Những điều cần biết về trầm cảm hậu Covid-19
Sau khi nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm như: buồn chán, bi quan, mất tập trung, lo âu, stress.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Covid-19 khiến 63% người 18 - 24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.
Một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Covid-19 với những tác động nặng nề của nó gây gián đoạn việc học tập, sinh hoạt, giao lưu xã hội của trẻ em trên khắp thế giới. Theo ước tính của Unicef, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến điều này trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt... có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập và tương lai của thanh thiếu niên.
Nhà tâm lý học lâm sàng Kimberley Carder - người sáng lập một văn phòng tâm lý học tại khu Trung Hoàn, Hồng Kông cho biết hầu hết các rối loạn tâm thần đều biểu hiện và phát triển trước 14 tuổi. Các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như sinh ra và lớn lên trong gia đình bất hòa, gặp phải những biến cố như người thân qua đời, bị xâm phạm, lạm dụng về thể chất, tinh thần… có thể tác động tiêu cực đến những vấn đề tâm lý tuổi trưởng thành.
Cũng theo nhà tâm lý này, tất cả trẻ em chưa từng được đi học trực tiếp từ 2020 đến nay, những chính sách liên tục thay đổi, trường học mở và đóng cửa liên tục, những tin tức tiêu cực về Covid, gia đình bị tác động bởi đại dịch, việc không được gặp bạn bè… làm nảy sinh cảm giác bất an, hoang mang và thiếu an toàn ở trẻ. Đối với người lớn, đó chỉ là một chương của cuộc đời. Nhưng đối với thiếu niên đang học cấp ba, những khó khăn là không thể so sánh.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu Covid-19
Sau khi khỏi Covid-19 ba tháng, những triệu chứng đủ để chẩn đoán trầm cảm ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì được gọi là trầm cảm hậu Covid-19.
Những biểu hiện để chẩn đoán trầm cảm bao gồm: Cảm giác buồn chán, bi quan, mất hy vọng vào tương lai, mất tự tin, không tập trung chú ý, mất hết hứng thú vào những hoạt động trước kia mình thích… Khi bạn có 2 trong những biểu hiện trên là bạn có thể mắc trầm cảm.
Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu Covid-19, theo ThS.BS Bùi Phương Thảo, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (TP Hà Nội) thông tin trên báo chí cho biết, các tác động tiêu cực của đại dịch khiến con người không kịp thích ứng, từ đó gây ra trầm cảm ở nhóm người dễ bị tổn thương.
Số người mắc bệnh luôn ở số báo động, trường hợp xấu nhất là tử vong, phải chịu sự cách ly xã hội... gây ra xáo trộn trầm trọng cuộc sống. Mặt khác, những lo lắng sợ bị nhiễm bệnh, sự đau khổ do mất người thân, hoặc những vấn đề về kinh tế như thất nghiệp, giảm thu nhập, bệnh lý mãn tính mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ bệnh dịch cũng làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại virus cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu Covid-19. Khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus. Tuy nhiên, khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì sẽ gây ra những tác dụng ngược gây hại cho hệ thần kinh.
Hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí kể cả sau khi hết nhiễm Covid-19.
Trầm cảm là bệnh có thể điều trị được
Theo ThS.BS Trần Quang Trọng - chuyên viên tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, nếu trầm cảm bệnh nhân sẽ được tiếp cận điều trị đa mô thức. Trước tiên là các liệu pháp trị liệu tâm lý như nhận thức, hành vi, chánh niệm... Với các tình trạng trầm cảm trung bình đến nặng có thể điều trị tâm thần, sử dụng hóa dược/thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần khi cần thiết. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.
Theo các bác sĩ, trầm cảm là bệnh có thể điều trị được và việc điều trị phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định. Việc sử dụng thuốc cũng phải phù hợp với từng người bệnh cụ thể, bởi mỗi bệnh nhân có những hoàn cảnh khác nhau.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và hướng dẫn điều trị. Người bệnh cũng nên thiết lập cho mình một thời gian biểu với những hoạt động lành mạnh, vui tươi, tăng cường tập luyện thể dục thể thao, hạn chế đọc, tiếp nhận những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần duy trì các mối quan hệ xã hội tốt, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh. Trường hợp phải dùng thuốc thì phải được sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc nghe theo các bài thuốc truyền tai từ người này sang người kia để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Phạm Hiền