Những địa phương hút vốn ngoại hàng tỷ USD đầu năm 2024
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, có 8 các địa phương trên cả nước thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành. Vốn đầu tư thường tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như: cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư... như là Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên. Riêng 10 địa phương này đã 79,5% số dự án mới và 78,6% số vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2024.
Trong đó có 8 các địa phương trên cả nước thu hút vốn FDI đạt trên mốc 1 tỷ USD, bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.
Số liệu thống kê đến hết tháng 7/2024, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận đầu tư ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng.
Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu cả nước do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, đến hết tháng 7/2023, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút mới 244 dự án FDI (tăng 75,5% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký 1,102 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 157 dự án; Hong Kong (Trung Quốc) 30 dự án; Singapore 23 dự án.
Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 77 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 1,526 tỷ USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 26 lượt với 29,3 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.347 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt 27,673 tỷ USD. Ngoài ra, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút hơn 1,56 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Quảng Ninh đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI, sau Bắc Ninh.
Các nhà đầu tư FDI đang thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh đã tiếp tục mở rộng, đầu tư các dự án mới. Nổi bật là Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót 551 triệu USD vào 02 dự án mới, cho thấy sự tin tưởng của Tập đoàn với môi trường đầu tư của địa phương. Cùng với 2 dự án đầu tư lần này, Foxconn đã có 5 dự án tại tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
TP HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Nếu xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, chiếm 38,8% và góp vốn mua cổ phần, chiếm gần 71,5% tổng số dự án.
Cũng ghi nhận mức thu hút FDI trên 1 tỷ USD, Bà Rịa – Vũng Tàu đón tổng vốn đăng ký đầu tư vào địa phương này đạt 1,54 tỷ USD sau 7 tháng đầu năm. Trước đó, 5 tháng đầu năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ.
Hà Nội thu hút 1,38 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng đầu năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.
Theo Tổng cục Thống kê Hải Phòng, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/7/2024 đạt 1,37 tỷ USD. Trong đó, cấp mới 68 dự án với số vốn cấp mới là 402,63 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 38 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 564,69 triệu USD. Tính đến 20/7/2024 Hải Phòng có 975 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,65 tỷ USD.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến hết ngày 31/7, đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh thu hút được thêm 70,2 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đã thu hút được 1,07 tỷ USD, trong đó có 110 dự án đầu tư mới với 487 triệu USD, 81 dự án điều chỉnh tăng vốn với 566 triệu USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai thu hút được 1,02 tỷ USD vốn FDI, đạt 146% kế hoạch năm, trong đó có 55 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 627 triệu USD và 67 lượt dự án tăng vốn 392 triệu USD.
Các dự án FDI đầu tư mới và tăng vốn vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các ngành sản xuất bán dẫn, cơ khí chế tạo, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… Đây là những dự án phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh Đồng Nai.
Singapore dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 9 dự án, tổng vốn đầu tư gần 232 triệu USD, chiếm gần 37% tổng vốn đầu tư thu hút mới. Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, có 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của một công ty đến từ Hoa Kỳ.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các khu công nghiệp Đồng Nai thu hút một số dự án có quy mô tương đối lớn như: Nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Global Star Việt Nam với vốn đầu tư 33 triệu USD tại KCN Hố Nai; Nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Tata Việt Nam, vốn đầu tư 21 triệu USD tại KCN Nhơn Trạch VI; Dự án Engineered Ceramics của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc tập đoàn của Hoa Kỳ, có vốn đầu tư 15 triệu USD tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, huyện Nhơn Trạch…
Tính lũy kế đến tháng 7/2024, Đồng Nai có trên 1,6 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai đạt gần 35 tỷ USD.
Đón sóng FDI - không chỉ là cuộc đua thứ hạng
Trao đổi với Mekong ASEAN về những định hướng của doanh nghiệp Hàn Quốc trong đầu tư vào Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, doanh nghiệp Hàn Quốc đang chờ đợi việc công bố của nhiều dự án, trong đó có lĩnh vực năng lượng, bán dẫn.
Sự chững lại của vốn đầu tư vào Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đến từ sự thận trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp Hàn vẫn đang than phiền tốc độ thực thi, nổi cộm là giấy phép lao động, thẻ tạm trú và visa.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn điện, hạ tầng để ra quyết định đầu tư. Cùng với đó là vấn đề nguồn nhân lực. Dù lao động phổ thông dồi dào, song một số trung tâm sản xuất công nghiệp vẫn thiếu lao động cơ bản, chưa đề cập đến việc thiếu kỹ sư cao cấp trong nhiều nhà máy.
Với các địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn điểm đến là những tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, chính sách ưu đãi xúc tiến đầu tư năng động,...
"Thời gian tới, dư địa đầu tư vào Việt Nam tương đối lớn, nhất là đối với lĩnh vực bán dẫn và các lĩnh vực tiềm năng khác bao gồm điện khí và đường sắt cao tốc. Chính phủ Việt Nam cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các địa phương cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất đang là những điều kiện cần và đủ để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài," ông Hong Sun cho hay.
Theo góc nhìn của Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt khi các đại phương có quỹ đất lớn, có lợi thế về hạ tầng đã bứt tốc và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, như một lẽ tất yếu.
"Muốn tăng tốc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, địa phương phải tận dụng, phát huy đối đa tiềm lực. Trong nhiều thứ việc phải làm nhằm tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư, theo tôi, các địa phương nên bắt đầu từ xây dựng hạ tầng cơ sở thông thoáng, song hành cùng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đã được phê duyệt," TS. Võ Trí Thành nói với Mekong ASEAN.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong thu hút FDI, mối quan hệ giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thường xuyên được đề cập, song sự liên kết kinh tế thu hút FDI giữa các địa phương cũng là một giải pháp khá mới mẻ nhưng thiết thực và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.
Liên kết hạ tầng vùng, hướng đến hệ thống giao thông thông suốt, kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, "mở đường" cho nhà đầu tư FDI. Liên kết chính sách vùng, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững tránh phân tán nguồn lực cũng như giảm đi khả năng thu hút đầu tư so với tiềm năng của đất nước khi các tỉnh trong vùng thường có sự phát triển kinh tế khá giống nhau.
Tâm niệm đã nhiều lần được TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng, việc tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư đến đâu không chỉ nằm ở khả năng hóa giải những thách thức từ bên ngoài mà quan trọng hơn là ở việc xử lý những vấn đề nội tại bên trong, khai phá thế mạnh, liên kết tiềm năng, để thu hút FDI không chỉ là cuộc đua thứ hạng.