Những dấu hiệu nhiễm độc gan
Nhiễm độc gan không chỉ gây tổn thương trực tiếp đến gan mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm độc gan do uống rượu điều chế từ cao lá
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa điều trị cho nam bệnh nhân 62 tuổi, ở Tuyên Quang, bị suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc.
Bệnh nhân có tiền sử đặt 2 stent động mạch vành và dùng thuốc uống theo đơn ngoại trú, phẫu thuật thủng dạ dày cách đây 40 năm, không có tiền sử bệnh lý gan.
Thông tin từ gia đình, bệnh nhân được người dân trong xóm giới thiệu tác dụng của một số loại lá cây, ông đã tự đi lấy, nấu thành cao và ngâm rượu. 1 tháng trước khi phải nhập viện cấp cứu, mỗi ngày bệnh nhân đều sử dụng khoảng 500ml rượu tự ngâm từ cao lá. Sau thời gian sử dụng, bệnh nhân thấy trong người mệt mỏi, mức độ ngày càng tăng dần, vàng mắt và da.
Sau 1 tuần điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Tuyên Quang, thấy tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình lập tức chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân ý thức suy giảm, lơ mơ, da niêm mạc, củng mạc mắt vàng đậm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao. Bệnh nhân được nhận định suy gan cấp, chỉ định theo dõi do viêm gan nhiễm độc.
Các bác sĩ đã tiến hành lọc thay huyết tương, điều trị hồi sức tích cực nâng đỡ gan, chống phù não kết hợp các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp và dinh dưỡng. Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, ăn uống tốt, ngủ ngon, da không còn vàng, các chỉ số xét nghiệm đã trở về gần giới hạn bình thường và được xuất viện.
Vàng da, chán ăn.... thận trọng với nhiễm độc gan
Nhiễm độc gan là tình trạng bệnh lý xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương do tiếp xúc với các chất có hại, chẳng hạn như một số loại thuốc, độc tố hoặc hóa chất. Những tổn thương này có thể làm suy giảm chức năng gan và trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy gan.
Viêm gan cấp tính là dạng tổn thương phổ biến nhất trong trường hợp gan bị nhiễm độc. Nhiều bệnh nhân bị gan nhiễm độc nhưng không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm cho thấy các chỉ số men gan bất thường.
Một số triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da, và nước tiểu sẫm màu. Đối với những bệnh nhân có tình trạng ứ mật, có thể xuất hiện triệu chứng ngứa da. Khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện gan to, các dấu hiệu của rối loạn đông máu (xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc miệng…), hoặc các triệu chứng của hội chứng não gan như rối loạn định hướng không gian, thời gian, lú lẫn, và hôn mê.
Các trường hợp nhiễm độc gan mạn tính có thể dẫn đến xơ hóa gan và xơ gan. Bệnh nhân có thể đến khám khi xuất hiện đợt mất bù cấp tính (cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, vàng da…) hoặc khi xơ gan tiến triển đến giai đoạn mất bù.
Ngoài các triệu chứng suy giảm chức năng gan do tổn thương gan gây ra bởi các chất độc, còn có thể xuất hiện các phản ứng quá mẫn cảm như sốt, nổi ban, hoặc hội chứng Stevens-Johnson do tác nhân gây hại.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm nhiễm độc gan?
Người có tiền sử lạm dụng rượu
Người uống quá liều thuốc: thuốc trầm cảm, rối loạn tâm lý …
Người đang điều trị thuốc lao, hóa chất ung thư …
Người lạm dụng thuốc không kê đơn, không rõ nguồn gốc, bao gồm cả thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng.
Điều trị bệnh nhiễm độc gan như thế nào?
Tùy từng cá nhân, mức độ tổn thương mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Cụ thể, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc giải độc gan, thụt tháo, chống phù não (nếu đã có biểu hiện hôn mê), kháng sinh nếu có bội nhiễm, tăng cường nuôi dưỡng.
Thủ thuật can thiệp trong trường hợp nặng: đặt sonde ăn, đặt nội khí quản bảo vệ đường thở nếu hôn mê. Lọc máu, lọc huyết tương. Ghép gan là giải pháp cuối nếu không cải thiện bằng mọi biện pháp điều trị.
Tóm lại: nhiễm độc gan là vấn đề hay gặp nếu xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám hoặc khi có các biểu hiện bất thường như: phân sẫm màu, vàng da, ăn mất ngon, xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân (ecchymosis), di chuyển khó khăn, nôn ra máu,… người bệnh cần đi khám ngay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-dau-hieu-nhiem-doc-gan-169241223094421132.htm