Những dấu ấn trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển
PTĐT - Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ ...
PTĐT - Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Ngân khố quốc gia đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ tài chính tiền tệ độc lập tự chủ, góp phần đưa hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang; ngày 29/5 đã trở thành ngày lịch sử truyền thống của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, việc tách chức năng quản lý Nhà nước, kinh doanh tiền tệ của hệ thống Ngân hàng với chức năng quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là hết sức cần thiết. Với chủ trương đó, hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính được tái thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 07/HĐBT ngày 04/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Cùng với sự ra đời của hệ thống KBNN, ngày 01/4/1990, KBNN Vĩnh Phú được thành lập (năm 1997 được tách ra thành hai KBNN tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Trong những ngày mới thành lập, KBNN Vĩnh Phú gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại; từ việc tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý từ ngân hàng, cơ sở vật chất thiếu thốn, chắp vá; đội ngũ cán bộ từ nhiều nơi chuyển về vừa thiếu, vừa yếu, tư tưởng chưa ổn định. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức KBNN Phú Thọ đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chuyên môn ngày càng được đồng bộ; các hoạt động nghiệp vụ cơ bản đã được tin học hóa, KBNN Phú Thọ đã từng bước ổn định, phát triển toàn diện, bền vững, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tài chính - ngân sách của chính quyền các cấp…
Về quản lý quỹ NSNN: Không chỉ đơn thuần là cơ quan giữ quỹ NSNN, KBNN đã luôn phấn đấu nâng cao chất lượng quản lý quỹ NSNN. Từ chỗ thụ động chờ đối tượng đến Kho bạc nộp ngân sách, từ năm 2009, KBNN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan để đưa ứng dụng công nghệ vào công tác thu nộp ngân sách thông qua đề án “Hiện đại hóa thu NSNN” trên địa bàn, đây là khâu đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính về thu nộp NSNN. Đến nay, đề án “Hiện đại hóa thu NSNN” và công tác phối hợp thu NSNN với các Ngân hàng thương mại đã được triển khai thực hiện tại KBNN tỉnh và tất cả KBNN các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp NSNN; mở rộng không gian, thời gian cho người nộp thuế; người nộp thuế được tiếp cận các phương thức thu nộp hiện đại,…).Mặc dù quy mô thu NSNN trên địa bàn tăng nhanh qua các giai đoạn, năm 1990 với số thu rất khiêm tốn trên 52 tỷ đồng, đến năm 2019 thu ngân sách đạt 8.411 tỷ đồng tăng trên 37 lần so với năm 1997 và tăng trên 161 lần so với năm 1990, song hệ thống KBNN tỉnh đã phối hợp tích cực với các cơ quan thu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN; đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời và hạch toán chính xác số thu cho ngân sách các cấp. Đối với nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN, KBNN đã thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát. Năm 2013 triển khai thực hiện quản lý kiểm soát Cam kết chi qua KBNN, từ năm 2016 thực hiện thanh tra chuyên ngành và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, từ năm 2017 thống nhất chức năng kiểm soát chi trên cả 2 lĩnh vực là chi thường xuyên và chi đầu tư. Đây là một bước tiến mới trong quản lý ngân sách, qua đó đã ngăn chặn và từ chối thanh toán nhiều khoản chi NSNN chưa đúng chế độ quy định, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng và nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng NSNN. Mặc dù quy mô chi NSNN ngày càng gia tăng (năm 2019 đạt 19.210 tỷ đồng tăng 309,8 lần so với năm 1990; tăng 21,2 lần so với năm 1997) song chất lượng kiểm soát chi NSNN của KBNN ngày càng được nâng cao, đảm bảo các khoản chi NSNN đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức của Nhà nước quy định.Về quản lý ngân quỹ KBNN và huy động vốn cho NSNN: KBNN đã làm tốt công tác quản lý điều hành ngân quỹ trong toàn hệ thống, luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch; đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kịp thời hỗ trợ cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Bên cạnh đó, KBNN đã từng bước cải cách, hiện đại hóa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ, từ chỗ chỉ thực hiện bán lẻ trái phiếu kho bạc, đến nay KBNN đã tổ chức, phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với các thông lệ trên thế giới (hiện nay việc huy động vốn cho đầu tư phát triển chỉ thực hiện tại KBNN Trung ương). Về công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính: Hầu hết các hoạt động nghiệp vụ KBNN đã và đang được tin học hóa, hiện đại hóa như: Triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN và tổ chức phối hợp thu với các ngân hàng thương mại; triển khai thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại và tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng với NHNN. Bên cạnh đó, KBNN đã thường xuyên quan tâm và chú trọng công tác cải cách hành chính; coi đây là khâu đột phá then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng. Đã triển khai có hiệu quả ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi đối với đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt đầu năm 2019, KBNN tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giao nhận, xử lý hồ sơ chứng từ thanh toán, qua đó khách hàng không phải đến kho bạc giao nhận hồ sơ, chứng từ giấy mà được thay thế bằng việc giao nhận hồ sơ chứng từ điện tử qua mạng Internet. Có thể nói đây là một bước đột phá đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm thời gian, chi phí đi lại, chi phí hoạt động cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đồng thời tạo sự công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tăng sự hài lòng của khách hàng và hạn chế rủi ro trong thanh toán như việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu…Qua 30 năm xây dựng và phát triển, chức năng của KBNN không ngừng được hoàn thiện và mở rộng; Ngoài chức năng truyền thống là quản lý quỹ NSNN và huy động vốn, thì KBNN được giao bổ sung 2 chức năng quan trọng là: Tổng kế toán Nhà nước và quản lý ngân quỹ Nhà nước; Một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng tổng kế toán Nhà nước là lập Báo cáo tài chính Nhà nước. Có thể nói trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, KBNN Phú Thọ luôn khẳng định được vị trí vai trò cùng những đóng góp của mình trong sự phát triển của nền tài chính đất nước và sự phát triển của tỉnh nhà. Những đóng góp đó đã được ghi nhận bằng những phần thưởng đáng tự hào: Tập thể cán bộ công chức KBNN Phú Thọ, 8 tập thể thuộc KBNN tỉnh và 5 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 19 tập thể, 20 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ Tài chính, UBND tỉnh, KBNN tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua và nhiều hình thức, danh hiệu khen thưởng khác cho các tập thể và cá nhân. Phát huy truyền thống 30 năm, đội ngũ cán bộ công chức KBNN Phú Thọ quyết tâm giữ vững đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ sự ủng hộ chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, của ngành, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.Trần Mạnh HùngGiám đốc KBNN Phú Thọ
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/kho-bac-nha-nuoc-phu-tho-170045