Những điều cần lưu ý khi sử dụng túi khí ô tô
Túi khí là một trong những bộ phận quan trọng giúp bảo vệ an toàn cho tài xế và hành khách nếu bị va chạm mạnh.
Túi khí là thiết bị thụ động được lắp ẩn tại một số vị trí bên trong khoang xe và phần khung xe. Khi gặp sự cố nguy hiểm, hệ thống túi khí sẽ phồng lên tạo thành đệm hơi giúp giảm chấn thương cho người ngồi trong xe và nhanh chóng xẹp đi. Ở một số quốc gia, túi khí là trang bị bắt buộc trên xe cùng với dây an toàn. Tùy từng loại và vị trí lắp đặt mà túi khí có tác dụng bảo vệ khác nhau.
Dù là thiết bị hỗ trợ an toàn nhưng khi sử dụng túi khí, người dùng vẫn cần chú ý một số điểm sau để túi khí hoạt động hiệu quả, đồng thời tránh tai nạn không đáng có.
Luôn thắt dây an toàn
Luôn cài dây an toàn là một trong những nguyên tắc sử dụng túi khí trên ô tô. Thắt dây an toàn sẽ giúp phát huy hiệu quả tối đa của túi khí. Túi khí ô tô luôn được thử nghiệm cùng dây an toàn, thậm chí một số xe không kích hoạt túi khí nếu chưa cài dây an toàn.

Túi khí giúp giảm chấn thương cho người ngồi trong xe khi xảy ra va chạm. (Ảnh: Et Auto)
Khi cài dây an toàn, người ngồi không bị văng mạnh về phía túi khí đang bật mở. Do đó, người ngồi sẽ không gặp phải chấn thương nghiêm trọng ở vùng mặt, ngực. Vì vậy, hãy thắt dây an toàn ngay cả khi xe không được trang bị túi khí.
Ngồi đúng tư thế
Hành khác trên ô tô cần chú ý ngồi đúng tư thế. Người ngồi ghế phụ phía trước không gác chân lên khu vực taplo của xe. Bởi, đây là khu vực được trang bị túi khí, nếu xảy ra va chạm, áp suất nổ từ túi khí có thể làm gãy chân.
Với tài xế, cần điều chỉnh ghế ngồi sao cho không quá sát với vô lăng, cách xa vô lăng ít nhất 25 cm (tính từ tâm vô lăng đến ngực tài xế) để phòng trường hợp túi khí bung ra gây chấn thương nguy hiểm. Hơn nữa, tài xế ngồi quá sát vô lăng sẽ khiến túi khí không đủ thời gian nổ hết cỡ và tạo lớp đệm đủ an toàn để bảo vệ.
Không đặt đồ vật trên bề mặt túi khí
Nhiều người thường đặt đồ trang trí trên taplo mà không biết rằng điều này có thể gây nguy hiểm trong trường hợp xảy ra va chạm. Nếu xảy ra va chạm, túi khí sẽ nổ với tốc độ nhanh, tạo lực rất mạnh. Khi đó, đồ trang trí sẽ bị bắn với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người ngồi trong xe.
Không nên bắt chéo tay trên vô lăng
Để đảm bảo an toàn, tài xế được khuyến cáo hạn chế bắt chéo tay trên vô lăng. Nếu túi khí bung, lực nổ của túi khí có thể gây chấn thương cho người lái nếu tư thế cầm vô lăng không chuẩn.
Không chạm vào túi khí
Túi khí nổ do lượng khí bên trong túi được kích hoạt qua quá trình đánh lửa. Do vậy, hơi nóng lưu lại quanh khu vực túi khí sau khi nổ. Để tránh bị bỏng, người ngồi trong xe không nên chạm vào bên trong túi khí.
Trẻ em ngồi ở ghế sau
Nếu không may xảy ra tai nạn, lực tác động của túi khí đang bung sẽ rất nguy hiểm với trẻ nhỏ khi ngồi ở ghế trước. Vì vậy, trẻ em dưới 12 tuổi phải ngồi ở hàng ghế sau và cố định trên ghế trẻ em để tránh thương vong.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-dieu-can-luu-y-khi-su-dung-tui-khi-o-to-ar927886.html