Những dấu hỏi về 'Nhà tài trợ' cho Ukraine
Lợi thế cuối cùng sẽ thuộc về bên nào có khả năng tốt hơn trong việc quản lý kinh tế và ngoại giao có mục tiêu.
Những yếu tố then chốt
Về an ninh, yếu tố then chốt sẽ không phải là kiểm soát lãnh thổ như trước đây mà là khả năng các quốc gia tiến hành "các hoạt động ngoài tiền tuyến", điều này "sẽ kiểm tra khả năng của mỗi bên trong việc chịu đựng một cuộc xung đột như vậy thêm một năm nữa". Do đó, số lượng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng có thể sẽ tăng lên.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, ngay trong đầu năm 2024, cả Nga và Ukraine đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau. Trong khi Nga tập trung nhằm vào các mục tiêu có tầm quan trọng đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ukraine, thì Kiev lại tăng cường tấn công các mục tiêu hậu cần của Moscow, đặc biệt là ở Crimea.
Trong khi đó, về mặt chính trị, các cuộc bầu cử có thể sẽ có tác động đáng kể đến cuộc xung đột, trong đó tình hình ở Mỹ khá bất ổn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ủng hộ và đặc biệt là viện trợ tài chính cũng như quân sự cho Ukraine. Trong trường hợp trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ giảm hoặc cắt viện trợ cho Ukraine, nhằm gây sức ép buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow cùng với những thỏa hiệp nhất định.
Nhưng thách thức trước mắt với Ukraine đó là sự bế tắc tại Quốc hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine. Các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ về hỗ trợ tài chính cho Ukraine, cho đến nay vẫn chưa dẫn đến một thỏa thuận nào. Tại Hạ viện, và sau đó là Thượng viện, đảng Cộng hòa bắt đầu yêu cầu việc áp dụng một gói hỗ trợ khác cho Kiev sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường bảo vệ biên giới với Mexico và những thay đổi trong luật nhập cư.
Các cuộc thảo luận về những vấn đề này tiếp tục diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử căng thẳng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, trước sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường và xã hội Mỹ, có thể khó đạt được thỏa thuận về vấn đề nhập cư, và việc không đạt được thỏa thuận sẽ đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ khó thông qua gói hỗ trợ cho Ukraine. Khi Quốc hội Mỹ lưỡng lự về việc tài trợ viện trợ cho Ukraine, khả năng quân sự của Ukraine sẽ suy giảm. Sự suy giảm này là dần dần. Tác động của việc giảm viện trợ sẽ ngày càng rõ ràng trên chiến trường. Ukraine không còn khả năng tiến hành phản công.
Bên cạnh hai yếu tố nêu trên, yếu tố kinh tế có thể là lĩnh vực quyết định nhất. Theo đó, sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là rất quan trọng đối với Kiev, trong khi Nga cho đến nay vẫn nỗ lực duy trì khả năng phục hồi và linh hoạt về kinh tế trước áp lực trừng phạt của phương Tây "bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và đặc biệt là năng lượng với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh". Ngoài ra, cả hai nước đều tập trung nỗ lực ngoại giao vào việc thiết lập quan hệ với các nước ở Nam toàn cầu. Tuy nhiên, ưu tiên của Kiev vẫn là sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine.
Có thể vẫn xa vời
Theo các chuyên gia, Mỹ khó có thể cung cấp viện trợ tài chính và quân sự đáng kể cho Kiev trong tương lai gần và vẫn còn khá nhiều nghi vấn liệu châu Âu có đủ khả năng thay thế Washington trở thành nhà ủng hộ chính cho Ukraine hay không.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine tại Brussels ngày 10/1, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ lớn về quân sự, kinh tế và nhân đạo, trong khi nhiều thành viên NATO vạch ra kế hoạch cung cấp "hàng tỷ euro vào năm 2024". Những động thái như vậy chắc chắn sẽ khuyến khích Kiev tiếp tục chiến đấu, mặc dù chúng có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hồi đầu tháng này tuyên bố "không có tiền" cho gói viện trợ mới cho Ukraine, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ Ukraine miễn là cần thiết, nhưng không nhất thiết ở mức độ năm 2022 và 2023. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn không thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden, đó là lý do Nhà Trắng không thể công bố thêm các gói viện trợ quân sự.
Trong bối cảnh đó, chính châu Âu, chứ không phải Mỹ, sẽ phải tài trợ cho Kiev và cung cấp vũ khí cho nước này. Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu như Ngoại trưởng Pháp, Thủ tướng Anh đã liên tục đến thăm Kiev với cam kết hỗ trợ nhiều hơn khi Nga tiếp tục các cuộc không kích không ngừng nghỉ nhằm vào Ukraine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 17/1 bày tỏ tin tưởng rằng tất cả 27 quốc gia thành viên EU sẽ đồng ý gia hạn thêm viện trợ tài chính cho Ukraine, vượt qua sự phản đối của Hungary và thực hiện cam kết với Kiev.
Đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra lời kêu gọi bất thường tới các nước EU khác hãy cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Nhưng không phải tất cả các nước châu Âu đều sẵn sàng thực hiện các biện pháp như vậy. Hungary đã chặn khoản viện trợ tài chính trị giá 54 tỷ USD của EU cho Ukraine, trong khi nước láng giềng Slovakia từ chối gói viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev vào tháng 11/2023. Do đó, nếu Budapest và Bratislava gián tiếp ngăn cản các nỗ lực của EU và NATO, thì cam kết của EU trở nên khá đáng nghi ngờ.
Nhận thức rõ điều đó, một số chính trị gia ở phương Tây đã bắt đầu coi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng bế tắc quân sự hiện nay. Chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh vào ngày 10/1 rằng, ông thấy "những tín hiệu từ Moscow và Kiev rằng đã đến lúc ngoại giao mở đường cho hòa bình".
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây nói rằng "hiện tại không có cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine", trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục tuyên bố rằng "các cuộc đàm phán ngừng bắn với Moscow chỉ có thể bắt đầu khi Quân đội Nga hoàn toàn rút khỏi Ukraine". Như vậy, trong hoàn cảnh hiện tại, triển vọng hòa bình như tuyên bố của Bộ trưởng Guido Crosetto có thể vẫn xa vời.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhung-dau-hoi-ve-nha-tai-tro-cho-ukraine-i720897/