Những điều cần biết về virus mới xuất hiện tại Trung Quốc
Trong khi mối đe dọa Covid-19 vẫn đang thường trực sau 2 năm kể từ khi nó bắt đầu lây lan khắp thế giới và dịch đậu mùa khỉ đang dần nổi lên là một mối lo ngại, một loại virus khác xuất phát từ động vật lại đang dần xuất hiện tại Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu đang theo dõi sát sao sự lây lan của henipavirus, hay cụ thể là virus Langya (LayV) tại Trung Quốc. Cho tới nay, quốc gia này đã xác nhận 35 trường hợp nhiễm loại virus mới này.
Về mặt truy dấu, Euronews cho biết loại virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc là Sơn Đông và Hà Nam. Tuy nhiên, nó mới chỉ được xác nhận chính thức vào tuần trước sau khi số ca mắc tăng đột biến lên 35 ca.
Theo một nghiên cứu của Viện Vi sinh vật và Dịch tễ học Bắc Kinh, các trường hợp nhiễm virus Langya được xác định sau khi một số bệnh nhân báo cáo các biểu hiện bị sốt. Sau khi xác định virus Langya trong một trong những mẫu bệnh lấy từ cổ họng của bệnh nhân thông qua các dự án giám sát sức khỏe cộng đồng được chính phủ Trung Quốc thực hiện, các quan chức y tế đã kiểm tra các bệnh nhân này và ghi nhận được về tiền sử tiếp xúc với động vật.
Virus Langya là gì?
Virus Langya thuộc cùng họ với virus Nipah và virus Hendra gây chết người và đều nằm trong họ henipavirus. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), họ virus này rất nguy hiểm, đặc biệt là virus Nipah được ước tính có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 75% - cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong được báo cáo đối với COVID-19.
Do các dữ liệu thu thập được vẫn còn hạn chế, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ được mức độ nguy hiểm của vi rút Langya đối với nhân loại. Tất cả các bệnh nhân nhiễm virus ở Trung Quốc cho đến nay đều trải qua các triệu chứng giống cúm nhẹ và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Một nghiên cứu của Trung Quốc từ năm 2008 cho thấy henipavirus xuất hiện tự nhiên trong dơi ăn quả pteropid (cáo bay) và một số loài dơi nhỏ khác. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho biết henipavirus còn được ở dơi, động vật gặm nhấm và chuột chù.
Các triệu chứng của virus Langya
Triệu chứng phổ biến nhất của virus Langya là sốt vì tất cả các bệnh nhân dương tính đều gặp phải hiện tượng này. Thêm vào đó, có 54% nhiễm virus báo cáo mệt mỏi, 50% ghi nhận triệu chứng chán ăn và ho, 46% ghi nhận triệu chứng đau cơ, 38% xuất hiện triệu chứng buồn nôn và đau đầu. Ngoài ra, 35% người bệnh cũng báo cáo mình có triệu chứng nôn mửa.
Ngoài các triệu chứng này, các nhà nghiên cứu cho biết một số bệnh nhân còn phát triển một số bất thường về tế bào máu và các dấu hiệu tổn thương nội tạng như gan và thận. Tuy nhiên, hiện chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Phương thức lây truyền của virus Langya
Virus Langya là loại virus truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật. Điều này cũng tương đương với việc nó sẽ lây lan từ động vật sang con người. Tuy nhiên do không có bệnh nhân nào ở Trung Quốc tiếp xúc gần gũi với nhau, các chuyên gia tin rằng việc lây truyền virus từ động vật sang người hiện vẫn còn tương đối lẻ tẻ.
Do đó, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc vẫn đang cố gắng tìm ra chính xác những động vật có liên quan đến việc truyền virus. Chuột chù hiện đang là loại động vật nằm trong phạm vi liên quan. Điều này được củng cố bởi việc các nhà khoa học tại Viện Vi sinh vật và Dịch tễ học Bắc Kinh phát hiện ra rằng trong số 25 loài động vật hoang dã nhỏ được khảo sát, bộ gen của virus Langya chủ yếu được phát hiện ở chuột chù. Cụ thể, có tới 27% trong số 262 chuột chù được kiểm tra có chứa loại virus này, biến loại động vật này trở thành ổ chứa virus Langya tự nhiên.
Dù có thể nói chắc chắn rằng virus được truyền từ động vật sang người, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định loại virus này có lây truyền giữa con người với con người hay không. Ít nhất ở hiện tại, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết theo dõi tiếp xúc của 9 bệnh nhân với 15 thành viên gia đình tiếp xúc gần gũi cho thấy không có sự lây truyền của virus.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng số lượng mẫu phân tích là quá nhỏ để khẳng định liệu có khả năng lây truyền từ người sang người hay không.
Do mới xuất hiện và không phổ biến, trên thế giới vẫn chưa tồn tại bất kỳ loại vaccine phòng bệnh henipavirus nào cho người. Loại vaccine duy nhất được sáng chế ra hiện tại và vaccine chống virus Hendra cho ngựa.