Những dấu hỏi lớn phía sau vụ tiêm kích F-16 của Ukraine vừa xung trận đã bị rơi
Vụ rơi máy bay F-16 của Ukraine tuần trước đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Liệu Kiev có vội triển khai những chiếc tiêm kích này và liệu các phi công Ukraine đã thực sự sẵn sàng xung trận với F-16?
Vừa xung trận đã bị rơi
Ngay trong ngày đầu tiên được đưa vào chiến đấu, những chiếc F-16 đã lập công cho Ukraine nhưng đồng thời, một máy bay tiêm kích tối tân này đã bị rơi khiến một phi công thiệt mạng.
Vụ rơi máy bay này xảy ra hôm 30/8, khiến Ukraine mất một trong số ít ỏi những chiếc F-16 mà họ phải rất dày công vận động mới nhận được từ NATO. Và giới chức nước này hiện vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy máy bay bị bắn hạ, do hỏa lực của phe ta hoặc phe địch, hoặc do hỏng hóc cơ khí dẫn đến vụ tai nạn.
Phi công thiệt mạng, Oleksiy Mes, là một trong số ít người Ukraine bắt đầu huấn luyện trên máy bay F-16 tại Đan Mạch vào tháng 8/2023. Vài tháng sau, một nhóm khác bắt đầu huấn luyện dưới sự chỉ đạo của các phi công Mỹ tại Căn cứ Vệ binh Quốc gia Không quân Morris (bang Arizona).
Những phi công đầu tiên tốt nghiệp các chương trình đó đã hoàn thành khóa đào tạo của họ ở châu Âu trước khi đến Ukraine vào mùa Hè năm nay cùng với các máy bay F-16 viện trợ cho Kiev.
Mes, còn có biệt danh là Moonfish, nằm trong số ít phi công đã hoàn thành khóa đào tạo cấp tốc tại căn cứ không quân Đan Mạch ở Skrydstrup, được thiết kế theo các tình huống mà họ sẽ phải đối mặt trên chiến trường. Các phi công tập trung vào phòng không, thay vì học tất cả các nhiệm vụ mà máy bay đa năng như F-16 có thể thực hiện.
Rủi ro từ khóa đào tạo cấp tốc
Thông thường, các phi công F-16 mới vào nghề sẽ hoàn thành một khóa học toàn diện hơn và sau đó huấn luyện với đơn vị của họ trong tối đa một năm trước khi tham gia chiến đấu. Nhưng các phi công Ukraine, những người đã lái F-16 trong nhiều nhất là một năm, đã triển khai thẳng vào một chiến trường phức tạp, nguy hiểm.
Các phi công Ukraine đã có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu trên các máy bay phản lực Liên Xô cũ của họ, nhưng một số người đã phải vật lộn để học cách vận hành máy bay F-16 tiên tiến - đặc biệt là vì các hướng dẫn đào tạo bằng tiếng Anh và không phải tất cả các phi công Ukraine đều có đủ trình độ tiếng Anh. Một số phi công bắt đầu khóa học ở Đan Mạch đã bị đánh trượt vì lý do này.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của NATO tiết lộ với báo Wall Street Journal rằng, trước vụ tai nạn, đại diện chính phủ Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại về khả năng bay một mình của một số phi công Ukraine.
Đánh giá về việc lái F-16, một cựu phi công chiến đấu của Mỹ cho biết: “Sử dụng tên lửa hành trình sao cho hợp lý đã là một vấn đề lớn. Rất khó khăn để thực hiện tốt việc này khi bạn vào vùng giao tranh, đặc biệt khi bạn cần phải có loại phù hợp tên lửa phù hợp với mỗi tình huống”.
Ukraine từ lâu đã tìm kiếm F-16 như một phần của hệ thống phòng không, với mong muốn những chiếc tiêm kích hiện đại của Mỹ sẽ giúp bảo vệ Ukraine khỏi sự tấn công của tên lửa và máy bay không người lái. Kiev đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào mùa hè này.
Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie, người thường xuyên đến thăm các đơn vị tiền tuyến của Ukraine, cho biết: "Vai trò ban đầu của loại máy bay này là bảo vệ bầu trời Ukraine, tập trung vào phòng không và phòng thủ tên lửa. Nhưng ngay cả khi chỉ giới hạn ở những nhiệm vụ ấy, chắc chắn sẽ có những khó khăn khi phi công Ukraine tiếp nhận và học cách vận hành máy bay”.
Thời gian không chờ đợi Ukraine
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần cảm ơn Mỹ và các đồng minh vì đã cung cấp vũ khí tiên tiến như F-16. Nhưng họ cũng phàn nàn rằng việc cung cấp quá ít và quá muộn.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã nói rằng Ukraine chỉ có một phần nhỏ hệ thống phòng không cần thiết để bảo vệ các thành phố và quân đội của mình. Do đó, ngay khi nhận được F-16, Ukraine lập tức tung những tiêm kích này vào chiến đấu.
Lần đầu tiên Ukraine công khai thừa nhận rằng họ đã triển khai F-16 vào ngày 27/8 để chống lại cuộc tấn công được họ mô tả là lớn nhất của Nga trong cuộc chiến với 127 tên lửa và 109 máy bay không người lái. Và như đã đề cập, chỉ vài ngày sau đó, một chiếc F-16 của Ukraine đã rơi kéo theo mất mát quá lớn về nhân sự khi một trong những phi công tốt nhất của họ thiệt mạng.
Việc lái F-16 là một công việc nguy hiểm, phức tạp, và thậm chí một số phi công giỏi nhất của Mỹ đã bị rơi khi lái dòng tiêm kích hiện đại này. Trong số đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Charles Brown, người đã buộc phải phóng ra ngoài sau khi máy bay của ông bị sét đánh trên bầu trời Everglades năm 1991.
Do đó, việc Oleksiy Mes gặp tai nạn cũng không phải điều bất thường. Và điều đó không có nghĩa là Mes chưa sẵn sàng chiến đấu. Không quân Ukraine cho biết Mes thậm chí đã bắn hạ ba tên lửa hành trình và một máy bay không người lái trước khi rơi. Nhưng thực tế chiến trường Ukraine quá khắc nghiệt so với những bài học mô phỏng ở trường đào tạo bay.
Một giảng viên từng hướng dẫn các phi công Ukraine nói: “Những người này là cựu phi công chiến đấu, không phải chúng tôi đã đào tạo một người mới vào nghề - nhiều người trong số họ có tài năng. Do đó, tôi mạo muội nói rằng các phi công phương Tây chưa từng phải đối mặt với bất cứ điều gì giống như những gì Moonfish đã phải đối mặt”.
Như nhận định của giảng viên này, đúng là Ukraine đã vội vã đưa tiêm kích F-16 và phi công của mình vào chiến đấu, nhưng Kiev buộc phải đưa ra quyết định đó vì đòi hỏi cấp bách của thực tế chiến trường.
Hầu hết các quan chức phương Tây có liên quan đều thừa nhận rằng sẽ mất nhiều tháng trước khi Ukraine có đủ phi công được đào tạo để điều khiển một phi đội F-16 đầy đủ.
Nhưng thời gian không chờ đợi Kiev. Từ nay đến lúc đó, những phi công như Oleksiy Mes vẫn phải cất cánh mỗi khi được lệnh. Và chiến trường sẽ là lớp học nâng cao của họ, với điểm số có thể được tính bằng mạng sống hoặc may mắn hơn là bằng chính chiếc máy bay họ cầm lái.