Những điểm chính rút ra từ cuộc tấn công của Israel vào Iran

Cuộc tấn công của Israel vào Iran không chỉ là đòn trả đũa mà còn là minh chứng cho năng lực quân sự tầm xa của Israel. Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran dường như đang phát triển thành một 'bình thường mới'.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (giữa, phải) trong cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv, ngày 26/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (giữa, phải) trong cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv, ngày 26/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Jerusalem Post, Israel vào đêm 25/10 đã tiến hành cuộc không kích chính xác vào Iran, nhắm đến các mục tiêu quân sự quan trọng. Cuộc tấn công kết thúc trước khi mặt trời mọc tại Tehran. Động thái này diễn ra nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel hồi đầu tháng 10, và nhằm ngăn chặn các mối đe dọa mà Israel cho là trực tiếp đối với an ninh quốc gia.

Vậy, những vấn đề rút ra từ cuộc tấn công mới nhất là gì và chúng có tác động ra sao đối với tình hình khu vực?

Iran hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tấn công

Ngay sau cuộc tấn công, truyền thông nhà nước Iran tuyên bố rằng nước này không bị ảnh hưởng đáng kể. Trên các kênh Telegram ủng hộ Iran, nhiều video được phát tán cho thấy người dân vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật, như ngồi uống trà trên mái nhà mà không lo lắng. Điều này đối lập với Israel, nơi mà cuộc tấn công của Iran vào ngày 1/10 với khoảng 180 tên lửa đã buộc cả nước phải trú ẩn trong gần một giờ.

Tuy vậy, có thể thấy rằng mục tiêu của Iran là thể hiện sự ổn định và khả năng bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Hình ảnh "tình hình bình thường" có thể là một chiến lược nhằm chứng minh rằng nước này không bị sức ép trước sức mạnh quân sự từ Israel, dù thực tế có thể khác đi.

Israel phô diễn khả năng tấn công tầm xa

Cuộc tấn công của Israel vào Iran không chỉ là đòn trả đũa mà còn là minh chứng cho năng lực quân sự tầm xa của Israel. Sử dụng các máy bay hiện đại như F-15 và F-35, Israel đã thể hiện khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa với độ chính xác cao, một kết quả của nhiều năm chuẩn bị và kinh nghiệm chiến đấu.

Điều này không phải là điều mới lạ, vì Israel từng tiến hành các cuộc không kích tương tự vào lực lượng Houthis ở Yemen. Những cuộc tấn công này không chỉ là đòn trả đũa đơn thuần, mà còn gửi thông điệp rằng Israel có thể thực hiện những chiến dịch quân sự phức tạp và kéo dài ở những khu vực xa xôi, mà không phải lo lắng về khả năng bị đáp trả ngay lập tức.

Hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Israel

Một điểm đáng chú ý trong cuộc tấn công của Israel là sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Theo nhiều báo cáo, Israel đã thông báo trước với Mỹ về kế hoạch không kích, điều này đánh dấu sự thay đổi so với những lần trước đây. Mỹ không chỉ cung cấp thông tin tình báo mà còn hỗ trợ Israel bằng việc triển khai hệ thống phòng không THAAD và các phương tiện không quân khác đến khu vực.

Việc Israel hợp tác với Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ trong những năm gần đây đã thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực quân sự. Điều này không chỉ giúp củng cố khả năng phòng thủ của Israel mà còn tạo ra một cơ chế trao đổi thông tin và chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.

Leo thang căng thẳng hay bình thường mới?

Các cuộc tấn công "ăn miếng, trả miếng" giữa Israel và Iran đã dẫn đến câu hỏi liệu đối đầu trực tiếp giữa hai nước có trở thành "bình thường mới" hay không. Sự leo thang liên tiếp trong những tháng gần đây đã phá vỡ "quy tắc ngầm" về việc tấn công trực tiếp. Cả hai quốc gia dường như đang tin rằng họ có thể quản lý cuộc xung đột một cách có kiểm soát, tránh việc leo thang đến mức dẫn đến một cuộc chiến toàn diện.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người lo ngại về khả năng cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến tranh kéo dài, một số nhà quan sát lại cho rằng điều này giống với Chiến tranh Lạnh hơn là một cuộc xung đột toàn diện. Israel và Iran đang đối đầu trong một cuộc chiến mang tính khu vực, với những đòn tấn công trả đũa được tính toán kỹ lưỡng thay vì những cuộc tấn công quy mô lớn có thể dẫn đến chiến tranh thế giới.

Các nước vùng Vịnh phản đối Israel

Trong khi Israel tiến hành cuộc không kích nhằm vào Iran, nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng chỉ trích động thái này. Đặc biệt, các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia và UAE, đã có các phản ứng mạnh mẽ với Israel. Đây là những quốc gia đã nỗ lực hòa giải với Iran trong thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Những cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo vùng Vịnh và Iran tại các hội nghị quốc tế như BRICS đã làm nổi bật xu hướng hợp tác khu vực.

Mục tiêu của Iran là "cô lập" Israel về mặt ngoại giao, biến Israel trở thành vấn đề trong khu vực. Việc các nước Arab lên tiếng chỉ trích Israel dường như là dấu hiệu cho thấy Tehran đang chiến thắng trong cuộc chiến ngoại giao.

Liệu Iran có trả đũa?

Sau cuộc không kích, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Iran có đáp trả hay không. Trong thời gian tới, nếu có bằng chứng cho thấy Iran đã chịu thiệt hại đáng kể, có thể Tehran sẽ trả đũa. Tuy nhiên, hiện tại, Iran vẫn thể hiện lập trường cứng rắn và cho thấy họ không bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc tấn công của Israel.

Israel, mặt khác, cũng có thể đối diện với áp lực từ Mỹ về việc không leo thang xung đột quá mức. Dù sao, ba tuần chuẩn bị trước cuộc tấn công đã tạo điều kiện cho cả hai bên điều chỉnh thông điệp và chiến lược một cách cẩn thận.

Nhìn chung, cuộc xung đột này có thể không chấm dứt trong tương lai gần. Cả Israel và Iran đều đang cố gắng duy trì thế trận, và chỉ có thời gian mới trả lời được liệu cuộc đối đầu này sẽ tiếp tục leo thang hay lắng dịu.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo jpost.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-diem-chinh-rut-ra-tu-cuoc-tan-cong-cua-israel-vao-iran-20241026185206304.htm