Những dè dặt về vaccine ngừa Covid-19 của Nga Những dè dặt về vaccine ngừa Covid-19 của Nga
Việc thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga chỉ tiến hành trong thời gian ngắn ngủi là hai tháng trên 38 người. Nhiều nhà khoa học quốc tế tỏ ra lo ngại về việc Nga cho triển khai rộng rãi vaccine Sputnik V. Họ cho rằng việc làm này là 'quá vội vã' vì có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe người được tiêm ngừa.
Hôm qua 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố ông đã chấp thuận cho sử dụng loại vaccine mới - đặt tên là Sputnik V - trên diện rộng ở Nga để chống lây nhiễm Covid-19. Loại vaccine này do Nga vừa mới bào chế thành công và có hiệu lực phòng ngừa trong thời gian hai năm. Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đưa ra sử dụng rộng rãi trên quy mô một quốc gia. Ông Putin cũng cho biết đã có 20 nước đặt hàng mua 1 tỉ liều vaccine này của Nga.
Phía Nga cũng nhìn nhận rằng họ chỉ tiến hành thử nghiệm vaccine Sputnik V ở hai giai đoạn đầu, bỏ qua giai đoạn III của quy trình thử nghiệm. Việc thử nghiệm vaccine chỉ tiến hành trong thời gian ngắn ngủi là hai tháng và chỉ thử nghiệm trên 38 người. Nga cho biết họ cũng có dự định thử nghiệm giai đoạn III trên 1.600 người. Tính đến đầu tháng 8-2020, Nga đang có 898.000 ca nhiễm Covid-19 và số tử vong là 15.131 người.
Hôm qua, nhiều nhà khoa học quốc tế đã tỏ ra lo ngại việc Nga cho triển khai rộng rãi vaccine Sputnik V. Họ cho rằng việc làm này là “quá vội vã” vì có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe người dùng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng bày tỏ sự quan ngại về việc Nga triển khai rộng rãi vaccine Sputnik V. WHO khuyến nghị Nga nên tuân thủ đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa ra sử dụng. Bởi, việc triển khai trên quy mô toàn quốc một loại vaccine mới chưa qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng sẽ là “lợi bất cập hại” vì có thể gây ra những tác dụng xấu đến sức khỏe người dùng. Đồng thời, nó sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý “an toàn giả tạo” cho người dân, làm họ lơ là và chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Theo quy định của Cơ quan Kiểm soát và Phòng dịch Hoa Kỳ (USCDC) cũng như của những cơ quan y tế các nước thì vaccine phải tuân thủ nghiêm nhặt các giai đoạn thử nghiệm I, II và III, mỗi giai đoạn kéo dài nhiều tháng liền, có khi mất cả năm trời.
Giai đoạn I: Thử nghiệm trên các nhóm người tình nguyện trong độ tuổi từ 18-55, có sức khỏe tốt, mỗi nhóm từ 20 - 80 người.
Giai đoạn II: Sau khi vaccin đã chứng tỏ có hiệu quả, sẽ thử nghiệm trên số lượng người tình nguyện nhiều hơn, khoảng vài trăm người.
Giai đoạn III: Thử nghiệm trên số lượng người tình nguyện lớn hơn, khoảng từ vài ngàn đến 100.000 người.
Nếu vaccine chứng tỏ là an toàn, không gây ra tác dụng phụ nào nguy hại thì sẽ được Bộ Y tế hoặc cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia chuẩn thuận cho sản xuất quy mô lớn và đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Việc nghiên cứu sản xuất một loại vaccine mới tốn rất nhiều thời gian và công sức, chi phí rất lớn và hoàn toàn không thể "đi tắt đón đầu" bỏ qua giai đoạn nào . Hiện đã có hơn 165 công trình nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 của các nước, nhưng chưa có loại vaccine nào có thể đưa ra sản xuất thương mại vì chưa qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Sau khi một hãng dược hoặc viện nghiên cứu tìm ra công thức phù hợp, vaccine phải được thử nghiệm trên mô tế bào người và trên động vật (chuột, khỉ) trong thời gian từ 1-2 năm. Nếu kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine rõ ràng có hiệu lực phòng ngừa lây nhiễm virus và kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể diệt virus thì sẽ tiến hành các giai đoạn sau.
Các cơ quan chức năng này cũng sẽ thực hiện những thử nghiệm của riêng họ để kiểm chứng hiệu lực hoặc tác dụng phụ của vaccine. Đặc biệt, vấn đề an toàn của vaccine rất được chú trọng, có khi trong các giai đoạn thử nghiệm thì thấy không có vấn đề gì, nhưng khi triển khai sử dụng rộng rãi trên quy mô dân số lớn thì lại phát sinh những tác dụng phụ bất lợi cũng như gây ra những hệ quả tiềm ẩn có hại cho sức khỏe con người.
Tổng hợp từ New York Times, CDC, Dailymail
Thiện Khang