NHỮNG DẤU MỐC SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG
Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
"Cách mạng là sáng tạo”, trong suốt chặng đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhiều dấu mốc thể hiện sự sáng tạo. Sáng tạo trong việc lựa chọn đường lối từ khi thành lập cũng như trong quá trình thực hiện vai trò và sứ mệnh lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự sáng tạo, đổi mới có tác dụng quyết định những thắng lợi.
* ĐƯỜNG LỐI SÁNG TẠO TRONG CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc chủ trì thông qua Chánh cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Điều lệ vắn tắt; Chương trình vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện thực tế Việt Nam khi nêu bật tinh thần:
Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chống đế quốc và tay sai. Nhiệm vụ giành độc lập, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức của thực dân được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách, sống còn, được đặt trước nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới giành được thắng lợi.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10 năm 1930), chủ trương nêu trên bị cho là sai lầm. Sự phê phán này dựa theo những quan điểm mang nặng khuynh hướng “tả” - nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh chuyên chính vô sản trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng thế giới của Quốc tế cộng sản sau Đại hội VI (1928). Luận cương tháng 10/1930 “coi địa chủ là cừu địch của nông dân mà đã thế thì phải đánh đổ và thâu hết ruộng đất của chúng nó” đã dẫn đến quan điểm cực đoan trong chỉ đạo đấu tranh ở Nghệ-Tĩnh những năm 1930-1931: “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Phong trào nổi dậy của nông dân Xô viết Nghệ-Tĩnh bị suy giảm sức mạnh và thất bại trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai.
Trong những năm 1936-1939, những chuyển biến, điều chỉnh về đường lối lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới đã tạo nên sự phát triển sôi động của phong trào cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 11/1939, Đảng đã thể hiện cách nhìn cụ thể sáng tạo về mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt Nam, về mối quan hệ dân tộc-giai cấp trong quá trình xác định chiến lược, sách lược cách mạng cũng như các hình thức đấu tranh, về việc thành lập Mặt trận, tổ chức các hội, đoàn thể quần chúng. Mặc dù chưa có sự hiện diện trực tiếp của Hồ Chí Minh, nhưng có thể nói trong những quyết định chuyển hướng chiến lược của Đảng thể hiện ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 khi đó đã có “dòng chảy” Tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.
Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời, hiện thực hóa sự phát triển đường lối, chủ trương chiến lược đoàn kết dân tộc, tập hợp đoàn kết quần chúng trong một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là kết quả của một tư tưởng cách mạng sáng tạo. Đây cũng là một bài học thành công của Đảng về công tác mặt trận và chiến lược đoàn kết dân tộc trong cách mạng Việt Nam.
Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) đến tháng 8/1945, Đảng đã tập hợp được khối lực lượng quần chúng đông đảo và tích cực chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ đến, kịp thời lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn trong Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động về sự nhạy bén, bản lĩnh và tài nghệ lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo. Nghệ thuật đó biểu hiện tập trung trong việc dự đoán xu thế phát triển của tình hình và xác định đúng thời điểm phát xít Nhật đầu hàng để phát động Tổng khởi nghĩa. Việc chọn đúng thời điểm kêu gọi toàn dân Tổng khởi nghĩa xuất phát từ thực lực của cách mạng Việt Nam, từ tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” và sự nhạy bén, kịp thời nắm lấy thời cơ.
Tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, đặc biệt ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh và các văn kiện khác của Đảng đã trở thành hiện thực đấu tranh, khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả bằng thắng lợi vĩ đại, toàn diện và triệt để của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và sau đó là Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) ghi nhận sự trở lại tương đồng với những quan điểm đúng đắn trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt trên những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên hết. Sự trở lại tương đồng đó không hoàn toàn dễ dàng. Để có bước phát triển mới trong nhận thức lý luận và chỉ đạo thực tiễn, Đảng đã phải vượt qua những rào cản "tả" khuynh, biệt phái đã có từ giai đoạn trước. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ - "tả" khuynh, giáo điều, biệt phái, cô lập…, và cái mới - sáng tạo, mềm dẻo, đoàn kết để giành thắng lợi, trong đường lối của Đảng khi đó diễn ra cả trong nội bộ Đảng (thể hiện qua những văn kiện Đảng), cả trên những diễn đàn công khai (qua báo chí cách mạng). Cuộc "mổ xẻ" đổi mới để phát triển này có thể đánh giá là sâu sắc - kể cả ở cấp lãnh đạo cao nhất.
* ĐƯỜNG LỐI SÁNG TẠO TIẾN HÀNH SONG SONG HAI CHIẾN LƯỢC CÁCH MẠNG
Sau tháng 7/1954, tình hình đất nước có nhiều biến đổi nhanh chóng và phức tạp. Lịch sử đặt ra yêu cầu Đảng ta có một đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên phù hợp với tình hình mới và xu thế vận động của thời đại. Bước chuyển lớn từ chủ trương đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève sang đấu tranh vũ trang có thể coi bắt đầu từ bản dự thảo Đường lối cách mạng miền Nam do Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn khởi thảo và được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ tháng 12/1956.
Đường lối cách mạng miền Nam chỉ rõ:
Để chống lại sự thống trị độc tài phát xít hiếu chiến của Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam chỉ còn con đường cách mạng cứu nước và tự cứu mình, ngoài ra không còn con đường nào khác.
Đây là văn kiện quan trọng, trực tiếp góp phần hình thành đường lối cách mạng ở miền Nam của Đảng trong Hội nghị Trung ương 15. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1/1959) đã khẳng định: “... con đường đấu tranh vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đề quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam; Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân...”.
Đảng đã bám sát thực tiễn để kịp thời có những quyết sách chỉ đạo mang tính chiến lược kịp thời và đúng đắn. Khi địch quyết tàn sát những người cách mạng, chúng ta không thể ngây thơ và ảo tưởng vào việc chỉ dùng những biện pháp đấu tranh hòa bình, không đấu tranh vũ trang. Thực tiễn máu lửa ở miền Nam những năm 1954-1960 đã chứng minh điều đó.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 ra đời chẳng những đáp ứng nhu cầu lịch sử, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, vượt qua giai đoạn đen tối mà còn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ của Đảng. Nó thể hiện sự trưởng thành của Đảng cả về lý luận và thực tiễn về đường lối và phương pháp cách mạng, đồng thời thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của Đảng - vừa mềm dẻo phù hợp với tình hình quốc tế, giữ nguyên tính pháp lý của Hiệp định Genève, vừa độc lập, tự chủ, sáng tạo, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và quần chúng đang đấu tranh quyết liệt với Mỹ - Diệm. Nghị quyết này tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam, hiện rõ qua cao trào Đồng khởi rầm rộ khắp miền Nam từ đầu năm 1960.
Tình hình ở hai miền đã phát triển theo hai hướng khác nhau với những nhiệm vụ cách mạng cụ thể khác nhau. Từ tháng 12/1957, tại Hội nghị Trung ương 13, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến việc đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Hai nhiệm vụ cách mạng nói trên đều quan trọng, coi nhẹ một nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm.
Điều này được chính thức khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960). Trong Diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà” (Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 673).
Đại hội III xác định nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới:
- Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
- Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
Hai miền Nam, Bắc thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau song cùng hướng đến mục tiêu chung là: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc lựa chọn một quyết sách đúng đắn, phù hợp cho cách mạng Việt Nam lúc đó không phải dễ dàng. Giai đoạn cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, Việt Nam không phải đất nước duy nhất bị chia cắt thành hai miền. Trước đó và cùng với Việt Nam có Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Triều Tiên. Trong xu thế tạm thời hòa hoãn giữa hai “phe”, người ta hay nói đến “thi đua hòa bình”, “trường kỳ mai phục” mà ít nói đến đấu tranh vũ trang, thống nhất hai miền.
Đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền thể hiện ý chí độc lập thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, là điều đột phá, chưa có tiền lệ, bất chấp âm mưu chia cắt, những toan tính của các thế lực khác đằng sau cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhân dân ta kiên quyết thực hiện trọn vẹn sự nghiệp cách mạng của mình mặc dù tình hình không cho phép hai miền cùng thực hiện một nhiệm vụ cách mạng. Trong bối cảnh khá phức tạp lúc đó, Đảng đã đánh giá đúng tình hình và đề ra những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với mỗi miền dựa trên sự nhận thức và phân tích đúng những mâu thuẫn, xác định đúng lực lượng và đối tượng cách mạng cũng như phương pháp tiến hành đấu tranh.
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một - chân lý đó không bao giờ thay đổi. Đây cũng chính là điểm mấu chốt định rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Cách mạng miền Nam là bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng dân tộc.
Đây là quan điểm nền tảng, là điểm xuất phát để Đảng đề ra những quyết sách cụ thể, phù hợp với sự vận động biến đổi của tình hình trong từng giai đoạn. Hai chiến lược cách mạng không tách rời mà liên quan mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau.
Việc đề ra và thực hiện nhất quán, liên tục đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trước tiên đã tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc về mặt tư tưởng về con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Những luận điểm về tính liên tục của cách mạng, về sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của chủ nghĩa Marx-Lenin đã được Đảng hiện thực hóa trong thực tiễn cách mạng Việt Nam với sự vận dụng sáng tạo và phù hợp.
Việc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng đã tạo ra những điều kiện để cách mạng hai miền có những điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, mở đường cho sự hỗ trợ, chi viện của miền Bắc với cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Những bước đột phá đầu tiên chi viện cho miền Nam đang thiếu người, thiếu súng đã được xúc tiến ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 ra đời với hai đoàn công tác đặc biệt 559 trên bộ và 759 trên biển. Sau này, hai tuyến đường do hai đoàn công tác đặc biệt này mở đã phát triển lên thành hai tuyến đường huyền thoại - được coi như biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh trên bộ và Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn, chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam ngay cả trong những năm miền Bắc bị đánh phá ác liệt. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam vừa trực tiếp đánh bại những chiến lược, chiến thuật của Mỹ và tay sai áp dụng trên chiến trường, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và Đông Dương, vừa có tác dụng bảo vệ miền Bắc.
Đường lối đúng đắn của Đảng đã dẫn dắt toàn quân, toàn dân ta chiến thắng kẻ thù mạnh về lực lượng vật chất; lấy tinh thần quyết chiến và trí tuệ sáng tạo của mình để chiến thắng trang bị kỹ thuật hiện đại của đối phương. Đó là “nghệ thuật biết thắng từng bước” để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; đánh địch trên mọi mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa… bằng nhiều mũi tiến công: quân sự, chính trị, địch vận...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Trung ương Đảng đã chọn hướng tấn công bất ngờ, nắm bắt nhanh diễn biến chiến trường và khi thời cơ xuất hiện đã kịp thời quyết tâm tận dụng và thúc đẩy thời cơ phát triển với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”, với phương châm “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”, nhanh chóng kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
* ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐÚNG ĐẮN SÁNG TẠO
Sau tháng 4/1975, cả dân tộc bước vào giai đoạn lịch sử mới với tâm trạng phấn khởi, tự tin. Bước ra từ vầng hào quang thắng lợi của cuộc chiến tranh với khí thế “ào ào xốc tới”, “một ngày bằng hai mươi năm”, tưởng chừng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là có thể xây dựng thành công “nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1976) đã kỳ vọng vào “khả năng” đó.
Sự nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến ý muốn chủ quan: đưa quan hệ sản xuất phát triển trước lực lượng sản xuất, “kéo” lực lượng sản xuất phát triển theo. Hệ quả của tư duy này là đẩy nhanh việc thực hiện cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tập thể hóa nông nghiệp ở miền Nam một cách ồ ạt, vội vã ngay sau ngày giải phóng. Kết quả thu được lại ngược với mong muốn. Mô hình, cơ cấu kinh tế không phù hợp được đặt trên cái nền sản xuất xã hội nghèo nàn lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã dẫn Việt Nam đến cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc.
"Trong giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng hằng năm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 1,4% và tổng thu nhập quốc dân (GNI) chỉ tăng 0,4% khi tốc độ tăng dân số hằng năm là 2,24%. Chỉ số giá tiêu dùng so sánh giữa tháng 12 của các năm cho thấy một tốc độ lạm phát phi mã: Năm 1986 tăng 874,7%, năm 1987 tăng 323,1%, năm 1988 tăng 449,4%... Nhiều chỉ tiêu đầy tham vọng của kế hoạch 5 năm 1976-1980 thực hiện không đạt. Đáng chú ý nhất là chỉ tiêu về sản lượng lương thực: Kế hoạch đề ra là 21 triệu tấn, chỉ đạt 11,6 triệu tấn, gần bằng mức năm 1976; sản lượng thóc bình quân đầu người giảm từ 211 kg năm 1976 xuống 157 kg năm 1980". (Đổi mới ở Việt Nam nhớ lại và suy ngẫm - Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn (Chủ biên) - Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 387-389).
Tuy nhiên, nhìn toàn cục, nguyên nhân sâu xa hơn, nguyên nhân của các nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức. Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng những năm cuối thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX diễn ra ở Việt Nam bắt nguồn từ trở lực trong nhận thức về những nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế cũ như chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (nhất là đất đai), về lao động tập thể, độc quyền của nhà nước về thương nghiệp và giá cả; về kế hoạch hóa tập trung; về quan niệm rằng tư bản là bóc lột, là đối lập với chủ nghĩa xã hội - mà kinh tế thị trường thì sản sinh ra chủ nghĩa tư bản… Tư duy cũ mòn cùng thói quen ỷ lại vì được bao cấp đã hình thành lâu năm càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng này đặt Đảng Cộng sản Việt Nam trước nhiệm vụ lịch sử hệ trọng và khó khăn: Phải tạo được bước ngoặt sửa sai cơ bản từ đường lối chính sách, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và cả với tổng thể đường lối để đứng vững và phát triển.
Trong bối cảnh trên thế giới cùng diễn ra nhiều cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu và ở Trung Quốc đã diễn ra trước đó (từ năm 1978) vẫn còn đang tiếp tục, công cuộc Đổi mới ở Việt Nam diễn ra như một tất yếu, từ cả hai chiều: từ “dưới” lên và từ “trên” xuống. Ở tất cả những nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc này đều hiện rõ những bất ổn của mô hình chủ nghĩa xã hội đã xây dựng; những biểu hiện trì trệ, khủng hoảng báo hiệu nguy cơ sụp đổ đang hiện hữu rất gần. Cũng như các nước này, Đổi mới ở Việt Nam xuất phát từ những đòi hỏi của các nguyên nhân nội tại từ bên trong.
Đảng Cộng sản Việt Nam có tham khảo bài học của các chính Đảng ở các nước này song không áp dụng máy móc, cũng không có “cú hích” từ bên ngoài, mà chính những khó khăn, bế tắc buộc các cơ sở phải trăn trở tìm lối thoát, phải “bung ra” để tự cứu.
Ở tầm vĩ mô, sau nhiều cố gắng cải thiện mô hình cũ với nhiều phong trào, nhiều chiến dịch, giương lên nhiều “lá cờ” cả trong kinh tế và trên lĩnh vực tư tưởng mà không có kết quả, tình hình ngày càng bế tắc. Những bộ óc thực tế (và cũng giàu kinh nghiệm thực tiễn) nhận ra rằng không thể tiếp tục duy ý chí. Ở các cấp thấp hơn, cán bộ, nhân dân một số địa phương đã tìm cách “xé rào”, lách qua những khe hở của thể chế hiện hành để hoạt động kinh tế có hiệu quả hơn.
Sau một thời gian (từ năm 1979 đến năm 1986), thực tiễn ở cơ sở chứng minh rằng cần thiết và có thể đổi mới toàn diện, từ đó tạo nên bước chuyển biến quyết định trong tư duy lãnh đạo từ những người giữ cương vị cao nhất của Đảng - đánh dấu chính thức từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986).
Chính thực tiễn đổi mới sinh động ở các cơ sở, các địa phương đã cung cấp tư liệu cho việc hình thành đường lối Đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ những tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn đã tiến đến những bước tháo gỡ lớn về tư duy kinh tế. Nhiều quan điểm bảo thủ, xơ cứng, những định kiến và ngộ nhận về kinh tế hàng hóa, về tư sản, về bóc lột đã lùi bước trước cái nhìn thực tế và tự tin hơn về kinh tế thị trường, về hợp tác đa phương và hội nhập, về một sự “cộng sinh” giữa các thành phần kinh tế trong môi trường kinh tế mới.
Công cuộc Đổi mới đã trải qua nhiều bước đột phá có hệ thống:
- Bước đột phá khai mở chấp nhận kinh tế tư hữu và thị trường tự do tồn tại bên cạnh và đồng hành với “thị trường có tổ chức” từ năm 1979 với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IV).
- Bước đột phá chuyển hẳn sang chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước và đổi mới tổng thể chính sách kinh tế từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12/1986).
- Hoàn thiện chính sách kinh tế mới, chấm dứt chế độ thống nhất quản lý thu mua phân phối cũ, chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với Nghị quyết Trung ương 6, Khóa VI (1989).
Đến cuối nhiệm kỳ thứ VI Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), đường lối Đổi mới ở Việt Nam đã định hình tương đối rõ nét. Đó là quá trình khai mở đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, tự chủ mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, từng bước hội nhập kinh tế thế giới và khu vực…
Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến này là một quá trình sáng tạo liên tục “vừa xóa bỏ cái cũ, vừa xây dựng cái mới từ gốc đến ngọn. Phải tạo ra cả lực lượng sản xuất mới lẫn quan hệ sản xuất mới; tạo ra cơ sở kinh tế mới lẫn kiến trúc thượng tầng mới; tạo ra cả đời sống vật chất mới lẫn đời sống tinh thần và văn hóa mới.” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.508).
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII
Năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc rồi trở thành đảng cầm quyền, trước hết và cơ bản nhất là năng lực tìm tòi, sáng tạo để xác lập đường lối, chính sách đúng đắn giải phóng và phát triển đất nước.
Trong điều kiện thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô lớn, tốc độ nhanh và chưa từng có tiền lệ, với những đột phá về công nghệ, tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia thì đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/2021) tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát huy sức mạnh dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Để hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đổi mới sáng tạo. Đối với đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu, Đảng đề ra yêu cầu “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.
Đổi mới sáng tạo phải tiến hành đồng bộ cả tư duy và hành động, “đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ” (Trường Chinh. Đổi mới chính là đòi hỏi bức thiết của đất nước, của thời đại, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.66). Những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống, thể hiện xu thế đổi mới tiến bộ trong bối cảnh mới đang tạo ra khả năng sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của Đảng.
Nguồn: Nhân dân
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352543-nhung-dau-moc--sang-tao-doi-moi-cua-dang