Những dấu ấn vẻ vang, ngành Tài chính lớn lên cùng đất nước

Ngành Tài chính Việt Nam ra đời ngày 28/8/1945, đúng vào ngày đầu tiên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Qua 78 năm trưởng thành và phát triển, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam ở thời kỳ nào cũng thể hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đặc biệt vào sự phát triển của đất nước.

Tài chính khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, sức mạnh của nhân dân

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bối cảnh đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, tình hình tài chính hết sức khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các biện pháp về tài chính đã được áp dụng nhằm khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước.

Với sứ mệnh huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng ở những ngày đầu thành lập, Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng (9/1945 - 3/1946) đã tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành Tài chính tiếp tục động viên tinh thần thi đua yêu nước, tập trung sức mạnh kịp thời điều chỉnh chế độ thuế khóa và ban hành chính sách tài chính mới, tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Các chính sách tài chính thể hiện sự chắt chiu từng đồng vốn trong nước và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện ở mức cao nhất về sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.

Các tầng lớp nhân dân nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát lớn, Hà Nội (tháng 9/1945)

Các tầng lớp nhân dân nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát lớn, Hà Nội (tháng 9/1945)

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, ngành Tài chính tập trung mọi nguồn lực khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh bằng hàng loạt các biện pháp tài chính, ngân sách tích cực như: từng bước xóa bỏ bao cấp ngân sách, chấm dứt phát hành tiền cho bội chi ngân sách, cải cách hệ thống thuế, quản lý ngân sách…; qua đó, đã thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia.

Toàn ngành Tài chính đã tập trung động viên cao độ nguồn vốn nhà nước, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, phấn đấu giảm bội chi, tăng thu về cho ngân sách. Với số thu trong nước giai đoạn 1981 - 1985 so với giai đoạn 1976 - 1980 tăng từ 60,8% lên 77,5%; tỷ trọng số thu ngoài nước đã giảm tương ứng từ 39,2% xuống còn 22,5% cho thấy chính sách động viên đúng đắn, bền vững.

Chi NSNN đã ngày càng hiệu quả hơn. Giai đoạn 1981 - 1985, NSNN đã phân bổ vốn cho tích lũy bằng 10,5 lần và cho tiêu dùng bằng 12,9 lần so với giai đoạn 1976 - 1980. Trong chi tích lũy, vốn xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng 87,55% và bằng 10,63 lần giai đoạn 1976 - 1980.

Ngành Tài chính cũng đi đầu trong tham mưu chính sách để Đảng và Nhà nước nhìn nhận toàn diện, lựa chọn đường lối đổi mới, mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986). Thời điểm này, đặt ra yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành Tài chính đi đầu trong tiếp nhận các tinh hoa quản lý tài chính ưu việt trên thế giới, áp dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước. Chính sách tài chính tập trung thu hút vốn FDI, ODA, khuyến khích phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; tăng chi cho đầu tư phát triển, cho giáo dục, y tế, cho an sinh xã hội. Nhờ đó, thu NSNN đã không ngừng tăng, trong giai đoạn 1986 - 1990 bằng 30,7 lần (bao gồm cả thu chênh lệch giá) so với giai đoạn 1981 - 1985.

Cơ cấu NSNN thời kỳ 1990 - 2000 có những chuyển biển về chất hết sức quan trọng, cả về thu - chi, cân đối và quản lý. Hệ thống thuế đã được đổi mới căn bản và toàn diện. Nhà nước từng bước trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp về tài chính, đẩy mạnh cổ phần hóa, dần tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng đối cho mọi thành phần kinh tế.

Tài chính thúc đẩy, mở đường cho phát triển nhanh, bền vững đất nước

Hội nhập, mở cửa về tài chính luôn là đòi hỏi đi trước, cấp bách, kịp thời, dẫn đường cho các dòng vốn thúc đẩy tăng trưởng. Ngành Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành khối lượng khổng lồ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tạo khung khổ pháp lý cho tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển. Nhờ đó, đã giúp khơi thông nguồn lực toàn xã hội - huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Thành quả là ở thời điểm năm 2009, thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam lần đầu tiên ra khỏi nhóm các nước nghèo trên thế giới (vượt 1.000 USD/đầu người/năm). Và hơn 10 sau, GDP bình quân đầu người năm 2022 dự kiến tăng 3,6 lần so với thời điểm năm 2009.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh báo cáo với Bác Hồ về công tác tài chính. Ảnh: TL

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh báo cáo với Bác Hồ về công tác tài chính. Ảnh: TL

Đặc biệt, trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm (2011 - 2020), cơ cấu thu - chi NSNN giai đoạn này đã được cải thiện theo hướng ngày càng tích cực, đảm bảo tính ổn định, bền vững cao. Tỷ trọng thu nội địa (không kể dầu thô) tăng từ mức trung bình 57,85% trong giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,7% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu thu NSNN ngày càng chuyển biến tích cực: tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức 67,7% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên gần 84% năm 2020.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, có thể khẳng định nền tài chính quốc gia đã có nhiều chuyển biến rõ nét, thể chế tài chính - NSNN theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, đã hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phù hợp với các điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn và từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được củng cố.

Cơ chế, chính sách tài chính - NSNN góp phần tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt được các kết quả quan trọng, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN có những cải thiện. Thị trường tài chính tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa ngành Tài chính được nâng cao. Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế tiếp tục được tăng cường và củng cố…

Tài chính khẳng định vai trò trụ cột trong phục hồi, phát triển nền kinh tế

Hơn 3 năm qua, trước sự tác động tiêu cực về nhiều mặt từ đại dịch Covid-19, các chính sách tài chính một lần nữa lại khẳng định là trụ cột cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dịch Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn. Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hơn 3 năm qua đó là những gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... lên đến hơn 400 nghìn tỷ đồng); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói 26.000 tỷ đồng) và nhiều chính sách thuế phí khác hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh giá một số nhiên nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới lạm phát…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (trước) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Đại hội thi đua yêu nước năm 1951. Ảnh: TL

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (trước) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Đại hội thi đua yêu nước năm 1951. Ảnh: TL

Với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/ QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030. Đây là định hướng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành Tài chính trong những năm tiếp theo.

Phát triển bền vững nền tài chính quốc gia

Kế thừa truyền thống vẻ vang 78 năm xây dựng và phát triển, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, có khả năng chống chịu tốt trước sự biến đổi nhanh, mạnh và khó lường của kinh tế - tài chính khu vực và thế giới. Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục sát sao chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra. Ngoài ra, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2023; phấn đấu thu vượt mức dự toán Quốc hội quyết định; tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu. Điều hành chi NSNN năm 2023 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch...

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, với truyền thống vẻ vang cùng những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, tin tưởng rằng, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 và các năm tiếp theo, viết tiếp truyền thống 78 năm đầy vẻ vang.

Đảng, Nhà nước trao tặng ngành Tài chính nhiều phần thưởng cao quý

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…", liên tục trong những năm qua, ngành Tài chính đã phát động hàng trăm phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hăng hái, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận những đóng góp to lớn, liên tục và xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển trong 78 năm qua, Ðảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Tài chính nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; phong tặng nhiều tập thể, cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...

Vĩnh Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhung-dau-an-ve-vang-nganh-tai-chinh-lon-len-cung-dat-nuoc-134751.html