Những điểm yếu chết người của hệ thống phòng thủ Aegis
Tiên tiến nhất, đắt tiền nhất nhưng hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ vẫn mang trên mình những điểm yếu chết người.
Hệ thống phòng không Aegis do Hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là “trái tim” của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng. Hiện nay, hệ thống phòng không Aegis được trang bị chủ yếu trên tàu tuần dương hạm lớp Ticonderoga và tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke.
Đối phó với tên lửa chống hạm là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Mặc dù Hải quân Mỹ được cho là đang sở hữu hệ thống tác chiến phòng không hiện đại nhất thế giới tuy nhiên như vậy không có nghĩa là hệ thống này không có những hạn chế. Theo các chuyên gia kỹ thuật quân sự, hệ thống chiến đấu phòng không Aegis còn tồn tại một số điểm hạn chế sau:
Năng lực đối phó với mục tiêu bay tầm thấp chưa xứng tầm:
Một trong những khó khăn khi tác chiến phòng không trên biển đó là chiều sâu không gian chiến trường quá lớn, yêu cầu thời gian tác chiến nhanh. Đối với các hệ thống radar cảnh báo sớm trang bị trên tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện nay việc phát hiện các mục tiêu bay ở tầm trung và cao thì dễ dàng, tuy nhiên đối với các mục tiêu bay ở tầm thấp là rất khó do ảnh hưởng bởi yếu tố địa hình và môi trường tác chiến trên biển.
Với trình độ kỹ thuật hiện nay, máy bay chiến đấu có thể bay ở độ cao 15m so với mực nước biển, 30m khi tác chiến ở khu vực trung du, 120m khi tác chiến ở khu vực đồi núi. Ví dụ như máy bay chiến đấu Su-27 của Nga có thể bay thấp ở độ cao 15m so với mực nước biển với tốc độ Mach 1. Chính vì vậy, các tên lửa chống hạm còn có thể bay thấp hơn, thậm chí là chỉ vài mét so với mực nước biển khi hành trình tới mục tiêu. Trong khi đó, năng lực phòng thủ đối với các mục tiêu bay thấp của hệ thống chiến đấu phòng không Aegis cực kỳ hạn chế.
Báo cáo thống kê mới nhất cho biết, nếu như phải tác chiến với mục tiêu bay ở độ cao dưới 300m thì hiệu suất chiến đấu của hệ thống Aegis giảm xuống dưới 50%, nếu như mục tiêu bay thấp dưới 30m thì sẽ cực kỳ khó khăn để đánh chặn. Chính vì vậy, có thể nói, năng lực đánh chặn của hệ thống Aegis ở khía cạnh nhất định không hoàn mỹ như những tài liệu công khai công bố, đặc biệt là khi phải đối phó với các mục tiêu là tên lửa chống hạm bay ở độ cao sát mực nước biển.
Năng lực chống nhiễu hạn chế:
Có thể nói, tác chiến điện tử chính là một trong những phương thức bắt buộc phải có khi tác chiến trên biển hiện nay. Các hoạt động gây nhiễu điện tử không những hạn chế khả năng phát hiện mục tiêu của đối phương mà còn là cơ sở để tạo điều kiện cho lực lượng hỏa lực tấn công chính xác đối phương.
Gây nhiễu điện tử gồm hai phương thức chính đó là chế áp điện tử và đánh lừa điện tử, trong đó biện pháp hiệu quả nhất đó là đánh lừa điện tử. Bởi vì, chế áp điện tử mặc dù mang lại hiệu quả gây nhiễu điện tử rất lớn tuy nhiên điều này sẽ khiến đối phương cảnh giác và thay đổi tần số liên tục. Bên cạnh đó, việc thực hiện các phương thức chế áp điện tử còn vô hình chung gây nhiễu điện tử lên chính các hệ thống tác chiến điện tử của bên tham chiến.
Trong khi đó, đánh lừa điện tử khiến cho đối phương không nhận biết được đang bị gây nhiễu đồng thời phương thức đánh lừa điện từ cũng sẽ góp phần không để bộc lộ ý đồ tác chiến của bên gây nhiễu.
Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích kỹ thuật quân sự cho rằng, việc sử dụng phương thức đánh lừa điện tử để gây nhiễu đối với hệ thống Aegis qua đó giúp tên lửa chống hạm vượt qua được lưới lửa phòng không của Aegis là phương pháp khôn ngoan và khá hiệu quả khi thực hiện các đòn tác chiến trên biển.
Năng lực chống tấn công phủ đầu hạn chế:
Lý luận tác chiến “Tấn công dồn tập” (tấn công phủ đầu) được Nguyên soái Hải quân Nga Sergey Gorshkov đề xuất từ những năm 1960 - 1970. Đây là chiến thuật được Nga phát triển để đối phó với các tàu chiến hiện đại của Mỹ. Phương thức tác chiến này cho rằng, để đối phó với một hệ thống phòng không hiện đại không có gì hiệu quả hơn là sử dụng dồn dập hỏa lực bắn về phía đối phương. Hỏa lực được huy động có thể được bắn từ tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Việc bắn dồn dập hỏa lực trong thời gian ngắn từ nhiều phía khác nhau sẽ khiến hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống rada cảnh báo sớm... của đối phương bị tê liệt, từ đó tiến tới tiêu diệt mục tiêu.
Đối với hệ thống phòng không Aegis, mặc dù có tính năng hiện đại nhưng khi phải đối phó với nhiều mục tiêu, đến từ nhiều hướng khác nhau trong cùng một khoảng thời gian, trong khi đó cơ số đạn có hạn sẽ khiến toàn bộ hệ thống bị rối loạn tiến tới mất khả năng tác chiến và bị tiêu diệt. Ngoài ra, các chuyên gia phân tích kỹ thuật quân sự cho rằng, phương thức tấn công theo chiều thẳng đứng từ trên cao xuống cũng là một phương pháp tấn công hiệu quả để đột phá tuyến phòng không của hệ thống Aegis.