Những 'điểm nhấn' giúp điện mặt trời Đông Nam Á phát triển sôi động trong tương lai
Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, tiếp cận đầy đủ hơn với nguồn điện sạch, giá cả hợp lý cho tất mọi công dân trong khu vực.
Tổng hợp dưới đây sẽ nêu những ‘điểm nhấn’ giúp điện mặt trời khu vực Đông Nam Á phát triển sôi động trong tương lai tới.
Theo Báo cáo “Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6” (AEO6): Tăng trưởng kinh tế trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) - ASEAN về nhu cầu điện dân dụng dự kiến tăng 497,1 TWh vào năm 2040, gần gấp đôi so với nhu cầu năm 2017.
Mục tiêu giai đoạn hai của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2021 - 2025 là phấn đấu đạt 35% tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) qua công suất lắp đặt vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa giai đoạn nói trên cần phát triển khoảng 35 - 40 GW các nguồn NLTT. Tốc độ tăng trưởng cao nhất dự kiến đến từ năng lượng mặt trời, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,4% từ năm 2018 đến năm 2040. Để đạt được mục tiêu trên, khu vực ĐNA có nhiều thế mạnh và tiềm năng điểm nhấn dưới đây:
1. Việt Nam dẫn đầu về năng lượng mặt trời (NLMT):
Theo các chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Năng lượng Anh - Wood Mackenzie, khu vực ĐNA dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lên 35,8 GW vào năm 2024.
Theo Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia chiếm khoảng 98% công suất năng lượng mặt trời trong khu vực. Riêng Việt Nam vươn lên dẫn đầu vào năm 2020.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong những năm gần đây, với các cơ chế khuyến khích của Chính phủ, điện mặt trời ở Viêt Nam đã bứt phá vượt bậc. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Nếu so sánh Việt Nam đã vượt Đức về tỷ trọng điện mặt trời trong cơ cấu công suất nguồn (16.500/60.000 MW so với 51.500/211.000 MW) và đi đầu trong khu vực ASEAN về tổng công suất điện tái tạo (gió và mặt trời).
Đặc biệt, năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Trong đó, chỉ riêng 3 ngày (từ 29/12 - 31/12/2020) đã có thêm hơn 3.000 MW với hơn 10.000 dự án được vận hành.
Ngày 15/11/2020, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp chính thức đóng điện thành công giai đoạn 1 của dự án sau khi hoàn thành 100% khối lượng xây lắp, đủ điều kiện đóng điện đường dây và trạm biến áp 500 kV. Đây là nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất ĐNA - Cụm Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - EA Súp với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 2.000 MWac (tương đương 2.800 MWp), giai đoạn một với công suất 600 MWac tương đương 831 MWp. Theo đánh giá, đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm 22,2 km đường dây 500 kV và trạm biến áp 500 kV/1.200 MVA.
2. Xu hướng lắp đặt pin mặt trời nổi:
Các quốc gia ĐNA, như Indonesia đang tìm kiếm lắp đặt pin mặt trời nổi để đối phó với lũ lụt do gió mùa. Điều ấn tượng nhất về các công trình lắp đặt nổi là chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão, sóng to, gió lớn.
Công suất năng lượng mặt trời nổi của ASEAN đang tăng nhanh, từ 1 MW vào năm 2019 lên vài trăm megawatt nhờ một loạt các dự án lớn. Việt Nam đã đưa nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi, công suất 47,5 MW vào vận hành từ tháng 6 năm 2019 và năm đầu tiên đã sản xuất 74,18 triệu kWh. Indonesia đã bắt đầu một dự án vào tháng 5 năm 2021 lắp đặt trang trại năng lượng mặt trời nổi 145 MW tại hồ Thủy điện Cirata Lake ở Tây Java, công trình lớn nhất trong khu vực. Dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Trong tháng 7/2021, một trang trại năng lượng mặt trời nổi 60 MW đã được khai trương tại Singapore - nơi Chính phủ có kế hoạch tăng gấp bốn lần công suất mặt trời vào năm 2025. Các tấm pin mặt trời nổi là một cách để quốc gia này tăng thêm công suất trong khi giải quyết tình trạng khan hiếm đất đai. Tại Thái Lan, có một số dự án được quy hoạch với công suất từ 45 - 55 MW.
Tại Malaysia, việc lắp đặt 60 MW đã trở thành dự án NLMT nổi lớn nhất trong nước sau khi đi vào hoạt động vào tháng 10 năm 2020. Philippines cũng có kế hoạch cho một trang trại năng lượng mặt trời nổi 110 MW trên hồ Laguna.
3. Đa dạng hóa thủy điện:
Trước đây, ngành năng lượng tái tạo của ĐNA tập trung chủ yếu vào thủy điện. Lào xuất khẩu khoảng một nửa lượng điện mà nước này sản xuất ra, phần lớn từ thủy điện. Chính phủ Lào có kế hoạch tăng sản lượng thủy điện để biến Lào thành "nguồn pin của châu Á".
Cùng với việc đa dạng thủy điện, khu vực ĐNA đang phải đối mặt với tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nhất là nguy cơ hạn hán. Trong khi Lào là nước xuất khẩu điện ròng, nhưng có những thời điểm nhất định trong năm nước này phải nhập khẩu điện. Để giải bài toán trên, chính phủ Lào bắt đầu khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Cụ thể:
- Dự án NLMT quy mô tiện ích đầu tiên có công suất 76 MW, dự kiến bắt đầu hoạt động vào quý 4/2021. Công ty Wealth Power Group của Việt Nam đang cùng các đối tác trong nước xây dựng hai trang trại năng lượng mặt trời, một có công suất 500 MW và một còn lại công suất 80 MW.
- Các dự án năng lượng mặt trời cộng đồng quy mô nhỏ cũng đang phát triển mạnh tại Lào, kể cả ở các bản vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện quốc gia.
Nước láng giềng Campuchia đã đình chỉ hai dự án thủy điện do mực nước sông thấp. Kế hoạch năng lượng 10 năm của Campuchia tập trung vào việc lắp đặt công suất mặt trời cùng với các nhà máy điện than. Chính phủ nước này đã phê duyệt kế hoạch cho 300 MW năng lượng mặt trời và dự kiến sẽ bổ sung thêm công suất mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021.
4. Ban hành những đạo luật mới về năng lượng tái tạo:
Một số quốc gia ĐNA đang trong quá trình sửa đổi, ban hành những đạo luật mới để hỗ trợ NLTT phát triển, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Indonesia đang có kế hoạch thông qua luật năng lượng tái tạo mới, thuế carbon và chính sách FiT vào năm 2021. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu tăng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025, so với 9% vào năm 2020, thêm khoảng 10 GW công suất.
Còn Philippines hiện đang hoàn thiện Chương trình Năng lượng tái tạo Quốc gia giai đoạn đến năm 2040. Theo dự thảo, Chính phủ quốc gia này đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 29% vào năm 2019 lên ít nhất 35% vào năm 2030, và trên 50% vào năm 2040. Philippines đã tạm dừng xây dựng các nhà máy điện than mới kể từ tháng 10 năm 2020.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang soạn thảo Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045), cùng với FiT mới cho điện mặt trời và có kế hoạch loại bỏ dần nhiệt điện than để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
5. Tăng lắp đặt các dự án quy mô lớn:
Khi công suất NLMT ở ĐNA bắt đầu tăng, các nhà phát triển ở khu vực hướng tới các dự án quy mô lớn hơn. Khoảng 83% các dự án năng lượng mặt trời được vận hành trong khu vực vào năm 2021 dự kiến có công suất lớn trên 100 MW, tăng 32% so với năm 2019 và 68% so với 2020.
Sự phát triển năng lượng mặt trời "bội thu" của Việt Nam đã chứng tỏ các dự án khoảng 500 MW đi vào hoạt động mang tính hiệu quả. Vào tháng 6 năm ngoái, Malaysia đã đấu thầu 1 GW công suất điện mặt trời theo chương trình mua sắm năng lượng mặt trời quy mô lớn (LSS).
Còn tại Philippines, AC Energy đã đưa dự án năng lượng mặt trời 120 MW Gigasol Alaminos vào hoạt động hồi tháng 6 vừa qua. Đây là dự án lắp đặt NLMT lớn thứ hai tại quốc gia này, tăng thêm 183 MW công suất năng lượng mặt trời vào đầu năm nay và có 276 MW công suất NLTT khác đang được xây dựng. Ngoài ra, Công ty Mitsui (Nhật Bản) hiện cũng đang hợp tác với hãng sản xuất điện độc lập của Philippines, Global Business Power để xây dựng một dự án năng lượng mặt trời công suất 115 MW tại quốc gia này./.
Link tham khảo:
1/ https://ratedpower.com/blog/southeast-asia-solar-trends/
2/ https://www.evn.com.vn/d6/news/Khi-dien-mat-troi-bung-no-141-17-27530.aspx