Những điều bất ngờ của trẻ hai tháng tuổi mà cha mẹ có thể bỏ qua

Khi bước sang tháng thứ ba, trẻ không còn ngủ nhiều như trước và bắt đầu tương tác với cha mẹ nhiều hơn. Thời điểm này, bé đã có hứng thú với các vật đang chuyển động.

 Khi được ở gần mẹ, bé có cảm giác an toàn, nên thường nhìn mẹ rất chăm chú và khóc khi mẹ rời đi. Ảnh: M&C.

Khi được ở gần mẹ, bé có cảm giác an toàn, nên thường nhìn mẹ rất chăm chú và khóc khi mẹ rời đi. Ảnh: M&C.

Tháng thứ nhất và tháng thứ hai có sự khác biệt rất nhỏ nhưng không kém phần quan trọng. Thị giác của bé phát triển chậm nhưng vẫn có cải thiện rõ rệt. Bé sẽ quan tâm đến những màu sắc tươi sáng, cũng như hoa văn phức tạp.

Bên cạnh màu đen trắng, bé còn bị thu hút bởi những màu sắc sặc sỡ, chẳng hạn như màu đỏ hay màu xanh lam. Bạn có thể nhận thấy khả năng theo dõi những đồ vật di chuyển chậm của bé được cải thiện, nhưng vẫn chỉ giới hạn ở khoảng cách 10 inch vì tầm nhìn xa chưa phát triển.

Làn da của bé rất nhạy cảm, vậy nên bé luôn cần sự tương tác xúc giác và những âm thanh giúp bé cảm thấy an tâm. Các động tác mát-xa ngắn và những cái ôm có thể tạo ra cảm giác kích thích dễ chịu bất kể lúc bé ngủ hay thức. Từ đó, bé sẽ biết về cảm giác được yêu thương, tạo tiền đề cho các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai.

Khả năng theo dõi các vật thể chuyển động chậm của bé đã được cải thiện khá nhiều. Thứ thu hút sự chú ý của bé có thể là những đồ vật di chuyển hay thậm chí cả đôi môi khi đang nói của bạn.

Ở tháng thứ hai, mắt của bé trở nên nhạy cảm với các mẫu hoa văn phức tạp, nhiều chi tiết hơn, còn những hoa văn đơn giản trở nên ít thú vị hơn.

Bé dễ bị mất bình tĩnh trước những tiếng động bất ngờ. Đôi khi bạn có thể nhận ra phản xạ này khi thấy tay chân bé khua khoắng và khóc lớn. Hãy trấn an bé yêu của bạn bằng những âm thanh êm dịu và hành động vỗ về, an ủi.

Làn da là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể con người và bé rất nhạy cảm với bất kỳ điểm tiếp xúc nào. Đa phần các bé ở độ tuổi này đều thích thú với cảm giác được xoa bóp nhẹ nhàng, thơm và ôm ấp.

Bạn đã bao giờ nghe thấy bé nói “u”, “a” thật dễ thương chưa? Nếu chưa, bạn không cần quá lo lắng vì giai đoạn này sẽ sớm xuất hiện. Ở tháng thứ nhất, bé yêu của bạn đã học được rằng khóc là một phương thức hiệu quả để cha mẹ biết bé đang đói hoặc bày tỏ sự khó chịu khi tã ướt.

Bây giờ, ngoài nhu cầu cơ bản, bé biết bạn có thể đem lại những hình thức hỗ trợ tinh thần khác. Bé sẽ học cách thông báo về tâm trạng và nhu cầu của mình bằng các kiểu phát âm khác nhau, điều này giúp bạn ít vất vả hơn để hiểu bé muốn điều gì. Đối với bé, đây là ý tưởng hiệu quả để thu hút sự chú ý của bạn.

Bé cũng đang tiếp nhận những thói quen hàng ngày. Ví dụ, khi đưa bé lên bàn thay tã, bạn có thể nhận thấy bé nhìn bạn phấn khích và ngọ nguậy đôi chân.

Hoặc khi bạn lấy ra chiếc gối thường dùng để kê dưới người bé mỗi khi cho bú, bé sẽ nằm yên, chờ đợi hương vị ngọt ngào của sữa mẹ. Hay khi bạn thực hiện các kỹ thuật xoa dịu và trấn an, chẳng hạn như ôm ấp, lắc lư hoặc ru ngủ, bé sẽ hiểu đó là tín hiệu cho việc thư giãn.

Hành vi thể hiện cảm xúc, mong muốn được thấu hiểu, chấp nhận và đáp lại là nhu cầu cơ bản của con người. Bé yêu của bạn đang trong quá trình xây dựng các mối quan hệ thân mật, cho đi và nhận lại.

Mỗi khi ôm ấp để xoa dịu hoặc mỉm cười để thể hiện tình yêu và niềm vui khi được ở bên con, bạn đang dạy các kỹ năng xã hội sẽ theo con suốt cuộc đời, từ đó giúp con kết nối giữa cảm xúc và hành động.

Dù còn khá sớm, đôi lúc bé sẽ chủ động cười với bạn trong tháng này. Nụ cười đó có thể mang ý nghĩa là “Con nhìn thấy mẹ rồi”, “Con đang tận hưởng khoảnh khắc này” hoặc “Con nóng lòng muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Khuôn mặt, giọng nói của bạn, cách bạn ôm ấp và những bài hát ru đều trở nên quen thuộc và được bé yêu thích.

Aubrey Hargis/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-dieu-bat-ngo-cua-tre-hai-thang-tuoi-ma-cha-me-co-the-bo-qua-post1503859.html