Những địa phương nào thuộc diện thanh tra về quy hoạch xây dựng?
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc thực hiện quy hoạch xây dựng tại 3 Bộ và một số tỉnh, thành phố.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy vừa ký văn bản hướng dẫn thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng gửi các địa phương trên cả nước.
Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập các đoàn thanh tra trực tiếp việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các Bộ: Xây dựng, NN&PTNT, GTVT; các tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Long An và tổ chức liên quan.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến 31/12/2022 (kể từ khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực).
Thanh tra Chính phủ tổng hợp kết quả thanh tra trên toàn quốc, báo cáo Thủ tướng trước 30/3/2024.
Việc thanh tra nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.
Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm.
Nội dung thanh tra là việc ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức về lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.
Thanh tra Chính phủ cũng thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng; việc tổ chức, quản lý và bố trí nguồn lực để lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đối với các địa phương, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung vào các vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không có giải pháp mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội; không lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và phê duyệt quy hoạch chưa phù hợp; quy hoạch không đảm bảo bãi đỗ xe theo quy định…
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ đạo các đoàn thanh tra tập trung trọng tâm các đơn vị không công khai quy hoạch đã được phê duyệt; giấy phép xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết; chủ đầu tư không thực hiện theo giấy phép xây dựng, chậm nộp tiền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch nhưng cơ quan Nhà nước chậm tính tiền sử dụng đất; xây dựng không theo giấy phép được cấp hoặc thiết kế được phê duyệt...
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn.
Rà soát những dự án chậm triển khai, dự án bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, nhằm thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.
Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là căn cứ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị, nông thôn và khu chức năng.
Tuy nhiên hiện nay, việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại một số địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất.