Những điều cần lưu ý chuẩn bị cúng Rằm tháng Giêng

Theo quan niệm của người Việt Nam 'Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng', nếu chuẩn bị sắm sửa lễ và cúng Rằm tháng Giêng chu đáo sẽ mang lại bình an, may mắn cho cả năm.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình, mỗi vùng miền có thể khác nhau nhưng đều là để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh, Thổ công, thần tài và cầu mong một năm an lành, may mắn.

Theo các chuyên gia tâm linh, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14 hay 15 âm lịch đều được. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuận lợi để tiến hành cúng Rằm vào đúng ngày 15 âm lịch. Thời gian cúng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19h ngày 15/1 âm lịch.

Để có một buổi lễ cúng Rằm tháng Giêng trọn vẹn, gia chủ cần lưu ý những việc như sau:

Dọn dẹp ban thờ

Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Giêng.

Mua sắm đồ cúng lễ

Nên mua hoa tươi để dâng trên ban thờ, không dùng hoa quả giả. Hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.

Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình người Việt thường sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên. Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng thường có 10 món gồm: 4 bát, 6 đĩa. Trong đó, có 4 bát là bát canh ninh măng, bát canh bóng, bát canh miến và bát canh mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn luộc, giò hoặc chả, nem thính hoặc đĩa xào, dưa muối, xôi hoặc bánh chưng và nước chấm. Bên cạnh đó, mâm cơm cúng gia tiên cần phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của bánh. Tất cả các vị này sẽ tạo nên một mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm, an lành và xua đi những đen đủi.

Mâm lễ cúng chay.

Mâm lễ cúng chay.

Nhiều gia đình có bàn thờ Phật còn sắm lễ cúng Phật. Đó là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi. Không thêm nhiều hương liệu và có thể thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy. Mâm cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, trắng của hành thủy và vàng hành kim.

Theo quan niệm dân gian, các đồ dùng để đựng các lễ cúng như bát, đĩa, đũa, thìa,... cần phải sử dụng những đồ mới, hoặc đồ riêng biệt. Không nên dùng chung đồ cúng với các việc khác trong gia đình. Bởi đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.

Thắp hương

Khi thắp hương, người dân thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chỉ nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.

Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm,... Đặc biệt khi khấn vái cần phải liền mạch, thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.

Văn khấn cúng Rằm tháng Giêng

Dưới đây là bài văn khấn Rằm tháng Giêng theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - NXB Văn hóa Thông tin. Độc giả có thể tham khảo:

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: …

Ngụ tại: …

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Khấn xong, vái 3 vái.

Đốt vàng mã

Trọng tâm của lễ Rằm tháng Giêng tại các chùa là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Người dân có thể tham dự những lễ cầu an này.

Tuy nhiên, đạo Phật không dạy phải đốt vàng mã cho người đã mất, cũng không cổ súy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, người dân đi lễ nên bằng tấm lòng thành kính, chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy, hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.

B.Phúc (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-dieu-can-luu-y-chuan-bicung-ram-thang-gieng-5708846.html