Những đề xuất, tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước
Ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Đảng ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương, để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính đất nước. Nhân 70 năm Ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương về sự ra đời và đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phóng viên (PV): Là đơn vị tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính của đất nước, giúp đất nước không ngừng phát triển, đồng chí có thể phác thảo đôi nét về thành tựu nổi bật của Ban Kinh tế Trung ương trong suốt 70 năm qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Đảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương là nghiên cứu và đề nghị mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính.
70 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trong từng giai đoạn. Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình định hình, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa-mô hình tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
PV: Sự ra đời của Ban Kinh tế Trung ương khi ấy được coi là bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và được ví là “đòn bẩy” để kinh tế đất nước phát triển, bởi thời điểm đó, nền kinh tế đất nước đang rất khó khăn, đồng chí nghĩ sao về điều này?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Nếu ngược dòng lịch sử, trong những năm đầu mới thành lập, bối cảnh đất nước lúc đó đang trong thời chiến, tình hình phát triển kinh tế-xã hội gặp vô vàn khó khăn. Từ cơ sở xác định nông nghiệp là nền tảng cho kinh tế kháng chiến và khôi phục phát triển kinh tế sau kháng chiến, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Trung ương Đảng thực hiện triệt để giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Chủ trương này đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, tạo động lực để huy động kịp thời, đầy đủ sức người, sức của phục vụ kháng chiến thành công, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế đất nước phục hồi nhanh sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Nền kinh tế miền Bắc được phục hồi vượt mức cao nhất dưới thời Pháp thuộc cho đến năm 1957. Những năm sau đó, Ban Kinh tế Trung ương đã cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả của kế hoạch 3 năm (1958-1960) đã giúp miền Bắc có những cơ sở công nghiệp quan trọng đầu tiên. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương còn chủ động tham gia nghiên cứu xây dựng đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Những chính sách này đã góp phần làm thay đổi về chất nền kinh tế nước ta. Hàng loạt các nhà máy công nghiệp cơ bản ở miền Bắc được hình thành trong thời kỳ này. Dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng kinh tế miền Bắc vẫn bảo đảm sản xuất, chiến đấu, bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhân lực, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Khẩu hiệu: “Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã góp phần thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi đất nước thống nhất, nền kinh tế sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam làm kiệt quệ nền kinh tế. Điều kiện môi trường quốc tế lúc đó cũng còn nhiều bất lợi, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em giảm sút, đất nước bị bao vây cấm vận, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từng bước tan rã. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; các cơ chế quản lý kinh tế trong thời chiến đã bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm sức sản xuất phát triển, lưu thông, phân phối trì trệ.
Trước tình hình đó, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động bám sát, phân tích thực tiễn, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta để đề xuất các chủ trương, chính sách có ý nghĩa đột phá nhằm nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ, phục hồi lại sức sản xuất. Từ những phát hiện trong thực tiễn cuộc sống, sau khi đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, Ban Kinh tế Trung ương đã kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 về "Cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp". Đây được xem là một bước đột phá lớn về tư duy. Quyết sách này góp phần thay đổi nhanh chóng, sâu sắc diện mạo nông nghiệp, nông thôn; đồng thời khích lệ những thử nghiệm đổi mới cơ chế quản lý ra các lĩnh vực kinh tế khác. Trên cơ sở tổng kết kết quả thí điểm sau đó, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" vào năm 1988. Đây chính là kết quả của quá trình chủ động tìm tòi, học hỏi, đổi mới, và được xem là cột mốc quan trọng, "phát pháo lệnh" mở đầu cho công cuộc đổi mới đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng ta mà đến nay nghị quyết này luôn được nhân dân ta nhắc tới bằng tất cả tình cảm chân thành của mình-với tên gọi “Khoán 10”.
PV: Những tham mưu đúng, trúng của Ban Kinh tế Trung ương đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế đất nước, tạo thế và lực mới của nước ta trên trường quốc tế. Vậy tư duy đổi mới và biện chứng ấy được vận dụng như thế nào vào thực tiễn đất nước ta sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Ban Kinh tế Trung ương luôn đề cao tinh thần đổi mới, biện chứng, không cứng nhắc, giáo điều, nhưng trên lập trường kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng tư tưởng, những giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng sáng tạo, đúng đắn vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta; nhất là cùng các cơ quan liên quan tham mưu cho Đảng thực hiện bước đột phá lớn về tư duy quản lý kinh tế, từ bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước ngoặt lịch sử, mở ra trang sử đổi mới trong sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hình thành và được Đảng ta lựa chọn là mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cùng với đó là các chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới; các chủ trương, giải pháp lớn thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước, chuyển dịch cơ cấu lao động; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, xây dựng và phát triển các định chế tài chính; từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; vấn đề sở hữu; cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách nông-lâm trường quốc doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần; phát triển kinh tế tập thể; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...
Đặc biệt, sau Đại hội XI của Đảng (năm 2011), nước ta chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tình hình trong nước và quốc tế khi đó có nhiều khó khăn, thách thức, cùng những tồn tại, yếu kém trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ từ lâu, những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu (2007-2008) đã đẩy kinh tế của nước ta vào tình thế hết sức nguy kịch, bên bờ vực của khủng hoảng, đổ vỡ. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, lạm phát tăng cao, thị trường tiền tệ chao đảo, hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, các cân đối lớn của nền kinh tế không bảo đảm, thanh khoản sụt giảm mạnh... khiến kinh tế vĩ mô nước ta bất ổn nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Chính phủ, sự đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, lập lại ổn định kinh tế vĩ mô, chặn đứng đà suy giảm kinh tế, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân dần ổn định và được cải thiện không ngừng. Những thành tựu đó không những làm nức lòng nhân dân ta mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình vượt qua khủng hoảng kinh tế-tài chính trong giai đoạn này được các tổ chức quốc tế hàng đầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác thương mại đầu tư xem là những bài học quý báu.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016), nhiều chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội ban hành đóng vai trò nền tảng, lâu dài cho sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như các nghị quyết về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; chính sách đất đai; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường... Cùng với tham mưu các chủ trương, chính sách chung về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương còn chủ trì tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố. Ban đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ là những lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.
PV: Nhiệm vụ phát triển kinh tế trong tình hình mới, nhất là kỷ nguyên số đặt ra rất nhiều thách thức. Vậy Ban Kinh tế Trung ương sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào để luôn là đơn vị tham mưu chiến lược về kinh tế-xã hội của Đảng, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Trong thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tiên phong trong nghiên cứu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng ta về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, trong bối cảnh kỷ nguyên số, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp nối, kế thừa truyền thống vẻ vang của các nhiệm kỳ trước; tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, không ngừng nỗ lực rèn luyện vươn lên, đổi mới, nâng tầm trí tuệ, kết hợp giữa lý luận sắc bén và thực tiễn sâu sát để luôn xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược tin cậy về kinh tế-xã hội của Đảng; chủ động, tích cực trong đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Đồng thời, ban cũng sẽ chủ động trong thực hiện chuyển đổi số, tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trong đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cho quá trình chuyển đổi số của nước ta, nhất là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng xã hội số.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!