Những điều đặc biệt trong chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ tuần qua có rất nhiều điều đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về quan hệ Việt Nam - Mỹ nhân chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ tuần qua, TS Nguyễn Hồng Hải (Giảng viên Cao cấp, Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng, ĐH VinUni) đã có những nhìn nhận về quan hệ Việt Nam – Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 1 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến công tác với những điều đặc biệt
. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc ở Mỹ và Cuba với một lịch trình vô cùng dày đặc, kéo dài từ ngày 21 đến 27-9. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động đối ngoại này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?
+ Như chúng ta biết, năm nay Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức khóa họp lần thứ 79 bắt đầu từ ngày 10-9 đến hết 30-9. Trong khóa họp này, LHQ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai vào ngày 22 đến 23-9 và tiếp đó là tuần lễ cấp cao bắt đầu từ ngày 24-9. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu tại cả hai hoạt động trên, và kết hợp thăm làm việc tại Mỹ. Trước hết, cần nói về những điều “đặc biệt” trong chuyến đi này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Điều đặc biệt thứ nhất là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất nước ta tham dự một hoạt động đa phương do LHQ tổ chức và thăm làm việc tại Mỹ trên cả hai cương vị là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Sự đặc biệt này tạo ra những điều đặc biệt khác trong các hoạt động liên quan.
Điều đặc biệt thứ hai là lần đầu tiên Chủ tịch nước ta tham dự và phát biểu tại LHQ trên cả cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức này cách đây 47 năm.
Điều đặc biệt thứ ba là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết hợp thăm làm việc, chứ không phải thăm chính thức, tại Mỹ trong bối cảnh hai nước kỷ niệm tròn một năm nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới chuẩn bị kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ vào năm tới. Dù chỉ là thăm làm việc, nhưng đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất nước ta tiến hành các hoạt động song phương ở Mỹ trên cả hai cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Điều đặc biệt thứ tư là tuy không phải thăm chính thức, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi gặp trao đổi về quan hệ song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề các hoạt động tại LHQ. Theo tôi được biết, cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một trong 3 cuộc gặp mà Tổng thống Biden thực hiện với lãnh đạo các nước dịp này bên lề hoạt động tại LHQ. Theo thông lệ, Tổng thống Mỹ rất hiếm khi tiến hành hoạt động song phương bên lề hoạt động tại LHQ. Điều này thể hiện phía Mỹ và cá nhân Tổng thống Biden rất coi trọng quan hệ với Việt Nam cũng như với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có gần 30 cuộc gặp với giới doanh nghiệp, quan chức chính phủ và quốc hội, bạn bè Mỹ, chuyên gia, học giả. Trong số những hoạt động này, đáng lưu ý nhất là hai bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại lễ kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ và hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam -Mỹ, và tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới do ĐH Columbia tổ chức. Hai bài phát biểu này đều đưa ra nhiều thông điệp, nhưng trên hết là thông điệp về tương lai quan hệ Việt Nam - Mỹ, mục tiêu phát triển của Việt Nam, và chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trở lại với các hoạt động cụ thể, ở cấp độ đa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ và người đứng đầu một số cơ quan của LHQ và định chế tài chính quốc tế. Ở cấp độ song phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp với lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức khu vực như Ấn Độ, Vatican, Ukraine, và Liên minh châu Âu (EU).
+ Vậy ý nghĩa từ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đối với vị thế của Việt Nam?
Tôi thấy chuyến thăm này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nổi lên mấy ý nghĩa sau:
Thứ nhất, khẳng định Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò không thể thiếu của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như chính sứ mệnh của LHQ khi thành lập cách đây 79 năm. Đồng thời, phía LHQ cũng ghi nhận vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự ghi nhận này còn có phần ngưỡng mộ hình mẫu phát triển của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị chiến tranh tàn phá trở thành nước có vị thế như ngày nay.
Thứ hai, trong các phát biểu trước diễn đàn LHQ và song phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng phát triển của một nước Việt Nam đã sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trên cơ sở chúng ta đã tạo dựng được cơ sở và nền tảng, tích lũy được tiềm lực sau gần 40 năm đổi mới.
Thứ ba, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã khẳng định lại chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế; là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đề cao việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế...
Thứ tư, với chính quyền và những người bạn Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi đi thông điệp Việt Nam trân trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ đầy đủ. Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Joe Biden đều nhấn mạnh đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ như là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm và làm việc tại Mỹ lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ khẳng định di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, mà còn chắc chắn tạo dựng nền tảng cho việc tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa lòng tin chính trị giữa hai nước cho quan hệ hai nước trong thời gian tới, hiện thực hóa 10 trụ cột được xác lập trong tuyên bố về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phát triển bền vững.
Thứ năm, những phát biểu và tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với giới học giả và Việt kiều tại Mỹ đã tinh tế truyền tải một thông điệp về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đây là điều hết sức quan trọng đặt trong bối cảnh về khát vọng xây dựng và phát triển một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, một Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai bên kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ vào năm 2025. Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam - Mỹ qua gần ba thập niên qua?
+ Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 29 năm, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển vượt bậc mà như nhiều người đã nói ngay cả những người lạc quan nhất ở thời điểm đó cũng không thể hình dung đến một ngày khi hai nước, hai cựu thù, lại trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, ở mức độ quan hệ ngoại giao cao nhất.
Tôi cho rằng, quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển được như hiện nay là dựa trên ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Ba yếu tố này đều gắn với vấn đề địa chính trị, sự chuyển động trong quan hệ quốc tế, nhu cầu và sự thúc đẩy chính sách phát triển trong nước. Tuy nhiên, ba yếu tố này sẽ không thể được phát huy nếu không biết nắm bắt cơ hội, không có tư duy và tầm nhìn chiến lược, và trên hết nếu cả hai bên không tìm thấy và chia sẻ những điểm chung và lợi ích chung.
Những lợi ích chung mà Việt Nam và Mỹ chia sẻ chính là một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, một khu vực châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Nếu có thể dùng một từ để có thể tổng kết lại quan hệ Việt Nam - Mỹ trong gần 30 năm qua, tôi cho rằng đó là lòng tin. Không có lòng tin thì không có chuyện hai kẻ thù trở thành bạn của nhau; không có lòng tin không có chuyện hai đối thủ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của nhau.
Triển vọng quan hệ Việt Nam - Mỹ
. Sau một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác công nghệ. Ông nhận định gì về những thành quả hợp tác đó?
+ Thương mại, đầu tư và hợp tác công nghệ là những trụ cột trong Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên, một năm là khoảng thời gian ngắn để có thể thấy được những kết quả đột phá mạnh mẽ trong những lĩnh vực này.
Về thương mại, nhìn chung, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tiếp đà phát triển của 2 năm trước. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Việt Nam, dự báo đến hết năm sẽ đạt hơn 100 tỉ USD Mỹ. Nếu đạt được mục tiêu này thì đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt con số 100 tỉ USD.
Về đầu tư, các công ty lớn của Mỹ tiếp tục có những cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Các tập đoàn như Google, Apple, Microsoft, SpaceX, Nvidia, Boeing đều cam kết tăng cường và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Lâu nay, Việt Nam đã là điểm đến mới cho đầu tư của các công ty và tập đoàn Mỹ, nhưng không thể phủ nhận rằng những cam kết và sự quan tâm của các tập đoàn Mỹ mạnh mẽ hơn là vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong cuộc tọa đàm với các tập đoàn lớn của Mỹ tại New York hôm 23-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tôi nghĩ, điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi những cam kết của các doanh nghiệp Mỹ trở thành những con số đầu tư cụ thể trên thực tế.
. Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt Nam-Mỹ trong thời gian tới?
+ Tôi tin rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới sẽ ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn nữa. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ quốc tế, phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam và chiến lược tăng cường và mở rộng quan hệ của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, không phải lúc nào quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng suôn sẻ vì nhiều lý do. Nhưng nếu hai bên bình tĩnh giải quyết, nhìn từ góc độ của nhau, hiểu nhau và tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng nhau đối thoại thì như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại ĐH Columbia rằng “mọi vấn đề dù phức tạp đến mấy cũng sẽ có hướng giải quyết”, và Tổng thống Joe Biden cũng nói trong cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, rằng “không có gì vượt quá khả năng của chúng ta khi cả hai cùng làm việc với nhau”.