Những diễn ngôn nghệ thuật ấn tượng ở Hà Nội cuối tháng 4

Từ ngày 22.4 đến ngày 7.5 tại Casa Italia (Trung tâm Văn hóa Ý, 18 Lê Phụng Hiểu) đang diễn ra triển lãm Bản thể. Đồng thời, từ ngày 23.4 đến ngày 2.5, triển lãm Trừu tượng Ý niệm & Biểu hiện: Trần Đán & Trần Hải Minh đang được diễn ra tại tầng 2 MIPEC Long Biên (2 Long Biên II, Ngọc Lâm, Long Biên).

Dựng “bản thể” con người thành tác phẩm nghệ thuật

Triển lãm Bản thể do Đại sứ quán Ý tại Hà Nội và Bảo tàng Nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum) tổ chức, là sự kiện tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ý.

Nghệ sĩ PSI (ngoài cùng bên phải) tải triển lãm Bản thể.

Hướng đến tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ, Bản thể quy tụ 21 chân dung phụ nữ nổi bật từ nhiều ngành nghề khác nhau, có nhiều đóng góp cho xã hội và cộng đồng, đại diện cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam và Ý. Bản thể mỗi nhân vật được tạo nên bởi những câu chuyện chân thật, giàu sức lay động trong cuộc sống, sự nghiệp, cùng những trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng.

Về tên gọi của triển lãm, nghệ sĩ PSI (Phạm Hà Phương) cho biết: “Bản thể bao hàm nhiều thứ rộng lớn nhưng nó cũng có thể là những điều rất nhỏ. Nó là cái tôi, là tiếng nói, là những câu chuyện chân thật từ đời sống, sự thăng hoa trong sự nghiệp cũng như trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng của mỗi người”.

Tác phẩm bản thể về bà Phạm Thị Kim Quy (nội trợ).

Tác phẩm bản thể về bà Phạm Thị Kim Quy (nội trợ).

Theo nghệ sĩ PSI chia sẻ, triển lãm được cô cùng các cộng sự tập trung thực hiện trong ba tháng, nhưng ý tưởng về triển lãm đã được cô “thai nghén” từ cách đây ba năm. “Chính những người phụ nữ chung quanh tôi, từ những người gần gũi nhất như mẹ, bà nội đến những ca sĩ, diễn viên, doanh nhân... những người mà tôi có cơ hội gặp gỡ, cộng tác trong suốt 15 năm làm nghề đã mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo để tôi thực hiện triển lãm này. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng nhưng đều gặp nhau ở sự lan tỏa những cảm hứng tích cực cho xã hội” - PSI cho biết thêm.

Cô cũng tâm sự về việc tìm kiếm nhân vật cho triển lãm: “Thay vì tập trung vào một cái tên hay một gương mặt cụ thể, tôi trải phạm vi tìm kiếm của mình ở nhiều thế hệ và nhiều ngành nghề khác nhau. Tôi đã bắt đầu danh sách này với hai người phụ nữ ảnh hưởng nhiều nhất đến con người và cuộc sống của tôi: bà nội và mẹ.

Tôi nghĩ rằng nếu như mình không thể kể ra được câu chuyện của những người thân thuộc và gắn bó nhất đối với mình thì chẳng có lý do gì để mình tiếp tục thực hiện dự án này”, PSI nói.

Tác phẩm bản thể về nhà thiết kế thời trang Jenny K Tran.

Tác phẩm bản thể về nhà thiết kế thời trang Jenny K Tran.

Những phụ nữ tham gia dự án, theo cô, đều có một điểm chung là sở hữu vẻ đẹp xuất phát từ nội tại và những nét đặc trưng riêng biệt không thể đánh đồng với bất kỳ ai khác. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng tham gia dự án này như: NSND Lê Khanh, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, diễn viên Kaity Nguyễn...

Để tái hiện sống động từng bản thể, PSI đã sử dụng kỹ thuật Life-casting để tạo ra bản sao ba chiều của cơ thể người sống. Đây là kỹ thuật mà cô đã được tiếp cận và trau dồi trong quá trình học tập tại nước ngoài. 21 nhân vật được lấy dấu khuôn trực tiếp, sau đó được tạo thành tác phẩm với những chất liệu khác nhau như thạch cao, gốm, sơn mài, nhựa… tạo nên tính đa dạng vốn đã rất khác biệt của bản thể.

Điều thú vị là mỗi bản thể được nghệ sĩ lựa chọn thể hiện theo những cách riêng. Nếu với NSND Lê Khanh là sự đặc tả về khuôn mặt thì với doanh nhân Nguyễn Thị Nhung là sự đặc tả đôi bàn tay. Hay nếu với người mẫu Trang Phạm là hình ảnh về đôi chân, thì với nhà thiết kế thời trang Jenny K Tran lại là tấm lưng trần...

Và đặc biệt hơn, với những mã QR gắn riêng theo từng tác phẩm, công chúng còn có cơ hội được hiểu rõ hơn đời sống nội tâm, câu chuyện cuộc đời hay quan điểm sống của từng bản thể được phản ánh. Có những chia sẻ thật sự gợi lên nhiều suy ngẫm.

Đánh giá cao ý tưởng của triển lãm, Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao ý tưởng của triển lãm. Dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Ý và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là ở sự tôn trọng đối với tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo dựa trên cảm hứng văn hóa dân tộc. Và ở triển lãm này, các bạn có thể thấy rõ sự kết hợp giữa văn hóa Ý và Việt Nam”.

Triển lãm Bản thể thu hút đông đảo công chúng đến tham gia.

Triển lãm Bản thể thu hút đông đảo công chúng đến tham gia.

Đến với triển lãm trong không gian triển lãm được sắp xếp theo nhiều lớp với sự kết hợp của ánh sáng, công nghệ trình chiếu cùng vải, gương và inox, người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo do nghệ sĩ PSI thực hiện. Cô được biết đến là một chuyên gia trang điểm giàu tình yêu và đam mê nghệ thuật. Bản thể có thể xem là triển lãm nghệ thuật đầu tiên của một nghệ sĩ trang điểm tại Việt Nam.

Hơn nữa, tại triển lãm, có nhiều tác phẩm gợi nhắc người xem nhớ tới những chiếc mặt nạ Venice nổi tiếng của Ý vốn được làm thủ công cầu kỳ bằng thạch cao, da, giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống.

Chính sự gặp gỡ giữa ý tưởng dựng “bản thể” con người thành tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ hóa trang Việt Nam cùng những chiếc mặt nạ Venice đã tạo nên sự kết hợp độc đáo, thú vị và đầy ngẫu hứng giữa nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa truyền thống xứ sở Nam Âu.

Đối thoại nghệ thuật giữa Trần Đán và Trần Hải Minh

Trong khi đó, triển lãm tranh Trừu tượng ý niệm và biểu hiện: Trần Đán và Trần Hải Minh lại bộc lộ hai tâm thái, hai phong cách, hai cảm hứng từ hai họa sĩ, một từ Mỹ và một từ Việt Nam.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Đán.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Đán.

Họa sĩ Trần Đán, qua những phối hình tối giản, hình học, chứa nhiều ý niệm, khơi dậy thế giới đầy đối nghịch và phù du của chúng ta dưới những thể hiện vật chất, cảm xúc hoặc ý tưởng, trong khi họa sĩ Trần Hải Minh phô diễn sức mạnh thị giác của cảm xúc qua những bức tranh khổ lớn tràn đầy năng lượng của màu sắc và bút lực.

Theo ban tổ chức, trong loạt tranh này được trưng bày tại triển lãm, các họa sĩ muốn làm hiển lộ tính chất phổ quát nhất của các mối liên hệ trong ba thế giới: vật chất, cảm xúc và tư tưởng. Tính chất đó là tính bất ổn giữa các thuộc tính đối nghịch, đưa đến trạng thái chao đảo giữa cân bằng và hỗn loạn.

Nhắc đến họa sĩ Trần Đán (hiện đang sinh sống ở Mỹ), ông không chỉ là một họa sĩ mà còn là một người viết văn, từng có truyện ngắn đăng trên báo trong nước, đồng thời là một nhà nghiên cứu nghệ thuật.

Tranh của Trần Đán hiển thị những vật thể ở tư thế chênh vênh, chao đảo, nhập nhằng - một hình chữ nhật nằm cheo leo trên đỉnh một hình tam giác, những hình tròn “cưỡi” hình sóng, hay trong hình chữ nhật phôi thai hình tam giác và hình tròn.

Không gian triển lãm Trừu tượng ý niệm và biểu hiện Trần Đán và Trần Hải Minh.

Không gian triển lãm Trừu tượng ý niệm và biểu hiện Trần Đán và Trần Hải Minh.

Ứng dụng vào thế giới cảm xúc, ta có thể liên tưởng các hình kỷ hà như biểu tượng của các cảm xúc khác nhau. Ví dụ hình chữ nhật biểu tượng cho nỗi buồn và hình tam giác cho cảm xúc đối nghịch là niềm hân hoan. Có phải tất cả chúng ta đều đã có lúc cảm thấy vui buồn lẫn lộn? Hay yêu ghét lẫn lộn? Hay hi vọng và tuyệt vọng đan xen? Như khi nhà soạn nhạc Dương Thụ nói: “Tôi mơ... không có mất mát, không có đổ vỡ, không có chia tay. Điều đó không bao giờ, tôi biết, không bao giờ. Nhưng tôi vẫn mơ”.

Qua đó, tranh của Trần Đán khơi dậy cái thế giới bất định, bất ổn, chồng chập đó nhưng cũng phản ảnh niềm hy vọng con người tìm được sự cần bằng để tồn tại.

Họa sĩ Trần Hải Minh (bên phải).

Họa sĩ Trần Hải Minh (bên phải).

Còn họa sĩ Trần Hải Minh là một người giữ ngọn lửa “tiên phong” đưa phong cách hội họa trừu tượng biểu hiện về Việt Nam và liên tục triển khai các hoạt động triển lãm để đưa phong cách này tới gần hơn với công chúng yêu hội họa.

Có thể nói, hội họa Trần Hải Minh như những bản nhạc giao hưởng. Bút lực của ông khi bùng nổ, tràn trề cảm xúc, khi tiết chế đúng lúc, đúng thời điểm, tất cả màu sắc và âm thanh hòa quyện thành bản giao hưởng đẹp đẽ thăng hoa. Màu sắc là ngôn ngữ của phong cảnh, tâm trạng và toàn bộ nhận thức của Trần Hải Minh về thế giới vật chất.

Màu trong tranh Trần Hải Minh là thế giới nội tâm của ông. Là bình minh, là hoàng hôn và những đêm cô đơn trong thế giới hội họa, hay những trăn trở suy tư về cuộc sống, có cả tính biểu hiện và sự trần trụi cảm xúc. Chiều sâu và sự thu hút trong tranh trừu tượng biểu hiện của ông luôn hiện hữu mạnh mẽ, vì ở đó ta luôn nhìn thấy một không gian mở ra.

Một số tác phẩm tại triển lãm Trừu tượng ý niệm và biểu hiện.

Sự khác biệt của họa sĩ còn là không gian không phải là hai chiều phẳng bẹt, mà luôn gợi đến ba chiều, một không gian mở rộng. Đây là một điều mới của trừu tượng biểu hiện mà ít họa sĩ vẽ theo cách này.

Chính những đường nét táo bạo, màu sắc mạnh mẽ và sự tự do trong cách vẽ mới thể hiện được bản ngã sáng tạo của người họa sĩ. Trần Hải Minh đã dành gần như cả cuộc đời mình cho trường phái trừu tượng biểu hiện, để ông có thể tự hào về những bức tranh của mình. Những bức tranh nói lên bản thân ông là ai và những thăng trầm ông đã trải trên con đường mình chọn.

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-dien-ngon-nghe-thuat-an-tuong-o-ha-noi-cuoi-thang-4-39266.html