Những điều cần biết về TỔNG ĐÀI 112 - Số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về SỰ CỐ, THẢM HỌA

Tại Nghị định số 200/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 23/8/), Chính phủ quy định cụ thể về TỔNG ĐÀI 112 - số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về sự cố, thảm họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 200/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 8 năm 2025), trong đó quy định về số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về sự cố, thảm họa.

Tại Điều 3, Chương II, Nghị định số 200/NĐ-CP - thông tin về sự cố thảm họa quy định về số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về sự cố, thảm họa như sau:

1. Số điện thoại 112 tiếp nhận nội dung thông tin về sự cố, thiên tai, thảm họa, những nguy cơ xảy ra, yêu cầu trợ giúp của tổ chức, cá nhân.

Tổng đài 112 được đặt tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).

2. Hệ thống Tổng đài 112 tiếp nhận thông tin từ:

a) Tổ chức, cá nhân;

b) Hệ thống Tổng đài 113, 114, 115;

c) Hệ thống thông tin liên lạc khác phục vụ trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.

3. Nội dung tiếp nhận thông tin

a) Tên cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin;

b) Thời gian, địa điểm xảy ra sự cố, thảm họa; diễn biến, phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng; những yêu cầu trợ giúp và thông tin cần thiết khác phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

4. Hoạt động của hệ thống Tổng đài 112

a) Hệ thống Tổng đài 112 liên thông với các Tổng đài 113, 114, 115;

b) Hệ thống Tổng đài 112 hoạt động 24 giờ tất cả các ngày;

c) Miễn phí cước gọi từ thuê bao điện thoại cố định, di động vào số điện thoại 112;

d) Hệ thống Tổng đài 112 lưu trữ tất cả các cuộc gọi đến để phục vụ công tác kiểm tra, nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự.

Quy định về xử lý thông tin của Tổng đài 112

Điều 4, Nghị định số 200/2025 quy định về xử lý thông tin như sau:

1. Trực ban Tổng đài 112 nhận được thông tin về sự cố, thảm họa phải kịp thời báo cáo người trực chỉ huy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh kịp thời thông báo cho cơ quan chủ trì theo từng lĩnh vực được phân công; đồng thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cùng cấp và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

Cơ quan chủ trì từng lĩnh vực được phân công chủ động phối hợp với cơ quan thường trực và các lực lượng triển khai ứng phó, khắc phục, xử lý tình huống; căn cứ vào tính chất, mức độ của tình huống, trường hợp vượt quá khả năng cần huy động lực lượng, phương tiện ngoài thẩm quyền, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh để quyết định.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh khi cần sự chi viện của Trung ương để ứng phó, khắc phục, xử lý tình huống, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

2. Các thông tin thuộc phạm vi xử lý của Tổng đài 113, 114, 115 được chuyển đến Tổng đài 113, 114, 115 để xử lý theo quy định.

3. Trực ban tổng đài có trách nhiệm xử lý thông tin kịp thời, đúng quy định; trường hợp xử lý thông tin chậm hoặc không đúng quy định, căn cứ vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân cố ý cung cấp thông tin sai sự thật về sự cố, thảm họa, căn cứ vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-tong-dai-112-so-dien-thoai-tiep-nhan-thong-tin-va-noi-dung-thong-tin-ve-su-co-tham-hoa-119250714134442873.htm