Những điều còn ám ảnh sau vụ chìm phà Sewol 10 năm trước
Ngày 16-4-2024, Hàn Quốc tưởng nhớ 304 người, hầu hết là học sinh, thiệt mạng trên phà Sewol 10 năm về trước. Cho đến nay, một số người sống sót vẫn ám ảnh về tâm lý sau vụ tai nạn đường thủy thảm khốc nhất Hàn Quốc, trong khi các gia đình nạn nhân khác kêu gọi một lời xin lỗi thích đáng cho những người thân yêu của họ.
Nỗi đau người ở lại
Vào ngày 16-4-2014, 325 học sinh và 14 giáo viên của trường Trung học Danwon ở Ansan, tỉnh Kyunggi đã lên phà Sewol tới đảo Jeju tham quan. Nữ sinh Cho Mun-jeong tham gia chuyến đi đó và hy vọng có một kỳ nghỉ vui vẻ để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới.
Sau một tiếng “rầm” lớn, thông báo được đưa ra kêu gọi hành khách không di chuyển và kiên nhẫn chờ cứu hộ. Nhưng Cho nhanh chóng nhận ra chiếc phà đang chìm và chỉ trong vài giây hành lang đã ngập đầy nước. Cho nắm tay bạn bè chờ đợi và tin rằng tất cả sẽ được giải cứu. Nhưng khi nhận ra chờ đợi chẳng ích gì, cô cùng 2 người bạn nhảy xuống nước và chộp lấy bất cứ thứ gì để có thể nổi lên. Dòng nước mạnh đánh vào khiến họ tuột tay nhau. Cho bơi vào được bờ, nhưng 1 người bạn của cô thì không thể. Đến giờ Cho vẫn gặp những cơn ác mộng vì ký ức tuột mất tay bạn mình hôm ấy.
Park Sun-young, một cựu nữ học sinh của trường Danwon không gặp nạn vì đã từ chối tham gia chuyến tham quan đó. Cô vẫn nhớ 1 ngày trước khi lên đường, nhiều bạn trong lớp lo lắng vì nhà trường cho biết chuyến đi có thể bị hủy nếu thời tiết không thuận lợi. Nhưng thông báo cuối cùng là hành trình vẫn như đúng kế hoạch. Bạn bè của Park đã nhắn tin cho cô rằng, đây sẽ là cảm giác tự do cuối cùng trước kỳ thi đại học vào năm sau. Khi nhận thông tin chiếc phà bị chìm, cướp đi sinh mạng của thầy cô giáo và những người bạn thân nhất, Park rơi vào tình trạng sốc như thể bị cắt đi một mảng ký ức. Trong số 325 học sinh trên tàu, có 75 người sống sót. Tất cả họ đều được đưa vào bệnh viện trong 2 tuần và được hỗ trợ thêm về sức khỏe tâm thần trong 70 ngày. Tuy nhiên, Park không nằm trong diện đó và cô bị bỏ lại một mình để đương đầu với cảm giác tội lỗi suốt nhiều ngày. Cô nói: “Tôi đã ước giá như mình có thể chết thay cho bạn bè”.
Đã 10 năm trôi qua, những người sống sót sau thảm kịch bước vào đại học và dần trưởng thành. Nhưng với họ, thập kỷ qua cũng là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, đầy rẫy những giai đoạn trầm cảm và cảm giác lạc lõng. Bản thân Cho Mun-jeong cũng luôn che giấu việc mình là người sống sót sau vụ đắm phà. “Tôi sợ phải đối mặt với sự phán xét từ những người khác” - Cho Mun-jeong chia sẻ. Trong khi đó, Park Sun-young cho biết, cô bị chứng “ám ảnh xã hội” do thường xuyên tiếp xúc với báo chí và cảm giác tội lỗi khi may mắn thoát được thảm kịch. “Cho đến năm 20 tuổi, chứng lo âu và “ám ảnh xã hội” của tôi đã ở mức tồi tệ nhất. Tôi không tham gia bất kỳ hoạt động nào vì sợ chỉ cần ra ngoài, điều gì không may sẽ xảy ra”.
Trong lễ tưởng niệm 250 học sinh thiệt mạng trên phà Sewol ở thành phố Ansan hôm 14-4 vừa qua, 37 thành viên gia đình các nạn nhân đã lên một con tàu của Cảnh sát biển để tới khu vực con phà gặp nạn. Ông Kim Jong-gi (người đã mất cô con gái Soo-jin) phát biểu: “Mỗi ngày trong 10 năm qua với tôi đều là khoảng thời gian đau đớn và không thể chịu đựng nổi”.
Không xác định được nguyên nhân thảm kịch
Phà Sewol nặng 6.825 tấn, chở 476 hành khách bị lật ngoài khơi đảo Jindo ngày 16-4-2014 khi đang trên đường đến đảo nghỉ mát Jeju. Thảm họa hàng hải tồi tệ nhất Hàn Quốc khiến 304 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh và 11 giáo viên của trường Trung học Danwon. Cảnh tượng chiếc phà chìm được truyền hình trực tiếp khiến người dân Hàn Quốc bàng hoàng. Sự hoài nghi chuyển sang phẫn nộ khi có tin thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đã rời tàu, còn các em học sinh được yêu cầu ở lại cabin và chờ giải cứu. Lực lượng cứu hộ đã đến chậm và hầu như không có hiệu quả.
Kết quả điều tra công bố vào năm 2018 đã không xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch mặc dù các yếu tố như sửa đổi tàu trái phép, chở hàng quá tải gấp 3 lần giới hạn và lỗi của con người có thể đã góp phần gây ra vụ chìm phà. Khi vào khúc cua, tốc độ và tải trọng của tàu khiến tàu bị lật.
Thuyền trưởng chiếc phà - người đã bỏ rơi các hành khách - đang thụ án tù chung thân, trong khi 14 thành viên thủy thủ đoàn nhận mức án lên tới 12 năm tù. Sự phẫn nộ của công chúng khi việc giải cứu thất bại cũng khiến các sĩ quan thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị buộc tội sai sót trong xử lý việc giải cứu. Cho đến nay chỉ có 1 chỉ huy bị kết án trong khi cựu Chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo vệ bờ biển Kim Suk-kyoon được tuyên trắng án vào tháng 11-2023. Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, khi tin tức về thảm họa nổ ra đã không thể liên lạc với Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun-hye và bà vẫn không lên tiếng suốt 7 giờ sau đó. Bi kịch được coi là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến việc bà bị luận tội vào năm 2017.
Mục tiêu đi tìm câu trả lời
Dù 10 năm trôi qua, những người thân trong gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol vẫn muốn có câu trả lời và không ngừng hối thúc chính phủ đưa ra lời xin lỗi chính thức trước khi mọi chuyện phai dần theo thời gian. Sau 10 năm, người thân nạn nhân thảm kịch Sewol vẫn đấu tranh tìm câu trả lời. “Chúng tôi lo lắng về việc ký ức vụ chìm phà Sewol sẽ bị xóa trước khi sự thật được tiết lộ” - ông Kim Jong-gi nói. Ông Park Seung-ryul, người đứng đầu một liên minh các nhóm dân sự giúp đỡ gia đình nạn nhân tìm kiếm công lý, cho biết: “Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản. Nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa những thảm họa như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.
Mặc dù ban đầu có những lo ngại rằng, thảm họa giẫm đạp ở Itaewon vào ngày 29-10-2022 có thể làm mọi người không còn chú ý về thảm kịch của phà Sewol, nhưng trên thực tế nó đã mang lại cho các gia đình nạn nhân nguồn năng lượng mới trong hành trình tìm kiếm sự thật. Hôm 16-4, ông Lee Tae-ho - Chủ tịch Liên minh các gia đình nạn nhân của vụ thảm họa chìm phà Sewol nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã nghĩ rằng, có lẽ tiếng nói của chúng tôi và toàn bộ thảm kịch sẽ bị gác lại sau sự chấn động của vụ Itaewon. Tuy nhiên chúng tôi nhận ra, cũng giống như chúng tôi, gia đình các nạn nhân của thảm kịch Itaewon có cùng mục tiêu là tìm ra sự thật và tìm cách tạo ra một xã hội an toàn cho tất cả mọi người”.
Ngay cả với cựu nữ sinh Park Sun-young hay Cho Mun-jeong, thảm kịch chen lấn trong đám đông dẫn đến chết người ở Itaewon vào tháng 10-2022 khiến họ thêm thức tỉnh. “Sau thảm kịch Itaewon, tôi nhận ra bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của thảm kịch, ngoài các nạn nhân trực tiếp thì đó còn là gia đình họ. Bởi thế, việc lên tiếng để nhắc nhở về thảm kịch là cần thiết” - Park Sun-young nói. Tương tự, nhắc đến câu nói nổi tiếng “Một quốc gia quên đi quá khứ thì không có tương lai”, Cho Mun-jeong nói rằng, việc từ chối nhớ lại những bi kịch trong quá khứ cũng giống như “để cho những thảm họa tương tự tái diễn trong tương lai”. “Chúng ta cần nhận ra, xác định và ghi nhớ những bài học cần rút ra từ những bi kịch trong quá khứ để ngăn chặn những bi kịch tiếp theo và ngăn chặn những kết cục tàn khốc hơn nữa”.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 16-4-2024, ông Lee Sang-min - Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc và ông Yoo Jeong-bok - Thị trưởng Incheon cùng khoảng 200 người đã dự lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Incheon Family Park. Đây là nơi lưu giữ tro cốt của 44 nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm phà Sewol 10 năm trước. Tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cũng đã đưa một số gia đình nạn nhân tới nơi từng xảy ra vụ chìm phà để làm lễ tưởng niệm. Chiều cùng ngày, lễ tưởng niệm được tổ chức tại thành phố cảng Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, nơi các lực lượng chức năng đã trục vớt được mảnh vỡ của phà Sewol và hiện cũng là nơi trưng bày mảnh vỡ này.
Theo Korea Herald/Reuters