Những điều cần biết về Full Margin, cách nhận biết trạng thái Full Margin

Full Margin là thuật ngữ trong thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư xác định thời điểm đạt mức ngưỡng giới hạn ký quỹ.

Khái niệm Full Margin

Các nhà đầu tư đã quá quen với thuật ngữ Margin (tiền ký quỹ) để chỉ số tiền đặt cọc mà trader gửi cho công ty môi giới chứng khoán để duy trì vị thế giao dịch của mình (tương tự việc bạn cầm cố một loại tài sản để vay tiền từ ngân hàng).

Tiền ký quỹ là một phần tài sản của nhà đầu tư dùng để đặt cọc cho mỗi giao dịch. Sau khi kết thúc giao dịch, tiền ký quỹ được hoàn trả vào tài khoản của nhà đầu tư.

Trạng thái Full Margin xảy ra khi nhà giao dịch ký quỹ vay quá mức, không thể đặt lệnh thêm nữa. Full Margin xuất hiện khi nhà đầu tư sử dụng Margin lớn hơn hoặc bằng số tiền mình có trong tài khoản. Lúc này, nhà đầu tư sẽ được công ty môi giới yêu cầu nạp thêm tiền vào tài khoản để giữ vị thế hiện tại hoặc các lệnh giao dịch sẽ tự động đóng để về mức ký quỹ cho phép.

Ví dụ: Công ty chứng khoán X cho phép nhà đầu tư vay Margin để mua cổ phiếu Y với tỷ lệ tối đa là 1:2. Để sinh lời nhanh chóng, nhà đầu tư sẽ dùng 10 triệu đồng của mình để mua 1000 cổ phiếu Y và ký quỹ tối đa để mua thêm 1000 cổ phiếu nữa. Hiện tượng nhà đầu tư ký quỹ max được gọi là Full Margin.

Cách nhận biết trạng thái Full Margin

Hiện nay, chưa có tổ chức hay báo cáo, dữ liệu nào của Công ty Chứng khoán quy định về trạng thái Full Margin. Các công ty cũng không có thông báo chính thức về điều này nên các nhà đầu tư cần tự tìm hiểu và kiểm chứng thông qua quá trình giao dịch.

Cách mà nhiều nhà đầu tư sử dụng là họ thử giao dịch ký quỹ chạm ngưỡng Full Margin. Sau đó sẽ xem xét xem tổng giá trị mua thay đổi ra sao, có còn vượt qua được tổng số vốn thực có hay không. Hoặc bạn cũng có thể mở rộng quan hệ với các nhà môi giới khác trên thị trường để cập nhật và tham khảo thông tin từ họ.

Các nhà đầu tư không nên xem nhẹ các mối lo ngại về Full Margin. Nếu nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua cổ phiếu khi sắp ở tình trạng Full Margin sẽ đem đến nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, lúc mức giá đạt đỉnh lại không thể cắt lỗ nhanh, lúc đó tài khoản của họ sẽ bị cháy mạnh.

Ảnh hưởng của hiện tượng Full Margin

Ngoài những mặt tích cực (giúp nhà đầu tư mua được nhiều hơn, thu lời về nhanh hơn…) thì việc sử dụng Full Margin như dùng con dao 2 lưỡi, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi đòn bẩy càng lớn thì mức độ rủi ro càng cao. Nếu không kiểm soát tốt thì việc cháy tài khoản chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Sau đây là một số rủi ro phổ biến nhà đầu tư phải đối mặt nếu không kiểm soát tốt:

Tăng mức độ lỗ lên nhiều lần

Giao dịch ký quỹ tối đa khá nguy hiểm. Khi lệnh được thực hiện và thị trường đi theo đúng kỳ vọng thì đòn bẩy này sẽ khuếch đại lợi nhuận lên rất nhiều lần. Nhưng nếu dự báo sai đường đi của giá thì số tiền trong tài khoản của trader bị giảm xuống thảm hại theo đúng tỷ lệ đòn bẩy đã sử dụng.

Cháy tài khoản

Sử dụng Full Margin không cẩn thận cũng dễ gây ra cháy tài khoản nếu không có chiến lược đầu tư hợp lý. Chỉ cần một cú rung lắc của thị trường trong ngắn hạn có thể biến lệnh dương thành lệnh âm và dễ dàng cháy tài khoản.

Kinh nghiệm dành cho nhà đầu tư

Nếu cổ phiếu giảm mạnh, tuyệt đối không tiếp tục mua vào bằng margin để bình quân giá xuống

Mua bằng margin lúc thị trường đi xuống nhanh sẽ tăng mức độ rủi ro lên nhiều lần bởi chỉ cần giảm một chút nữa thì sẽ bị Call Margin.

Nếu có nhiều mã cổ phiếu trong danh mục đầu tư, ưu tiên cơ cấu những mã yếu trước vì những mã này ít cơ hội hồi phục.

Không nên có tâm lý gỡ khi thị trường hồi phục mà nên xem thị trường hồi phục là cơ hội để cơ cấu danh mục đầu tư.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-full-margin-cach-nhan-biet-trang-thai-full-margin-685233.html