Những điều cần lưu ý khi làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp

Trong bài Giao kết hợp đồng lao động làm việc bán thời gian trên KTSG số 11, phát hành ngày 17-3, hai tác giả của Công ty Luật Phuoc & Partners đã nói về hai loại hình làm việc bán thời gian và làm việc tự do cùng với kiểu giao kết hợp đồng làm việc bán thời gian. Bài viết kỳ này đề cập đến các vấn đề về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp để tránh thiệt thòi về lợi ích lao động.

Việc làm bán thời gian luôn thu hút sự quan tâm của người lao động trẻ. Ảnh: H.T

Ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường lao động có những thay đổi, nhiều NLĐ có khuynh hướng làm việc trực tuyến, làm bán thời gian, và làm cho nhiều doanh nghiệp khác nhau để gia tăng thu nhập. Nhu cầu về làm việc bán thời gian của người lao động (NLĐ) luôn ở mức cao, đặc biệt đối với hai nhóm người: (i) học sinh và sinh viên – những người cần làm thêm ngoài giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt của bản thân, để phụ giúp kinh tế gia đình, hoặc đang trong quá trình định hình sự nghiệp tương lai; (ii) người có quỹ thời gian nhàn rỗi muốn làm việc bán thời gian để tăng thu nhập.

Quy định pháp luật về làm việc bán thời gian

Công việc bán thời gian thường được tổ chức theo giờ, hoặc theo ca, tùy mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể quy định thời gian làm việc của một ca từ 4-5 tiếng đồng hồ. Xét trên góc độ pháp lý, làm việc bán thời gian là một hình thức “làm việc không trọn thời gian” được quy định tại điều 32 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ). NLĐ làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, có quyền bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp như NLĐ làm việc trọn thời gian. Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi không chỉ cho NLĐ làm việc toàn thời gian mà cho cả NLĐ làm bán thời gian.

Những điều cần lưu ý

Tìm kiếm công việc phù hợp. Trên thị trường lao động hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lo ngại về chi phí vận hành, trong đó có chi phí nhân sự, và có xu hướng giảm thiểu chi phí bằng cách tìm NLĐ làm các công việc bán thời gian, hoặc theo ca, theo giờ. Nhờ vậy, NLĐ đang có nhiều sự lựa chọn công việc đáp ứng mong muốn linh động thời gian làm việc của cá nhân, hoặc làm nhiều công việc trong cùng một giai đoạn để cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, ngoài việc lựa chọn một công việc phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình, NLĐ cũng cần tìm hiểu về phạm vi công việc và văn hóa của doanh nghiệp mà mình muốn làm việc, để xác định kỹ càng hơn liệu doanh nghiệp đó có phải là sự chọn lựa phù hợp cho mình hay không.

Thỏa thuận hợp đồng lao động – quyền và lợi ích của NLĐ. Làm việc bán thời gian cũng là một hình thức của quan hệ lao động, phát sinh từ thỏa thuận của mỗi bên và được pháp luật về lao động điều chỉnh. Do vậy, NLĐ khi làm việc bán thời gian cần lưu ý vấn đề giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật về lao động.

Về nguyên tắc, khi tuyển dụng NLĐ làm việc, doanh nghiệp phải giao kết HĐLĐ với NLĐ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp và NLĐ làm bán thời gian cần xác định rõ về thời gian làm việc, mức lương tương ứng với từng loại công việc. Theo quy định của BLLĐ hiện hành, HĐLĐ phải bằng văn bản và được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Nếu hai bên trao đổi và giao kết HĐLĐ dưới hình thức thông điệp dữ liệu qua e-mail hay giao dịch điện tử thì cũng có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản. Riêng đối với công việc có thời hạn dưới một tháng thì HĐLĐ có thể được giao kết bằng lời nói(1). Tùy vào tính chất công việc và điều kiện làm việc, các bên sẽ thống nhất loại HĐLĐ cần ký kết. Nếu không tuân thủ những quy định như vừa nêu, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật(2).

Thời giờ làm việc. Trên thực tế, mang tiếng là giao kết việc làm bán thời gian nhưng có những doanh nghiệp vẫn yêu cầu NLĐ phải làm hai ca/ngày, và tổng thời gian làm việc của hai ca có thể vượt thời gian làm việc tối đa được phép trong một ngày theo quy định của pháp luật lao động. Trừ trường hợp doanh nghiệp hạn định thời giờ làm việc theo tuần, việc để cho NLĐ làm việc quá thời gian cho phép trong một ngày là không đúng với quy định của pháp luật, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp.

Một ví dụ điển hình và phổ biến về làm việc bán thời gian, đó là làm việc trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi, đang rất thu hút sự quan tâm của những NLĐ trẻ. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tuyển dụng nhân viên làm việc 4-6 tiếng/ca ban ngày và 8 tiếng/ca ban đêm(3). Theo điều 106 BLLĐ, thời giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Và theo điều 98 BLLĐ, NLĐ làm bán thời gian làm việc 8 tiếng ca đêm (bằng với thời giờ làm việc của NLĐ làm việc trọn thời gian ban đêm) vẫn được trả mức lương tính theo giờ làm việc bán thời gian (thêm 30% vào ca đêm). Trên thực tế, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi dễ vi phạm pháp luật lao động khi bố trí ca làm việc vào ban đêm cho NLĐ nhưng không trả đủ lương làm thêm giờ.

Mức lương. NLĐ và doanh nghiệp thỏa thuận về mức lương và thời hạn trả lương cho công việc bán thời gian trong HĐLĐ. Có thể thỏa thuận trả lương theo giờ, theo ngày, theo ca hoặc theo tuần làm việc, hoặc trả lương theo tháng.

Hiện chưa có quy định về mức lương tối thiểu cho NLĐ làm việc bán thời gian. Theo mặt bằng chung hiện nay, mức lương dao động từ 16.000-20.000 đồng/giờ(4). Trong tình huống NLĐ làm việc ít thời gian, mức lương họ nhận được có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, pháp luật lao động quy định mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian. Tuy nhiên, nếu hiểu quy định của pháp luật lao động hiện hành về quyền bình đẳng của NLĐ làm việc không trọn thời gian trong việc hưởng lương (tại điều 32.3 BLLĐ) thì mức lương tối thiểu vùng cũng phải được áp dụng cho đối tượng NLĐ này. Và như vậy, việc NLĐ làm việc bán thời gian nhận lương thấp hơn lương tối thiểu vùng có thể bị xem là trái với quy định của pháp luật.

Chế độ bảo hiểm xã hội. Việc giao kết HĐLĐ là cơ sở để xác định nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của NLĐ. Theo điều 2.1 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, những NLĐ ký kết HĐLĐ theo một trong ba loại HĐLĐ quy định trong BLLĐ và NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Do thời gian làm việc của NLĐ làm bán thời gian không giống như NLĐ làm việc toàn thời gian, nên nếu tổng thời gian NLĐ không làm việc và không hưởng lương trong tháng từ 14 ngày trở lên thì NLĐ không phải đóng BHXH của tháng đó (theo điều 85.3 Luật Bảo hiểm xã hội).

Trên thực tế, cũng có những doanh nghiệp tuyển dụng NLĐ làm việc bán thời gian nhập nhằng việc đóng BHXH cho đối tượng NLĐ này, thậm chí là không đóng, trốn đóng, để giảm chi phí doanh nghiệp.

(Mời đón đọc bài tiếp theo về Làm việc bán thời gian cho nhiều doanh nghiệp trên KTSG số 13, phát hành ngày 31-3)

————–

(*) Công ty Phuoc & Partners Điều 14.2 BLLĐ 2019

(1) Điều 9, điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP

(2) https://www.famima.vn/vi-tri/nhan-vien-ban-hang-ban-thoi-gian-ca-dem-22h-6h/

(3) https://timviec365.vn/blog/cach-tinh-luong-nhan-vien-part-time-new15255.html

Đoàn Thị Quỳnh Như - Hoàng Minh Khánh (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-dieu-can-luu-y-khi-lam-viec-ban-thoi-gian-tai-doanh-nghiep/