Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ (ĐMK) là bệnh truyền nhiễm do virút ĐMK gây ra. Hiện dịch bệnh ĐMK gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng, lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia,... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Bệnh có tên gọi là ĐMK vì phát hiện đầu tiên ở đàn khỉ được bắt giữ cho mục đích nghiên cứu năm 1958. Sau đó, bệnh được phát hiện ở người vào năm 1970 tại khu vực châu Phi (tại 11 quốc gia), hầu như không ghi nhận các ca bệnh tại khu vực khác.
Đến tháng 5/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo ghi nhận ca bệnh tại một số khu vực châu Âu (chùm ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Anh). Đây là lần đầu tiên ghi nhận ổ dịch tại các nước ngoài khu vực châu Phi. Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới, họ là đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada). Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.
Ngày 23/7, WHO công bố đợt bùng phát dịch ĐMK hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế; còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virút.
Hiện một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia,... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT, ngày 29/7/2022 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ĐMK ở người. Để chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả bệnh ĐMK trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7095/UBND-VHXH về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh ĐMK.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bệnh có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau tùy từng giai đoạn. Các triệu chứng điển hình gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
ĐMK ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Thời gian ủ bệnh từ 5/21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gặp: Nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh ĐMK nhưng theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực. Theo WHO, đã có một vắc-xin phòng ngừa bệnh ĐMK mới được phê duyệt gần đây. Một số nước khuyến cáo nên cân nhắc tiêm phòng cho những đối tượng có nguy cơ (ví dụ người tiếp xúc gần với người mắc bệnh). Ở thời điểm hiện tại, chưa có khuyến cáo tiêm phòng diện rộng cho mọi đối tượng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng mà cần phân biệt giữa bệnh ĐMK và thủy đậu vì đây là 2 bệnh khác nhau. Bệnh ĐMK có các biểu hiện triệu chứng tương tự như thủy đậu, tuy nhiên có một đặc điểm nổi bật là hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, đã mắc bệnh ĐMK, động vật có thể bị nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh; cập nhật thông tin về bệnh ĐMK tại khu vực sinh sống và trao đổi cởi mở với những người có tiếp xúc gần (đặc biệt là có quan hệ tình dục) về bất cứ triệu chứng nào đang có./.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ĐMK, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh ĐMK, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh ĐMK (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút ĐMK. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-dau-mua-khi-a140495.html