Những điều bạn có thể chưa biết về World Cup 1958: 'Vua' Pele lên ngôi!
Khi thủ quân đội tuyển Brazil Luiz Bellini hân hoan nâng cao Cúp vàng Jules Rimets cũng là lúc Pele - 'Nhà vua' trẻ của sân cỏ đã chính thức lên ngôi khi mới 17 tuổi 249 ngày!
World Cup 1958 đã có kết thúc hợp lý: chức vô địch thuộc về đội mạnh nhất. Ngoại trừ trận hòa duy nhất 0-0 trước đội tuyển Anh và cũng là trận hòa không tỷ số đầu tiên trong lịch sử World Cup, trong tất cả những trận còn lại, đội Brazil toàn thắng: Áo 3-0, Nga 2-0 (vòng đấu bảng 4); Xứ Wales 1-0 (tứ kết), Pháp 5-2 (bán kết), Thụy Điển 5-2 (chung kết).
Hai trận thắng cùng tỷ số đậm 5-2 ở giai đoạn quyết định bán kết và chung kết của đội vô địch là sự kiện có một không hai trong lịch sử World Cup, không chỉ tính vào thời điểm 1958 mà còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, và không loại trừ tồn tại mãi mãi trong lịch sử World Cup qua mọi thời đại!
Chiến thắng từ những sai lầm
Thật ra bóng đá thế giới đã nhìn nhận tiềm lực của bóng đá Brazil từ World Cup 1938, có nghĩa là cách xa những 20 năm trước khi Brazil lần đầu tiên vô địch thế giới.
World Cup 1938, vào thời điểm đó khi hai đội hòa nhau sau 120 phút thi đấu, hai đội sẽ phải tái đấu để phân định thắng thua. Và ở vòng tứ kết, sau khi hòa Tiệp Khắc 1-1 vào ngày 12.6, thì ngày 14.6, Brazil phải đá lại với Tiệp Khắc và giành quyền vào bán kết khi thắng 2-1. Cả 2 trận này, Leonidas đều ghi mỗi trận 1 bàn và cùng với 3 bàn ghi được trong trận thắng Ba lan 6-5 ngày 5.6, Leonidas đang dẫn đầu giải Vua phá lưới với 5 bàn thắng.
Cho đến nay, người dân Brazil vẫn cho rằng huấn luyện viên đội tuyển Brazil, ông Adhemar Pimenta đã sai lầm khi để “Vua phá lưới” của giải là Leonidas dưỡng sức trận bán kết diễn ra vào ngày 16.6. Vắng Leonidas, Brazil đã thua Ý 1-2 và sau đó Ý vô địch khi thắng Hungary 4-2, trong khi đó đội Brazil xếp hạng ba khi thắng Thụy Điển 4-2, trong đó Leonidas ghi 2 bàn và trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất World Cup 1938 với 7 bàn thắng.
World Cup 1950 trên sân nhà, Brazil lại thua tức tưởi Uruguay 1-2 trong trận cuối cùng, dù chỉ cần hòa là đội Brazil đoạt cúp vàng Jules Rimets.
World Cup 1954, với lối đá phòng ngự ngược với truyền thống, đội tuyển Brazil phải dừng bước 2-4 trước “đội bóng vàng” Hungary ở vòng tứ kết. Xuyên suốt qua 3 lần thất bại của Brazil tại World Cup, đều có sai lầm không nhỏ của các huấn luyện viên đội tuyển.
Do vậy tại World Cup 1958, đội tuyển Brazil với kinh nghiệm xương máu của ba lần thất bại trong gang tấc trước đó, đã được trang bị một bộ chỉ huy gồm 3 người: HLV Vincente Feola, chuyên gia bóng đá Paulo de Carvalho và bác sĩ kiêm nhà tâm lý học Hilton Gosling. Từ đây bóng đá Brazil đã có thể tự hào là nơi sản sinh ra đấu pháp 4-2-4, một chiến thuật cho phép đội Brazil có số người tấn công nhiều hơn hàng phòng thủ đối phương để từ đó gieo rắc kinh hoàng cho mọi đối thủ.
Một ngôi sao ra đời
Trận cuối cùng vòng đấu bảng là trận đấu quan trọng cho cả hai đội Brazil và Liên Xô khi cả 2 đội cùng 3 điểm (1 thắng, 1 hòa) và chưa đội nào chắc chắn có mặt ở tứ kết vì nếu thua, đồng thời trận Anh và Áo có kết quả thắng thua, thì đội thua trong trận Brazil - Liên Xô sẽ bị loại.
Thật bất ngờ không chỉ với Liên Xô mà ngay cả người hâm mộ bóng đá Brazil cũng ngỡ ngàng khi trong đội hình xuất phát có một cầu thủ “mới tinh” trên hàng công chơi ở vị trí trung phong, đó là cầu thủ mới 17 tuổi 234 ngày với cái tên dài ngoằng: Edson Arentès do Nascimento, nhưng tên gọi rất ngắn gọn: Pele!
Không lâu sau đó, các cổ động viên đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước lối di chuyển thông minh cùng những pha đột phá chết người của Pele đã tạo cho Vava 2 cơ hội đưa bóng qua tay “Con nhện đen” Lev Yachien, thủ môn huyền thoại của Liên Xô và của cả thế giới.
Thế nhưng ở trận thắng Xứ Wales 1-0 ở tứ kết mới đánh dấu chính thức một ngôi sao mới ra đời. Người hùng của trận thắng này không ai khác là Pele, ông đã đưa Brazil vào bán kết bằng bàn thắng tuyệt vời của một thiên tài.
Phút 66, nhận bóng trong tư thế lưng đối diện với khung thành đối phương và phía sau có người kèm chặt, thật không thể tưởng tượng được, bằng kỹ thuật cá nhân điêu luyện, Pele tâng bóng qua đầu đối thủ kèm chặt mình, rồi tức thì xoay người vượt qua “cái bóng” đó, và không để quả bóng chạm đất, Pele tung cú sút vô lê trái phá bắn cháy lưới thủ môn Kelsey.
Một bàn thắng với Pele, sau này người đời phải nhìn nhận đó không đơn thuần là bàn thắng đầu tiên của Pele tại World Cup mà còn là “bàn thắng quan trọng nhất sự nghiệp của Pele”.
Khi anh đã thoát qua được cái ngượng ngập ban đầu của đấu trường World Cup từ ghế dự bị, thì tiếp đến là 180 phút trình diễn ngoạn mục của Pele. Trong đó ở 90 phút đầu tiên trận bán kết thắng Pháp, Pele đã ghi hat-trick đúng nghĩa (3 bàn thắng liên tiếp). Với 90 phút còn lại của trận chung kết, Pele ghi thêm hai bàn cùng một đường chuyền thành bàn. Hạnh phúc hơn cho Pele là anh đã đặt dấu chấm hết của World Cup 1958 bằng cú đánh đầu rất đẹp, đưa bóng qua tầm với thủ môn Thụy Điển Svensson ấn định tỷ số chung cuộc 5-2 khi trận đấu chỉ còn… 60 giây!
Với thành tích tuyệt diệu này, Pele đã trở thành cầu thủ trẻ nhất lập hat-trick tại World Cup, đồng thời Pele là cầu thủ trẻ nhất ra sân và ghi bàn trong một trận chung kết.
Và khi thủ quân Luiz Bellini hân hoan nâng cao chiếc Cúp Jules Rimets, thì chàng trai Pele - nhà vô địch thế giới trẻ nhất lịch sử khi mới 17 tuổi 249 ngày, đã gục đầu khóc nức nở trên vai các đàn anh.
Cũng chính giây phút ấy, chính khoảnh khắc vinh quang đó, “Nhà vua” trẻ của sân cỏ cao 1m69, nặng 67kg, chính thức lên ngôi!