Những dấu ấn về 'cây đại thụ' ngành vi mạch - Giáo sư Đặng Lương Mô
Ra đi ở tuổi thượng thọ 90, Giáo sư Đặng Lương Mô để lại bao niềm tiếc thương về một người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu.
Ngày 7-5, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có những chia sẻ bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô vào chiều ngày 6-5, sau thời gian lâm bệnh nặng.
Đồng thời, nhà trường cũng tri ân những cống hiến của ông trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu suốt thời gian qua tại ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa.

Chân dung Giáo sư Đặng Lương Mô.
Được biết, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng. Ông là Giáo sư danh dự của Đại học Hosei (Nhật Bản), nguyên Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (tiền thân của Trường ĐH Bách khoa), nguyên Cố vấn cao cấp ĐH Quốc gia TP.HCM.
Sự ra đi của ông để lại bao niềm thương tiếc lẫn tự hào cho đông đảo nhà khoa học, đồng nghiệp và bao thế hệ học trò của ông. Bởi, Giáo sư Đặng Lương Mô được ví như “cây đại thụ” đặt nền móng và dẫn dắt ngành vi mạch Việt Nam phát triển. Ông có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu tại ĐH Quốc gia TP.HCM và cho TP.HCM với nhiều di sản trí tuệ quý giá.

Giáo sư Đặng Lương Mô chụp hình cùng gia đình nhân dịp sinh nhật 88 tuổi của ông. Ảnh: BÍCH NGỌC
Biết 3 ngoại ngữ, tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 33
Đặc biệt, ông từng tự tay ghi lại chặng đường sự nghiệp của mình trong cuốn sách Hồi ức tuổi 80 – Hành trình từ điện tử đến vi mạch, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2018. Tác phẩm được phát hành 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Nhật, tái hiện sinh động những dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập, nghiên cứu và cống hiến không ngừng nghỉ của ông.
Theo hồi ký này, năm 1956, Giáo sư Đặng Lương Mô thi đậu thủ khoa vào Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Chỉ một năm sau, vào năm 1957, ông nhận được học bổng du học từ Chính phủ Nhật Bản.
Sau khi tham quan các sản phẩm công nghiệp trưng bày và trò chuyện trực tiếp với các kỹ sư Nhật, ông nhận ra trình độ công nghiệp của Nhật Bản không hề thua kém Pháp hay Canada. Vì thế, ông quyết tâm chọn Nhật làm điểm đến du học dù khi đó ông chỉ biết tiếng Anh và tiếng Pháp chứ không biết tiếng Nhật.
Ông học được tiếng Nhật tại khoa Lưu học sinh của ĐH Ngoại ngữ Tokyo và ông quyết tâm học bằng mọi cách, thông qua việc học trực tiếp ở lớp, học qua tivi, sách báo, tự mày mò từ điển…
Sau khi tốt nghiệp khóa Nhật ngữ, ông nhập học tại Trường ĐH Đại cương Komaba (ĐH Tokyo). Ông lần lượt tốt nghiệp kỹ sư (1962), thạc sĩ (1964) và tiến sĩ khoa học về Điện tử – Vi mạch (1968) tại ĐH Tokyo (Nhật Bản).
Ông chia sẻ trong hồi ký của mình rằng, ban đầu, ông có ý định tốt nghiệp ĐH xong sẽ về nước nhưng khi đó chiến tranh ở Việt Nam rất khốc liệt nên ông quyết định ở lại học lên sau ĐH. Rồi ông lập gia đình, vừa đi làm vừa tiếp tục học và ông tốt nghiệp tiến sĩ năm 33 tuổi, rồi làm hậu tiến sĩ.
Ông tự cho rằng: “Tôi đã bước theo một lộ trình không phải do chính tôi vẽ ra, mà chỉ biết làm theo dẫn dắt của số mệnh”.
Từ 1968–1971, Giáo sư Đặng Lương Mô làm chuyên viên nghiên cứu tại Viện Công nghệ Toshiba.

Một số hình ảnh được lưu lại trong sách hồi ký của Giáo sư Đặng Lương Mô
Người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư tại Nhật Bản
Năm 1971, ông quyết định về Việt Nam, tham gia giảng dạy tại trường ĐH Khoa học, ĐH Sài Gòn (phân hiệu của ĐH Đông Dương trước năm 1975, tức là ĐH Hà Nội sau này) và kiêm nhiệm giảng sư tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, giữ chức Giám đốc Trường Điện (tương đương Chủ nhiệm khoa Điện).
Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (được nâng cấp từ Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật), tương đương chức Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa hiện nay.
Từ năm 1976 đến 2002, GS-TSKH Đặng Lương Mô quay trở lại Nhật Bản theo diện đoàn tụ gia đình. Ông tiếp tục làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Toshiba và sau đó là ĐH Hosei.
Năm 1983, ông được ĐH Hosei phong hàm Giáo sư chính thức và ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư tại Nhật Bản.

Giáo sư Đặng Lương Mô tại một buổi gặp gỡ trí thức năm 2024. Ảnh: ĐHQG
Kiến tạo 3 nền tảng cho ngành vi mạch Việt Nam
Từ năm 2002, ông nghỉ hưu sau 19 năm làm việc tại ĐH Hosei và quyết định về nước. Ông trở thành cố vấn đặc biệt của ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa.


Giáo sư Đặng Lương Mô trong vai trò cố vấn đặc biệt của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: BÍCH NGỌC
Thời gian ông làm việc tại Việt Nam, ông đã kiến tạo ba nền tảng quan trọng cho ngành vi mạch Việt Nam.
Thứ nhất, ông thiết lập Phòng thí nghiệm mô phỏng và Thiết kế vi mạch (FPGA) tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2000.
Thứ hai, ông đề xuất thiết lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2005. Trung tâm đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và thực chất đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch, đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.
Thứ ba, ông khai mở chương trình sau ĐH về thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM (năm 2007). Đây là chương trình sau đại học chính quy của một đại học Việt Nam đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của đông đảo giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Chương trình đã đào tạo ra hàng trăm thạc sĩ về thiết kế vi mạch.
Ông cũng là người khởi xướng chương trình trao đổi kỹ sư, giảng viên giữa ĐH Hosei và Trường ĐH Bách khoa, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ sang Nhật Bản tu nghiệp.
Với tâm huyết và trí tuệ, trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, ông có hơn 300 công bố khoa học và 13 sáng chế, nổi bật là “Dang Model” – mô hình transistor được ứng dụng trong phần mềm SPICE toàn cầu. Ông cũng tham gia chương trình VLSI giúp Nhật Bản phát triển công nghiệp vi mạch.




Giáo sư Đặng Lương Mô nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng từ trong và ngoài nước vì sự đóng góp của ông. Ảnh: TƯ LIỆU CỦA NHÂN VẬT
Giáo sư Đặng Lương Mô được khen tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá như Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015), giải thưởng vinh danh nước Việt, Huy hiệu TP.HCM, là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York, Hội viên Thượng cấp IEEE và được quốc tế vinh danh trong danh sách Người Nổi tiếng Thế giới.
Mới đây, Giáo sư Đặng Lương Mô vinh dự là nhà giáo, nhà khoa học duy nhất tại TP.HCM đón nhận hai danh hiệu vì có nhiều đóng góp trong sự phát triển của TP.HCM trong dịp chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua.

Giáo sư Đặng Lương Mô đón nhận bảng tri ân cống hiến ngay tại phòng bệnh. Ảnh: ĐHQG
Cụ thể, Giáo sư Đặng Lương Mô là danh hiệu tốp 60 cá nhân tiêu biểu vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM trong 50 năm qua. Đồng thời, ông được vinh danh trong tốp 50 kiều bào tiêu biểu do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM trao tặng.
Thông tin Lễ tang của Giáo sư Đặng Lương Mô