Những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước
Nhiều phong trào thi đua (PTTĐ) trong tỉnh Long An lan tỏa trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.
Huy động sức dân
Hơn 30 năm rời TP.Tân An lên xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp, gia đình ông Nguyễn Chí Trãi không chỉ có được những cánh đồng lúa bạt ngàn, được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà ông còn làm nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng. Ông kể, nhớ lời Bác Hồ dạy, người đảng viên này luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự đổi mới của quê hương. Yêu mảnh đất đã “cưu mang” gia đình mình, ông tình nguyện tham gia công tác xã hội. Nhiều năm trôi qua, người dân ấp 3 luôn nhớ đến hình ảnh ông tích cực vận động hiến đất làm đường, xây cầu, thắp sáng đường quê, tặng quà tết cho người nghèo,... hoặc “rủ rê” nông dân tham gia cánh đồng lớn để tăng năng suất. Ông nói: “Vùng đất này ngày xưa làm gì có đường để đi, quanh năm ngập nước, người dân khổ lắm! Mỗi lần đi tuyên truyền là tôi lại lồng ghép những thông tin về tình hình của quê hương, đất nước, nhiều người nói tôi bao đồng nhưng tôi thấy vui. Bây giờ cuộc sống thay đổi nhiều, nhân dân cùng Nhà nước thực hiện một số công trình”.
Chính những người tận tụy như ông góp phần làm đẹp cho đời, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần dân hơn. Nhờ những cá nhân, tập thể tích cực từ cơ sở, góp phần đưa công tác mặt trận tỉnh đạt nhiều kết quả trong PTTĐ. Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp, điểm nổi bật nhất của Mặt trận các cấp thời gian qua chính là huy động được sức dân, thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo đó, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh tập trung phát động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường với nhiều mô hình tiêu biểu. Đó là tuyến đường văn minh đô thị; khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp; tuyến đường tự quản bảo vệ môi trường; tuyến đường hoa, camera giám sát an ninh, trật tự;...Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các công trình nông thôn mới như hiến đất, hỗ trợ tiền giặm vá, nâng cấp, bêtông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu bêtông (xây dựng, sửa chữa 46 cầu, trị giá hơn 24,3 tỉ đồng); đóng góp trên 15.700 ngày công lao động; góp tiền, vật chất trên 95,7 tỉ đồng và hiến trên 852.000m2 đất.
Nâng cao đời sống người dân
Nhớ lời dặn của Bác: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để nâng cao đời sống cho nhân dân”, huyện Cần Giuộc phát động nhiều PTTĐ gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
“Nói chung là người người, nhà nhà thi đua để góp phần tăng thu nhập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Với tôi, bây giờ thi đua để làm đẹp cho đời bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đó là cùng chung tay hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Thông qua những việc làm giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, các tuyến đường trong ấp, phân loại, xử lý rác qua lò đốt rác tại gia đình,...” - bà Đoàn Thị Kim Xinh - người dân xã Phước Hậu, nói.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, thời gian qua, PTTĐ tại huyện có nhiều chuyển biến. PTTĐ khơi dậy được tinh thần học tập, lao động, sáng tạo, cùng hoàn thành và vượt các chỉ tiêu nghị quyết về KT-XH. Trong đó, nổi bật là địa phương huy động các nguồn lực trong công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng - kỹ thuật, góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch vào mùa khô cho người dân các xã vùng hạ (vấn đề nhiều năm liên tục được phản ánh), người dân rất phấn khởi, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại huyện đạt trên 98%, trong đó nước sạch hơn 62%.
Hiện toàn huyện có 8 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút khoảng 350 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động ổn định, thu hút một lượng khá lớn công nhân đến làm việc. Nổi bật trong số đó có Khu công nghiệp Long Hậu, Khu công nghiệp Long Hậu mở rộng, Khu công nghiệp Long Hậu 3 - giai đoạn 1; các nhà máy: Xi măng Fu-I, Phúc Sơn, Xưởng giày Fuluh, Sheen Bridge,... có số công nhân làm việc lên đến hàng ngàn người. Đặc biệt, cầu cảng số 1, Cảng Quốc tế Long An đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, kho bãi, điều phối vận chuyển,... Tất cả đã tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động trong và ngoài huyện.
Thương mại và dịch vụ cũng nhờ đó mà tiếp tục phát triển. Hệ thống chợ từng bước được chỉnh trang, nâng cấp. Các cửa hàng tiện ích như San Hà Foodstore, Bách hóa Xanh, Trung tâm thương mại Co.opmart được đầu tư xây mới, bảo đảm cung ứng nguồn hàng phong phú, đa dạng. Huyện chỉ đạo Trung tâm Hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả thủ tục hành chính cấp xã nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đối với những trường hợp chậm trễ giải quyết hồ sơ, huyện yêu cầu người đứng đầu cơ quan phải xin lỗi công dân. Đến nay, qua khảo sát có trên 98% người dân hài lòng khi đến liên hệ làm thủ tục hành chính ở huyện.
Không chỉ ra sức phát triển kinh tế mà địa phương còn chăm lo công tác an sinh xã hội. Trong đó, huyện chú trọng xây dựng nhà tình nghĩa, vận động nhà hảo tâm xây dựng nhà tình thương, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức nhiều đợt khám bệnh từ thiện miễn phí và tặng hàng chục ngàn phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng cơ nhỡ, khó khăn. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế,... được địa phương quan tâm hàng năm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng hoàn thành các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ về xây dựng Trường THCS ở 3 xã: Long Phụng, Long An, Phước Hậu theo Nghị quyết đề ra. Đó còn là việc thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành rõ nét hơn,... Theo ông Thanh, thời gian tới, PTTĐ của Cần Giuộc hướng đến chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII của huyện (đơn vị điểm của tỉnh); tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2020;... Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền sâu, rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, gắn với phát động thực hiện các mô hình, PTTĐ chào mừng đại hội Đảng các cấp,..../.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhung-dien-hinh-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-a93164.html