Những điều cần biết để phòng biến chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm bởi các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, việc hiểu rõ về căn bệnh này để giúp phòng ngừa biến chứng là vô cùng quan trọng.
1. Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây ra những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Điều quan trọng là nhiều người không biết mình bị bệnh, do tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không biểu hiện triệu chứng gì.
Tăng huyết áp thường vô căn, nhưng ghi nhận một số yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến tăng huyết áp như:
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm: Tuổi (tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tăng huyết áp); Yếu tố di truyền (gia đình có người mắc tăng huyết áp); Giới tính (nam hoặc nữ đã mãn kinh).
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm: Chế độ ăn nhiều muối; Hút thuốc lá; Uống nhiều bia rượu; Rối loạn lipid máu; Đái tháo đường; Béo phì, ít vận động thể lực; Áp lực tâm lý, căng thẳng, lo âu quá mức.
Trên thực tế ghi nhận cho thấy đại đa số tăng huyết áp ở người lớn là tăng huyết áp vô căn (hay tăng huyết nguyên phát) chiếm đến 95%.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát trong các trường hợp sau:
Bệnh thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn hai bên do mắc phải thận đa năng, ứ nước bể thận, u thận, hẹp động mạch thận…
Nội tiết: Bệnh vỏ tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, hội chứng Conn, u sản xuất quá thừa các Corticosteroid khác (Corticosterone, Desoxycortisone), sai lạc trong sinh tổng hợp Corticosteroid.
Một trong số những bệnh trên có thể điều trị được và sau khi điều trị xong thì huyết áp bệnh nhân sẽ dần về bình thường.
2. Các biểu hiện tăng huyết áp thường gặp
Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh hoặc bệnh nhân đột ngột nhập viện vì một biến chứng của tăng huyết áp.
Người bệnh thường thấy đau đầu vùng chẩm và các triệu chứng khác có thể gặp là hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt… không đặc hiệu.
Bệnh nhân có thể kèm theo đau tức vùng ngực, chóng mặt, đau đầu… cũng không thật đặc hiệu.
Khi có tổn thương thận do tăng huyết áp, có thể xuất hiện thiểu niệu, tiểu ra máu…
Một số triệu chứng khác của tăng huyết áp tùy vào nguyên nhân tăng huyết áp hoặc biến chứng tăng huyết áp sau:
- Bệnh mạch máu ngoại vi.
- Cơn đau thắt ngực.
- Nhồi máu cơ tim – tình trạng nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, làm chết tế bào tim. Nhồi máu cơ tim là trường hợp cần cấp cứu, thời gian càng lâu tổn thương tim càng lớn.
- Đột quỵ xuất huyết não – khi mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao. Hoặc đột quỵ nhồi máu não – khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn, dẫn đến tế bào não chết đi nhanh chóng. Đột quỵ là tình trạng có thể gây tử vong nhanh chóng, cần được cấp cứu kịp thời, đặc biệt là trong 3,5 giờ đầu để hạn chế tối đa biến chứng về thần kinh và vận động.
- Suy tim.
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị và tử vong.
3. Tuân thủ điều trị góp phần phòng chống biến chứng tăng huyết áp
Người bệnh cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, có rất nhiều thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp cũng như điều trị phòng ngừa những biến chứng, gồm có:
Nhóm thuốc lợi tiểu.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển.
Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II.
Nhóm thuốc chẹn kênh calci.
Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm.
Bác sĩ có thể chỉ định điều trị cho người bệnh bằng một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều nhóm thuốc với nhau, tùy theo đáp ứng lâm sàng của mỗi người nhằm đạt được huyết áp mục tiêu.
Người bệnh cần biết cách đo huyết áp đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế:
Ngồi nghỉ trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo.
Không dùng chất kích thích (cà phê, thuốc lá) trước đó khoảng 2 giờ.
Tư thế đo: Ngồi ghế tựa, thả lỏng toàn thân, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Có thể đo ở các tư thế nằm hoặc ngồi.
Sử dụng huyết áp kế điện tử có: Bề dài bao đo tối thiểu bằng 80% và bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới bao đo ở trên nếp khuỷu 2cm.
Nên đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh lệch nhau 10mmHg thì cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ trên 5 phút.
4. Các biện pháp dự phòng tăng huyết áp
Phòng ngừa tăng huyết áp là cách để phòng ngừa bệnh tim mạch, đột tử và nhiều hệ lụy khác. Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bạn có thể phòng ngừa tăng huyết áp bằng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh:
- Giảm ăn mặn, chỉ tiêu thụ một lượng muối ít hơn 5g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê). Lưu ý hàm lượng muối trong bột nêm, bột canh, nước mắm, các gia vị khác, cũng như các món ăn vặt, snack…
- Ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi, không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
- Không hút thuốc lá.
- Uống rượu bia điều độ.
- Duy trì cân nặng hợp lý với chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2.
- Tích cực giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Hạn chế căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.
Không có triệu chứng không có nghĩa là chỉ số huyết áp bình thường. Vì vậy, nên khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra chỉ số huyết áp, cũng như một số bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nếu được chẩn đoán bị tăng huyết áp, cần theo sát điều trị của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.