện tầm quan trọng, vai trò tiên phong của đối ngoại, mặt trận có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng quan trọng để thực hiện nhiệm vụ là tiếp tục "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại" ngày càng vững chắc và sự triển khai đồng bộ, toàn diện của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-dau-an-cua-cong-tac-doi-ngoai-trong-35-nam-doi-moi-dong-hanh-cung-dan-toc-phung-su-to-quoc-va-phuc-vu-nhan-dan-134211.html