Những điểm tiến bộ của Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật dân sự 2015 một trong những đạo luật cơ bản, có hiệu lực từ 01/01/2017 tới đây. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 9/11), VietNamNet xin giới thiệu bài viết của TS.LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch về những điểm mới, tiến bộ của bộ luật này.
Tôi đánh giá rất cao về BLDS năm 2015 lần này về mục tiêu, quan điểm xây dựng Bộ luật là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của đất nước ta hiện nay. BLDS đã có nhiều đột phá quan trọng, góp phần triển khai thi hành các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Qua đó, phát huy được vị trí, vai trò của BLDS thực sự trở thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.
So với BLDS 2005, BLDS 2015 có điểm gì mới, đáng chú ý?
Thứ nhất, BLDS năm 2015 đã thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư.
Tôi cho rằng đây là bước cấp tiến về mặt lập pháp mà chúng ta đạt được trong việc xây dựng BLDS lần này. Trong xu thế hiện nay, khi bên cạnh BLDS đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình…
Trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, BLDS đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc. Các quy định trong BLDS năm 2015 thể hiện rõ nét chức năng đạo luật gốc của hệ thống luật tư. Điểm nổi bật và trọng tâm nhất trong sửa đổi BLDS năm 2015 là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp với việc mở rộng các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên áp dụng từ Điều 4 đến Điều 6 BLDS năm 2015: áp dụng BLDS; áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Điều quan trọng đây là lần đầu tiên ghi nhận quy định tại khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ và lẽ công bằng”.
Thứ nhì, việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự.
Qua đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Bộ luật này. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết.
Với quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là điểm nối thống nhất trong ghi nhận lập pháp từ quy định của BLDS đến Bộ luật tố tụng dân sự - một phương thức bảo đảm quyền khởi kiện, làm cho các chủ thể có quyền khởi kiện có đủ những điều kiện cần thiết, chắc chắn để thực hiện được trong thực tiễn quyền khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thông qua các biện pháp được xác định.
Có thể xem đây là một quy định mới ưu việt, mang tính đột phá, góp phần bảo vệ triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Quy định này đánh dấu một bước đi cụ thể trong việc triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
Thứ ba, quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận. Điều 37 BLDS năm 2015 quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Khi ghi nhận quy định này, BLDS năm 2015 đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta và phù hợp với thông lệ quốc tế chung.
Thứ tư, chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự được thực sự ghi nhận.
Với sự điều chỉnh lần này của BLDS năm 2015 về phạm vi điều chỉnh và chủ thể, vẫn kế thừa tinh thần của BLDS năm 2005. Một mặt, vẫn thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là những thực thể pháp lý đang tồn tại trong đời sống xã hội, tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự như quan hệ sử dụng đất, điện, nước… phù hợp với các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Nhà nước ta.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong sửa đổi của BLDS năm 2015, đó là đưa ra quy định việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự là thông qua cá nhân đại diện. Điểm mới này của BLDS năm 2015 đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập kéo dài trong nhiều năm qua liên quan đến việc tham gia các quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án và cơ quan nhà nước khác.
Thứ năm, quy định về tài sản và quyền sở hữu.
Để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, BLDS năm 2015 quy định: (a) Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (b) Trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (c) Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.
Sự khác biệt về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 là quy định trong BLDS năm 2015 quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn. Bên cạnh việc ghi nhận thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với động sản và bất động sản BLDS năm 2015 đã quy định thêm thời điểm xác lập quyền sở hữu khác đối với tài sản, dự liệu nhiều các trường hợp và thứ tự ưu tiên lựa chọn các trường hợp để các bên xác lập quyền sở hữu và quyền tài sản khác cả trong những trường hợp thỏa thuận được và những trường hợp các bên có tranh chấp. Ngoài ra, BLDS năm 2015 cũng quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản khi chưa được chuyển giao thuộc về bên có tài sản.
Thứ sáu, BLDS năm 2015 hướng tới sự ổn định các giao lưu dân sự.
BLDS năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh thần của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm 2005.
BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế cơ hội việc một bên không tự nguyện tham gia giao dịch, lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng hợp đồng biến động có lợi hơn cho bên không thiện chí tham gia.
Về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình, so với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã được ban hành theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong trường hợp “nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa” (tương tự quy định BLDS năm 2005).
Bên cạnh đó, BLDS năm 2015, quyền lợi của người thứ ba ngay tình còn được bảo vệ trong trường hợp “giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”(khoản 2 Điều 133). BLDS năm 2015 khẳng định rõ ràng, chủ sở hữu tài sản không có quyền khởi kiện đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này (khoản 3 Điều 133).
Cuối cùng, trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự.
BLDS năm 2015 với nhiều quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ nhằm bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, lẽ công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể, cá nhân, pháp nhân không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp chủ thể này có căn cứ được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế thiệt hại có thể gây ra cho mình. Trong trường hợp người bị thiệt hại chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho mình thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà lẽ ra người bị thiệt hại có thể hạn chế được.
Trường hợp việc không thực hiện đúng nghĩa vụ và thiệt hại gây ra là do một phần lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người bị thiệt hại. Trong trường hợp bên vi phạm chứng minh được việc không thực hiện đúng nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.