Những địa điểm không thể bỏ qua khi khám phá Cà Mau
Nếu có dịp du lịch Cà Mau, du khách không thể không khám phá những điểm tham quan nơi cuối miền cực Nam của Tổ quốc.
1.Vườn chim giữa lòng thành phố
Vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành ở giữa lòng TP.Cà Mau. Vườn chim với hơn 7.535 cá thể sinh sống, đó là kết quả dẫn dụ hàng ngàn con chim trong tự nhiên về sinh sống. Vườn chim là địa điểm tham quan độc đáo đã trở thành tài sản, niềm tự hào và đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Cà Mau.
Được hình thành từ năm 1995 cho đến nay, vườn chim đã được chăm sóc, duy trì, bảo tồn… UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 2018 – 2020”.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, môi trường sinh thái vườn chim được phục hồi, các chỉ số ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí dần được kiểm soát; số loài và số cá thể chim tăng so với năm 2018 (số loài tăng 2%, số cá thể tăng 14,1%), hệ thống cây xanh, thảm thực vật phát triển khá tốt, mật độ cây xanh và độ che phủ có tăng…
Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, việc phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần đạt được hiệu quả về kinh tế thông qua việc tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo để thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.
Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tiếp tục đề ra nội dung và giải pháp thực hiện bảo tồn, phát triển vườn chim giai đoạn 2021 – 2025 nhằm bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, duy trì và phát triển bền vững vườn chim, không làm ảnh hưởng xấu đến dân cư đang sinh sống lân cận.
Ngày 29/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Quyết định số 2491/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phảt triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” giai đọạn 2021 - 2025”.
2.Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc, cách TP.Cà Mau khoảng 50 km, cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía tây Bán đảo Cà Mau (thuộc địa phận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển.
Nhìn trên bản đồ, Hòn Đá bạc như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển phía tây nam Mũi Cà Mau. Hòn Đá Bạc - như tên gọi của nó - xung quanh hòn, trên mặt nước, dưới đáy biển hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người.
Đi trên Hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của Hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân.
Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên. Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải - nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Ngày 20/5/1995, cá Ông dạt vào khu vực cửa sông Ông Đốc. Khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), ngư dân Sông Đốc đem chôn. Đến năm 1996, ngư dân đưa bộ xương về Hòn Đá Bạc để thờ cúng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn Hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12, đánh bại âm mưu nhập biên phá hoại, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích: Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng Tượng đài chiến thắng CM12, Nhà truyền thống, đền thờ Bác Hồ tại khu di tích nổi tiếng này.
3.Đầm Thị Tường
Cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km về phía Nam, Đầm Thị Tường là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng”. Đầm Thị Tường là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi tới thăm tỉnh Cà Mau.
Theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại xa xưa thời khai hoang, mở đất nơi này có một người phụ nữ tên là Tường, bà vốn gan dạ quả cảm có công xua đuổi hổ dữ. Ghi nhớ công đức của bà bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên đầm, người ta lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức bà Tường).
Đầm Thị Tường thuộc địa phận 3 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân của tỉnh Cà Mau. Đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác. Đầm Thị Tường dài 12 km, chỗ rộng nhất 2 km, chỗ sâu nhất 1,5m, thông ra Vịnh Thái Lan. Đầm gồm 3 đầm chính: Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới, trong đó Đầm Giữa là đầm lớn nhất.
Đầm Thị Tường có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú, vì thế người dân sống quan đầm bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7m đến 1,5m, người dân cũng nương theo đó mà tận dụng đánh bắt các loại thủy hải sản.
Ở đây, ngoài Hợp tác xã Đầm Thị Tường còn có vài hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống theo kiểu du lịch cộng đồng. Du khách có thể trải nghiệm, hòa nhập vào đời sống dân dã của người dân địa phương như chài lưới, câu, đó, bao chà bắt cá… và tự mình chế biến món ăn.
Đi tham quan đầm, chiếc thuyền máy xẻ dòng nước lướt nhẹ trên mặt đầm sóng sánh nước, du khách vừa tận hưởng những luồng gió mát rượi vừa phóng tầm mắt quan sát mọi góc đẹp, cảnh quan của đầm. Trên mặt đầm có những căn nhà sàn chồi lá của người dân địa phương nuôi sò huyết cùng với bóng dáng của những hàng dừa nước xanh um đu đưa trong gió bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của đầm.
Đến với đầm Thị Tường, du khách còn được tham qua khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước để tìm hiểu về quá trình hoạt động gian khổ, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 11/6/2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
4.Công viên Văn hóa Du lịch mũi Cà Mau
Khi đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm du lịch Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến.
Đến đây du khách được tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ, …
Hay đi bộ lên những tầng cao tại công trình Cột Cờ Hà Nội để ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, Biển Đông rộng lớn, cụm đảo hòn khoai ẩn hiện từ phía xa. Cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được.