Những dấu ấn phát triển của Phật giáo trên đất Quảng Bình
Quảng Bình là địa danh gắn liền với không gian văn hóa đặc biệt ở miền duyên hải Trung Bộ, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, quê hương của nhiều danh nhân, nổi bật thời hiện đại có Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (1923-2019)…
Chỉ gần 3 nhiệm kỳ với 13 năm kể từ ngày thành lập, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, nhưng Phật giáo đã có một diện mạo rất khác, từ cơ sở cho tới con người, điển hình như ngôi chùa Đại Giác sừng sững giữa lòng TP.Đồng Hới, khiến người ta nghĩ tới hiện tượng “tùng địa dõng xuất” trong kinh Pháp hoa.
Những thành tựu từ con số 0
Quảng Bình là vùng đất với nhiều dấu tích di sản, gắn liền với con đường Nam tiến của Đại Việt gần 1.000 năm về trước, lại ở không xa trung tâm từng được mệnh danh là “Thiền kinh” là Thừa Thiên Huế, nhưng Phật giáo gần như “trắng” ở nơi này trong một thời gian dài.
Năm 2009, với tầm nhìn của Trung ương Giáo hội và tâm huyết của chư tôn đức lãnh đạo, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, quê quán Quảng Trị, tu học tại Huế, được điều động về vùng đất này, tổ chức Đại hội thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trở thành vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo đầu tiên và liên tiếp cho tới nay.
Nói là thành lập Giáo hội tỉnh, nhưng kỳ thực tất cả đều là “con số 0 tròn trịa” - như lời chia sẻ của Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, không cơ sở, không nhân sự, chưa có Tăng Ni, chưa có Phật tử, mọi hoạt động Phật sự còn xa lạ với người dân…
Với muôn vàn khó khăn như thế, trong 13 năm, Phật giáo Quảng Bình hôm nay đã có một diện mạo hoàn toàn khác, mà nếu không phải là người tham dự từ thuở đó thì chắc chắn không thể hình dung những bước đi ngoạn mục của Phật giáo nơi này.
“Quảng Bình là quê hương của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang. Đây là một trong 3 nơi (cùng với Quảng Hương Già Lam - TP.HCM và chùa Từ Đàm - Huế, PV) được vinh dự cung nghinh xá-lợi của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang sau khi trà-tỳ theo di huấn của ngài, hiện tôn thờ tại bảo tháp chùa Đại Giác để mọi người có cơ hội chiêm bái bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam.
Theo sự phó chúc trực tiếp của Đại lão Hòa thượng lúc về thăm quê nhà, mong muốn Phật giáo được phục hồi trên quê hương, đó cũng là tâm nguyện chung của tất cả người dân Quảng Bình, chúng tôi cùng với Tăng Ni, Phật tử đã nỗ lực phụng sự, vượt lên khó khăn để xây dựng Phật giáo có được như hôm nay.
Chúng tôi cũng nguyện sẽ tiếp tục con đường đó, để Phật giáo Quảng Bình ngày càng phát triển, xứng đáng với di sản và lịch sử, tiềm năng của vùng đất này, để Phật giáo đơm hoa kết trái, khởi sắc trên đất Quảng Bình giàu truyền thống…”.
Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 13 ngôi chùa được công nhận cơ sở tôn giáo. Trong đó, các chùa chủ yếu phân bố ở huyện Tuyên Hóa (3 ngôi), Bố Trạch (2 ngôi), Quảng Ninh (5 ngôi), Lệ Thủy (1 ngôi); 2 ngôi chùa ở TP.Đồng Hới.
Bên cạnh đó, do đặc điểm lịch sử, một số ngôi chùa khác ở các địa phương vẫn đang còn là di tích, nhà văn hóa truyền thống hay là tín ngưỡng dân gian, chưa được công nhận cơ sở tôn giáo.
Liên tục nhiều năm liền, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình đã thiết tha kêu gọi chư Tăng Ni các địa phương trên cả nước dấn thân hành đạo ở Quảng Bình, và theo duyên đó, từ một thân một mình Hòa thượng, Ban Trị sự tỉnh đã tiếp nhận và hoàn thiện thủ tục thuyên chuyển 15 Tăng Ni về sinh hoạt. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình đã có 29 vị Tăng và 3 vị Ni hành đạo, đủ cả 4 chúng đệ tử trong ý nghĩa tổ chức tôn giáo của đạo Phật.
Thời gian gần đây, Giáo hội bổ nhiệm trụ trì 5 tự viện, như vậy, đã có 9 ngôi chùa được bổ nhiệm trụ trì, có Tăng Ni trách nhiệm quản lý, điều hành và hướng dẫn sự tu học và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương.
Từng bước kiện toàn tổ chức Giáo hội và hệ thống hành chánh
Là một trong những Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh được hình thành muộn, non trẻ, chỉ mới gần 3 nhiệm kỳ, nhưng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực, vượt qua tất cả khó khăn để xây dựng tổ chức Giáo hội tại địa phương đúng với Hiến chương, Quy chế hoạt động do Trung ương GHPGVN đề ra.
Ban Trị sự đã thành lập các ban, ngành chuyên môn đầy đủ; xây dựng cơ sở làm việc, gần đây, đã hoàn thiện thủ tục thành lập và đại hội thành lập thành công 2 Ban Trị sự địa phương, đó là Ban Trị sự GHPGVN TP.Đồng Hới và huyện Quảng Trạch.
Cho tới nay, tỉnh Quảng Bình đã có 6 huyện và thành phố có Ban Trị sự, trách nhiệm mọi hoạt động ở địa phương một cách sâu sát, với đội ngũ nhân sự trẻ, tuy ít nhưng nhiệt tình và không ngại khó.
Riêng về Tăng sự, để trang nghiêm Giáo hội, Ban Trị sự chú trọng duy trì và thực hiện nghiêm túc việc an cư của chư Tăng. Chùa Đại Giác, trụ sở Ban Trị sự, được chọn làm trường hạ an cư tập trung.
Những thành tựu của Phật giáo Quảng Bình là sự nỗ lực rất lớn của tất cả nhân sự thuộc Ban Trị sự, sự quan tâm của Trung ương Giáo hội, đặc biệt là sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lòng nhiệt tâm hộ trì của người dân nơi này vốn giàu Phật chất trong mỗi người.
Thành tựu đó đã được đánh giá cao trong lễ kỷ niệm 10 thành lập GHPGVN tỉnh Quảng Bình (2019), được nhìn lại một cách đầy đủ trong hội thảo khoa học “Quảng Bình xưa và nay” qua các phần thưởng cao quý, trong đó Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Trưởng ban Trị sự được vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ở quê hương thứ hai của Hòa thượng.
Hướng về tương lai
Nói với phóng viên Báo Giác Ngộ trước thềm sự kiện quan trọng của Phật giáo tỉnh nhà là Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Tổ chức đại hội cũng không thể quên những kỷ niệm của giai đoạn được Giáo hội cử về nơi đây làm Phật sự.
Cũng với sự nhiệt tình như những ngày đầu khi phóng viên Giác Ngộ gặp Hòa thượng lúc ngôi chùa Đại Giác còn là ngôi nhà nhỏ lợp tranh giữa bề bộn của công trình đang san lấp để có mặt bằng cho ngôi chùa như hôm nay, khiến nếu ai đã gặp thì không thể quên phong cách của vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo trên vùng đất nhiều nắng gió này.
Nói về hướng đi của Phật giáo Quảng Bình trong thời gian tới, Hòa thượng khẳng định hòa hợp, đoàn kết là tinh thần bất biến mà Ban Trị sự tỉnh luôn đặt lên hàng đầu làm động lực cho sự phát triển ở nhiệm kỳ 2022-2027.
Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp cho biết thêm, trên nền tảng thành tựu Phật sự đã có, thời gian tới Phật giáo tỉnh sẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống tổ chức từ tỉnh xuống hạ tầng, thành lập Ban Trị sự tất cả huyện, thị xã còn lại trên địa bàn; đồng thời khôi phục các chùa, đưa vào hệ thống sinh hoạt của Giáo hội; Hướng dẫn cho đồng bào quy y Tam bảo, tu học theo tinh thần chánh tín, nhiệt tâm ngoại hộ Phật giáo và xây dựng quê hương.
“Con người là căn bản cho mọi sự phát triển, do đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ nhân sự, với tiêu chí là Tăng Ni trẻ, được đào tạo, có trình độ đại học, nhiệt huyết phục vụ, không ngại dấn thân vào những địa phương khó khăn, luôn sống theo tinh thần lục hòa, tuân thủ giới luật… Ban Trị sự tỉnh phải là một tập thể đoàn kết, hòa hợp. Có như vậy mới phát triển, đưa Phật giáo Quảng Bình tiếp tục đi lên được”, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp chia sẻ.