Những đêm không có ánh đèn
Tuổi thơ nhiều gian khó đã mang đến cho chúng tôi nhiều bài học đáng quý. Hạnh phúc là hài lòng với những gì mình đang có, hãy làm điều đó trước khi biết ước mơ.
Tôi không tưởng tượng được, nếu như không có điện, mình sẽ sống ra sao giữa lòng Hà Nội đông đúc. Nghĩ đến việc bị nhốt trong bốn bức tường bê tông dày, nóng hầm hập, không có gió điều hòa mát lạnh cũng đủ khiến người ta phát ốm.
Mất điện, đồng nghĩa với việc sóng wifi cũng “nói lời chào tạm biệt”, chiếc điện thoại thông minh sẽ mất đi tính năng giải trí tuyệt vời của nó. Chúng ta sẽ không thể biết được hôm nay trên Facebook nhộn nhịp ra sao?
Nhà hàng, quán café, rạp phim, trung tâm thương mại, hay những khu chợ đêm tấp nập… trong thành phố này, ở đâu có niềm vui, ở đó có những ngọn đèn lấp lánh và bóng dáng của công nghệ. Chúng chính là linh hồn của những đô thị lớn.
Sau chuỗi tháng ngày chẳng màng đến nghỉ phép và bỏ mặc hết lễ lạt sau lưng, tôi rời thành phố, lên chuyến xe quen thuộc để trở về nhà. Người phụ xe đã bước vào tuổi trung niên, mỉm cười với tôi, thay cho lời hỏi thăm “đã lâu không gặp”.
Về quê được mấy hôm, liền gặp cảnh mất điện liên miên. Tôi cáu kỉnh không cần biết lý do người ta thông báo trên loa phát thanh là gì. Không có điện, thời gian trôi thật chậm chạp. Nhưng tôi chợt nhận ra, dù có nổi giận cũng chẳng ích gì. Trời đã vào thu, nhà tôi gần sông nên gió đưa về mát rượi. Ít ra, ở quê cũng hơn trên phố, không có điện, người ta cũng chẳng phải chịu cảnh nóng bức.
Rảnh rỗi, tôi cùng bà chăm mấy luống rau, giàn mướp ra quả muộn, nên sắp sang tháng chín mà vẫn lúc lỉu, quả to, quả bé đu đưa trên cành. Chiều đến, hương bưởi từ ngoài vườn đưa vào thơm nồng. Cây bưởi già bao năm vẫn ở đó, cứ đến Tết mới cho dăm trái, nhưng quả nào cũng căng tròn, vỏ vàng bóng, lấy để bày mâm ngũ quả đúng là hết chê.
Mất điện, nên bà tôi lấy cái nồi gang trên gác bếp ra thổi cơm. Trước kia, khi chưa có nồi cơm điện, ngày nào cả nhà cũng ăn cơm nấu bằng bếp rơm trong cái nồi ấy. Mấy chị em tranh nhau ăn cháy chấm với nước thịt kho, những miếng cháy vàng ruộm giòn khôm khốp và thơm mùi gạo mới.
Cả nhà trải chiếu, ăn cơm dưới mái hiên cho mát. Mùi đất ẩm và lá khô mục ngai ngái, đưa vào theo từng cơn gió nhẹ khiến tôi thấy lòng mình dịu lại. Khôn lớn, rồi đi xa, tôi đã đến bao nơi, nhưng nhiều khi quên mất phải trở về nhà.
Xong bữa, bà và tôi vẫn ngồi ngoài hiên, nhâm nhi chén nước chè. Bà tôi ít khi uống chè xanh. Cứ đến Tết Đoan ngọ, bà lại hái những thứ là quen thuộc quanh vườn như lá hương nhu, lá nếp, ngải cứu, đinh lăng… phơi khô hãm nước uống dần. Chén nước chè của bà có mùi thơm của lá khô, mới uống hơn đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt xuống cổ thì ngọt hậu.
Tôi còn nhớ, ngày bé ở quê mất điện nhiều lắm. Một tuần có bảy ngày thì phải mất điện đến năm hôm.
Mất điện, tôi lại lôi mấy quyển sách cũ của dì út ra đọc. Dì tôi thích tiểu thuyết tình cảm, những quyển sách dày, nặng trĩu tay. Bình thường đọc được mấy trang là tôi thấy chán, tìm ngay trò gì đó để chơi, hoặc bật tivi lên xem. Nhưng khi không có phim về Hercules để xem thì lấy Thần thoại Hy Lạp ra đọc cho đỡ tò mò cũng hay ra phết.
Chẳng được xem phim hoạt hình, trẻ con trong xóm lại rủ nhau đi chơi từ sáng đến chiều. Chơi đồ hàng, hay chơi trốn tìm chán, mấy đứa ra bờ ao thi ném đá thia lia. Có động, bầy cá quẫy tung cả đám bèo mới kết. Chơi mãi cũng thấy nhàm, chúng tôi rủ nhau đi bắt cào cào, bán cho mấy người thích chơi chim cảnh trong xóm, để lấy chút tiền lẻ mua kem hay mua kẹo mạch nha ăn.
Ngày tôi còn bé, lũ trẻ ở quê chủ yếu mua kem trên những xe bán dạo dọc đường. Người bán hàng tự chế một chiếc còi từ vỏ chai nước rửa bát cũ. Cứ nghe thấy tiếng “tuýt tuýt” quen thuộc cùng tiếng rao: “Ai kem đây!”, là đám con nít bỏ cả guốc dép, cuống quýt chạy theo người bán hàng rong.
Bắt đom đóm là một trong những trò giải khuây mà chúng tôi ưa thích. Cả bầy đom đóm túa ra, giơ tay lên vơ đại cũng được vài con. Nhưng khi bắt được chúng rồi, mấy đứa lại cãi nhau vì không có gì để đựng. Bị đám trẻ con vần vò một lúc, mấy con đom đóm chẳng còn sức mà bay, cái bụng của chúng cũng thôi lập lòe phát sáng.
Trời đã khuya mà nhà cửa vẫn tối thui. Tôi mở cửa sổ nhìn ra ngoài sân, trăng giữa tháng vẫn sáng vằng vặc. Ngồi buồn, tôi nhớ đến đám bạn thuở nhỏ. Lần cuối cùng chúng tôi ngồi cùng nhau chắc cũng mấy năm rồi. Ở xa quê cả nghìn cây số, đôi lúc rời xa màn hình máy tính, bỏ chiếc điện thoại sang một bên, chúng có nhớ về ngày xửa ngày xưa như tôi không nhỉ?
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-dem-khong-co-anh-den-post992929.html