Những điểm nhấn về du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang được UNESCO chính thức công nhận lần đầu tiên là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Lần thứ 2, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2018. Lần thứ 3, vào buổi khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ IX, ngày 28/10/2023, tại huyện Đồng Văn, cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được UNESCO tái công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Khu di tích Nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - điểm tham quan du lịch và là di tích lịch sử của Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Khu di tích Nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - điểm tham quan du lịch và là di tích lịch sử của Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao từ 1.100-1.600m so với mực nước biển và trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ, với diện tích 2.356,8km2 và quy mô dân số (tính đến cuối năm 2020) là trên 299 nghìn người, là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, La Chí, Lô Lô, Giấy, Nùng, Hoa...). Hiện, 4 huyện cao nguyên đá nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Nhằm bảo tồn và phát triển cao nguyên đá Đồng Văn, ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 438/QĐ-TTg về Phê duyệt quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn của kiến tạo địa chất qua hàng nghìn năm. Bên cạnh đó, cao nguyên đá Đồng Văn còn có nhiều danh lam thắng cảnh như: Quần thể Khu di tích Nhà Vương, quần thể Phố cổ huyện Đồng Văn, Khu du lịch Núi Đôi huyện Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, dốc Bắc Sum, những cánh đồng hoa tam giác mạch với nhiều màu sắc được gieo trồng bên cạnh các tuyến đường giao thông vào các dịp chuẩn bị cho lễ hội trên cả 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ nhằm giúp du khách thuận tiện tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm và chụp ảnh; khu du lịch mạo hiểm trên dòng sông Nho Quế của huyện Mèo Vạc...

Khách du lịch tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Khách du lịch tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Văn Phú

Ngoài ra, cao nguyên đá Đồng Văn còn có những đặc sản trong ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số hấp dẫn khách du lịch như: mật ong bạc hà, thịt bò khô huyện Mèo Vạc, rượu ngô Thanh Vân huyện Quản Bạ, rượu và bánh tam giác mạch được làm từ hạt của cây hoa tam giác mạch, thắng cố bò, thắng cố ngựa, thắng cố dê... Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của 17 dân tộc thiểu số anh em. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa truyền thống riêng biệt và được thể hiện trong các lễ hội truyền thống của đồng bào như: Lễ hội múa khèn của người Mông, Lễ hội cầu mưa của dân tộc Nùng, Lễ cúng rừng của dân tộc Lô Lô, Lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn....

Cùng với đó, khi du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn vào những dịp lễ hội còn được thưởng thức bay dù trên không để ngắm cảnh núi non trùng điệp, đua xe mạo hiểm trên những triền đồi hay thưởng thức các phương thức canh tác độc đáo trên các triền đá, nương đá của đồng bào các dân tộc để làm ra lương thực như ngô và các loại rau xanh...

Những điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn và cuốn hút đối với du khách trong và ngoài nước khi lên tham quan, du lịch và khám phá Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang.

Phạm Văn Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-diem-nhan-ve-du-lich-tren-cao-nguyen-da-dong-van-post468902.html