Những điều cần biết về tiêm vắc-xin cúm mùa cho phụ nữ mang thai

Theo số liệu thống kê năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm.

Trên toàn cầu, người ta ước tính các vụ dịch cúm hằng năm dẫn đến 5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 650.000 ca tử vong do các biến chứng về hô hấp, trong đó phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm do cúm.

Cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng như viêm xoang, viêm tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra.

Cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng như viêm xoang, viêm tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) đã nhận được những báo cáo về các trường hợp nhập viện và tử vong do cúm ở phụ nữ mang thai. Khi phụ nữ mang thai bị cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Điều đó cho chúng ta thấy phải luôn nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ phụ nữ mang thai và sau sinh khỏi bệnh cúm.

Vậy bệnh cúm nguy hiểm như thế nào đối với người mẹ và em bé? Theo dược sĩ Lê Bích Giang, Hệ thống phòng tiêm chủng Safpo/Potec, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi vi rút cúm (Influenza virus). Bệnh có tính lây lan cao, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu trong đó có phụ nữ mang thai.

Cúm mùa không phải là cảm lạnh thông thường, nó xuất hiện đột ngột với nhiều triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ho và đau họng.

Cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng như viêm xoang, viêm tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra. Viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm vi rút cúm đơn thuần hoặc do nhiễm đồng thời vi rút cúm và vi khuẩn.

Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể có thể kể đến bao gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc viêm cơ và suy đa cơ quan (như suy hô hấp và suy thận).

Vậy tại sao mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng do cúm, theo dược sĩ Lê Bích Giang, phụ nữ khi mang thai do có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt là có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi, cơ thể thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh.

Ở phụ nữ mang thai, khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh kéo dài hơn người bình thường. Trung bình đối với người bình thường, bệnh cúm thường kéo dài từ 3 - 5 ngày nhưng đối với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn (7-10 ngày).

Bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ. Tình trạng viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn người thường và có nguy cơ nhập viện cao hơn. Một số nghiên cứu ghi nhận phụ nữ mang thai mắc cúm có nguy cơ nhập viện cao hơn gấp đôi so với phụ nữ không mang thai.

Đối với thai nhi, vi rút cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh (khi vi rút cúm xâm nhập vào bào thai, tác động vào sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ), bên cạnh đó khi mẹ sốt cao kết hợp với độc tính của vi rút cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn của cúm mùa theo dược sĩ Lê Bích Giang là tiêm vắc-xin cúm hàng năm - đây là biện pháp được đánh giá là tối ưu nhất.

Việc tiêm phòng cúm khi mang thai (vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ) sẽ mang lại 3 tác động tích cực: Giúp ngăn ngừa cúm và giảm biến chứng cúm cho người mẹ

Ngăn ngừa nguy cơ cho thai nhi. Bảo vệ em bé ngay sau khi sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ có thai là nhóm ưu tiên cao nhất tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa.

Việc tiêm phòng đã được chứng minh là làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm và giảm trung bình 40% nguy cơ nhập viện vì cúm ở phụ nữ mang thai.

Về tác động bảo vệ cho thai nhi: tiêm vắc-xin cúm giúp giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non và giảm 72% nguy cơ trẻ nhũ nhi (<6 tháng tuổi) nhập viện do cúm.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc cúm và diễn tiến nặng, nhưng đến 6 tháng tuổi trẻ mới có thể tiêm vắc-xin phòng cúm. Chính vì thế, việc tiêm vắc-xin cúm cho phụ nữ trước và trong khi mang thai là rất quan trọng để hình thành các kháng thể truyền cho thai nhi qua nhau thai. Kháng thể này sẽ giúp bảo vệ bé trước nguy cơ mắc cúm trong những tháng đầu sau sinh.

Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo vắc-xin có thể bảo vệ phụ nữ cả trong và sau khi mang thai, tiêm vắc-xin cho người mẹ giúp giảm 1/2 nguy cơ bị nhiễm cúm ở trẻ cho đến khi trẻ được 4 tháng tuổi.

Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin cúm vào tháng nào của thai kỳ? Hiện nay các hiệp hội, Tổ chức về Y tế trên Thế Giới cũng như Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm và có thể tiêm vắc-xin cúm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, tốt nhất nên tiêm phòng cúm trước cao điểm của mùa cúm, ngay khi có vắc-xin của mùa mới. Phụ nữ sau sinh, ngay cả khi đang cho con bú, vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Tuy nhiên, nếu các bà mẹ không tiêm vắc-xin sớm trước cao điểm của mùa cúm, vẫn có thể tiêm vắc-xin trong và sau mùa cúm. Nếu người mẹ đang mắc một tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ biến chứng cúm, chẳng hạn như hen suyễn hoặc bệnh tim, nên cân nhắc việc tiêm phòng cúm trước khi mùa cúm bắt đầu để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm mùa đã được thực hiện cho hàng triệu phụ nữ mang thai trong nhiều thập kỷ với ghi nhận an toàn cao.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vắc-xin cúm bất hoạt là an toàn đối với phụ nữ có thai và có rất nhiều bằng chứng cho thấy tiêm phòng cúm đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-tiem-vac-xin-cum-mua-cho-phu-nu-mang-thai-d217308.html