Những dấu ấn thành tựu
Quán triệt sâu sắc tinh thần 'Kỷ cương - trách nhiệm - hành động - sáng tạo - phát triển', ngay từ đầu năm, các cấp ủy đảng, chính quyền TP Thanh Hóa đã bước vào thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm lớn, trách nhiệm cao. Nhờ đó, năm 2024, kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 37 chỉ tiêu của năm 2024, TP Thanh Hóa có 19 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch và 15 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. Điểm nổi bật trong năm 2024 là kết quả thu ngân sách Nhà nước của thành phố đạt 4.158,8 tỷ đồng, đạt 141% dự toán tỉnh và đạt 118% dự toán thành phố giao. Tổng giá trị sản xuất đạt 81.220 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn tỉnh (sau thị xã Nghi Sơn) và chiếm tỷ trọng 18,4% giá trị sản xuất của toàn tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,25%, tăng 2 bậc so với năm 2023 và xếp thứ 4 toàn tỉnh (sau TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn)...
Giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 53.101 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ. Trong phát triển công nghiệp, thành phố đã thu hút được 5 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 161 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án cụm công nghiệp phía Đông Bắc với diện tích gần 20ha, tổng vốn đầu tư 156 tỷ đồng; khởi công 4 dự án trọng điểm là cung văn hóa thiếu nhi; nâng cấp, cải tạo công viên Hội An; cầu vượt đường sắt Bắc – Nam; mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong năm, thành phố đã tuyên truyền, vận động thành lập được 1.475 doanh nghiệp (đạt 100,34% kế hoạch tỉnh giao).
Hoạt động xuất khẩu cũng phản ánh sự khởi sắc của nền kinh tế. Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của thành phố đạt 1.825 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 27,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như tôm đông lạnh, mực đông lạnh, quần áo may sẵn, giày da xuất khẩu... tăng cao. Trên địa bàn thành phố duy trì 139 đơn vị tham gia xuất khẩu các loại hàng hóa; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tiếp tục tăng trưởng, thị trường truyền thống duy trì ổn định, thị trường mới được mở rộng với sản lượng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ.
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ đạt 49.117 tỷ đồng, xếp thứ nhất cả tỉnh. Dịch vụ vận tải tăng trưởng tích cực do du lịch phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Các hoạt động du lịch gắn liền với các lễ hội, các sự kiện văn hóa do tỉnh và thành phố tổ chức. Nổi bật là sự kiện “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An”, chương trình “Điểm hẹn cuối tuần”, khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn, chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9... Nhờ đó, ngành du lịch đã đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2024, thành phố đón 2.560.000 lượt khách du lịch và khách tham quan, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng chuyển tiếp từ những năm trước để cụ thể hóa chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành Đề án phân loại đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công nhận tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 5/8/2024; hoàn thành báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Thanh Hóa và được Bộ Xây dựng công nhận tại Quyết định số 777/QĐ-BXD ngày 12/8/2024. Đây là cơ sở quan trọng để ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH15 về nhập huyện Đông Sơn vào thành phố và thành lập các phường thuộc thành phố, mở ra vận hội mới, tạo thế và lực mới để TP Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cùng với những điểm sáng về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được nâng cao. Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố hướng mạnh về cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Những kết quả đạt được đã phản ánh sinh động những sắc thái tươi mới trên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024. Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 23 diễn ra đầu tháng 11 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân đã nhấn mạnh: “Kết quả ấy thể hiện quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành, cùng sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Đó là nền tảng quan trọng để TP Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 - năm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dau-an-thanh-tuu-234881.htm