Những điểm sáng của ngành công thương năm 2024

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Công Thương chiều 7/1, bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, năm 2024 ngành công thương đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì phiên họp. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.,

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì phiên họp. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.,

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Mai Thu Hiền đã nêu các điểm sáng của ngành công thương trong năm 2024.

Đầu tiên là tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng quốc gia. Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với nhiều kỷ lục.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước (YoY). Đặc biệt, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% YoY, gấp hai lần chỉ tiêu đề ra.

Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Song song với đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8% YoY, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3% YoY, chiếm 71,7% tổng kim ngạch. Cả nước có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2023, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao như: xuất khẩu sang Mỹ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%).

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%).

Cũng theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, năm 2024, công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Theo đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước, là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022), đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83% (chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024), đóng góp 2,49 điểm phần trăm.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước.

Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về thương mại điện tử được chú trọng; tiếp tục tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành công thương trong năm 2024 như: các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng.

Chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết quốc tế về giảm phát thải… còn chậm; thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa; cơ chế giá bán lẻ điện còn chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện…

Xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài; cơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Hoạt động thương mại trong nước tuy tăng trưởng nhưng hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; trong thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp; mô hình thương mại điện tử phát triển ngày càng phức tạp, việc kiểm soát các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn…

Nhiều mục tiêu lớn cho năm quan trọng 2025

Bà Mai Thu Hiền cho hay, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 ở mức cao, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tập trung quán triệt và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các cơ chế, chính sách khả thi, phù hợp nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Tiếp tục xác định và tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách; khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Điện lực (sửa đổi); thực hiện cụ thể hóa chủ trương khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công Thương. Nguồn: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công Thương. Nguồn: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo đề án đã được phê duyệt.

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-diem-sang-cua-nganh-cong-thuong-nam-2024-37294.html